2.800 ngày vẫn chưa chọn được nhà đầu tư: Nhà ở xã hội đang kẹt ở đâu?
Có đất, có vốn, có quy hoạch chi tiết, nhưng hàng loạt dự án nhà ở xã hội vẫn trùm mền hàng năm trời vì chờ đấu thầu. Trước thực trạng đó, đề xuất cho phép chỉ định thầu nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội đang được kỳ vọng sẽ khơi thông hàng triệu mét vuông nhà giá rẻ đang bị chôn chân vì thủ tục.
Theo quy trình hiện hành, để một dự án nhà ở xã hội được triển khai, nhà đầu tư phải đi qua ít nhất 4 vòng phê duyệt lớn – từ quy hoạch, đất đai, chủ trương đầu tư đến lựa chọn nhà đầu tư. Ngay cả khi áp dụng quy trình rút gọn, Bộ Xây dựng ước tính cũng cần ít nhất 200 ngày để hoàn tất.
Nhưng con số ấy trên thực tế chỉ là kỳ vọng. Một doanh nghiệp bất động sản phát triển nhà ở xã hội tại Hà Nội hé lộ một thực tế chua chát: “Nhà nước tính 286 ngày là hoàn tất đấu thầu, nhưng thực tế có khi… 2.800 ngày cũng chưa xong", dù đã có quỹ đất sạch, có quy hoạch chi tiết 1/500, và nguồn vốn đối ứng 500 tỷ đồng sẵn sàng.
“Nếu chỉ định thầu từ đầu, chúng tôi đã có thể bàn giao gần 1.000 căn hộ cho công nhân trong năm 2024. Nhưng đến nay, vẫn chưa ký được hợp đồng đầu tư, vì hồ sơ liên tục bị vòng lại do chưa hoàn tất đấu thầu,” đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
![]() |
Chỉ định thầu nếu được thực thi công bằng, minh bạch và đúng trọng tâm, có thể là “cú huých” đầu tiên đưa hàng trăm dự án nhà ở xã hội quay trở lại đường ray. |
Không riêng Hà Nội, tình trạng án binh bất động cũng đang diễn ra tại Bình Dương, Đồng Nai, Thanh Hóa – những nơi có nhu cầu rất lớn về nhà ở công nhân. Nhiều chủ đầu tư đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chuẩn bị nguồn lực triển khai nhanh, nhưng đều bị “gãy” ở khâu lựa chọn nhà đầu tư.
Trong bất động sản, thời gian chính là tiền, là chi phí vốn, là cơ hội thị trường. Với phân khúc nhà ở xã hội – vốn có biên lợi nhuận thấp (chỉ khoảng 10%), việc trì hoãn hàng năm khiến không ít doanh nghiệp nản lòng rút lui, đẩy cung nhà ở cho người thu nhập thấp tiếp tục rơi vào trạng thái khan hiếm.
Mới đây, tại dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề xuất cho phép giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu, trong trường hợp dự án đã có chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc các văn bản pháp lý tương đương. Với các dự án chưa có quyết định đầu tư, việc chỉ định thầu cũng được cân nhắc, nếu địa phương có nhu cầu và điều kiện đáp ứng.
Nêu quan điểm về vấn đề này, bà Thái Quỳnh Như, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES), đánh giá, thí điểm chỉ định thầu có thể là "làn xanh" quý giá cho những doanh nghiệp dám làm thật, dám đi sâu vào nhà ở xã hội. Nếu triển khai đúng cách, nó có thể giúp rút ngắn 200–300 ngày, khơi thông nguồn cung, kích hoạt lại thị trường nhà ở xã hội vốn đang nằm im suốt 3 năm qua.
Bà Như nhấn mạnh, tín hiệu chính sách rất tốt, nhưng nếu cách làm vẫn cũ với bộ máy vẫn trì trệ, thì khó kỳ vọng hiệu quả. Chúng ta không cần thêm một chính sách nữa, mà cần một quyết tâm thực thi thực chất.
"Điểm mấu chốt là phải thiết lập bộ tiêu chí công khai để lựa chọn nhà đầu tư, bao gồm: năng lực tài chính, kinh nghiệm thực thi, tiến độ và cam kết chất lượng. Ngoài ra, nên gắn việc phát triển nhà ở xã hội như một tiêu chí đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp, để tạo động lực bền vững", chuyên gia VIRES nhận định.
>>> Tiết kiệm 10% chưa giúp bạn giàu: Chuyên gia chỉ cách tích lũy 70% để đầu tư hiệu quả
HoREA kiến nghị mở rộng đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội
Dự án nhà ở xã hội gần 150ha của Vingroup (VIC) tại Thanh Hóa có chuyển biến mới