Vùng hỗ trợ 1.470 điểm có vai trò quan trọng trong việc xác định xu hướng của chỉ số VN-Index trong tháng 2/2022.
Báo cáo cập nhật của SSI Research vừa cho biết, trong tháng 2 này, thị trường có thể bị ảnh hưởng bởi những thông tin liên quan đến kế hoạch tăng lãi suất của Fed dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 3. Mặc dù vậy, SSI đánh giá ảnh hưởng này sẽ chỉ mang tính chất tâm lý tác động ngắn hạn.
Vùng hỗ trợ 1.470 điểm có vai trò quan trọng trong việc xác định xu hướng của chỉ số VN-Index. Trong trường hợp chỉ số duy trì vận động ổn định trên vùng này cùng với sự cải thiện của thanh khoản, chỉ số nhiều khả năng sẽ chinh phục thành công mốc tâm lý 1.500 điểm đồng thời gia tăng xác suất hướng về đỉnh cũ 1.537 điểm.
Ở chiều ngược lại, nếu phá vỡ khu vực 1.470 điểm với khối lượng gia tăng, SSI dự phóng chỉ số VN-Index sẽ phải tìm điểm cân bằng quanh vùng hỗ trợ 1.423 - 1.400 điểm.
Dựa trên những luận điểm đầu tư, danh sách 9 cổ phiếu triển vọng được SSI Research lựa chọn gồm CTG, STB, VPB, SHB, HAH, SZC, FPT, PNJ, GAS.
- CTG - Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam: Chi phí tín dụng năm 2022 của CTG được dự báo sẽ giảm từ mức cao kỷ lục của 2021 qua đó hỗ trợ cho mức tăng trưởng lợi nhuận.
Bên cạnh đó, CTG có thể có lợi nhuận đột biến từ hợp đồng độc quyền banca với Manulife trong 2022, kế hoạch thoái vốn khỏi Vietinbank Leasing và Vietinbank Securities là những yếu tố có thể giúp ngân hàng có được bộ đệm vốn tốt hơn. Trong khi đó, định giá cổ phiếu CTG khá hấp dẫn, P/B 2022 chỉ là 1,6x lần, với ROE 17,3%.
- STB - Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín: Theo ước tính của SSI Research, STB đã thoái lãi dự thu khoảng hơn 3 nghìn tỷ đồng trong quý 4/2021, đưa lãi dự thu có vấn đề về khoảng 7 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối 2021. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế vẫn ở mức tốt là 4,4 nghìn tỷ đồng (+32% YoY) đồng thời tiến độ xử lý tài sản có vấn đề kỳ vọng có tiến triển trong 2022.
Trong những năm gần đây, mỗi năm STB trích dự phòng và thoái thu lãi khoảng 4,8 - 5,8 nghìn tỷ đồng, qua đó kỳ vọng lợi nhuận trước thuế sẽ có cải thiện mạnh từ 2023 khi không còn những gánh nặng về chi phí.
- VPB - Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng: Mặc dù rủi ro nợ xấu ở FeCredit vẫn còn, song SSI cho rằng ngân hàng mẹ đã tích cực trích lập dự phòng nợ xấu nhờ đó tỷ lệ bao nợ xấu cải thiện lên 85%. Lợi nhuận trước thuế 2022 dự báo đạt 18 nghìn tỷ đồng nhờ tăng trưởng thu nhập lãi và chi phí dự phòng chỉ tăng nhẹ so với 2021, đồng thời thương vụ PHRL sẽ là yếu tố tích cực đối với VPB.
- SHB - Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội: SSI dự phóng tăng trưởng LNTT ở mức cao, đạt 10.000 tỷ (+60% YoY) trong 2022 nhờ việc tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC trong 2021. Nguồn tiền thu được từ thương vụ thoái vốn tại SHB Finance sẽ hỗ trợ tăng trưởng trong 2022, ghi nhận lợi nhuận từ thương vụ này vào lợi nhuận để lại.
- HAH - CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An: Hoạt động kinh doanh của HAH vẫn trên đà tăng trưởng mạnh mẽ nhờ giá cước nội địa hồi phục tốt và các hợp đồng cho thuê tàu mới với giá thuê ngày ổn định ở mức cao. Kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2022 và 2023 nhờ nhu cầu vận tải phục hồi sau dịch; giá cước dịch vụ cảng biển được điều chỉnh tăng vào đầu năm 2022, ở mức rất cao trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng chưa có dấu hiệu cải thiện, trực tiếp hỗ trợ giá thuê tàu.
Mặt khác, HAH cũng tích cực mở rộng đội tàu để đẩy mạnh tăng trưởng trong điều kiện thị trường thuận lợi. Tầm nhìn dài hạn giúp ổn định lợi nhuận cả trong tình huống giá cước vận tải đi xuống. Chiến lược cân bằng của HAH giữa đội tàu chạy nội địa và đội tàu cho thuê quốc tế giúp công ty giữ thị phần trong bối cảnh nhiều hãng từ bỏ thị trường nội địa.
- SZC - CTCP Sonadezi Châu Đức: Dự báo năm 2022, SZC tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ vào khách hàng đã ký MOU vào năm 2021. Trong khi đó, hạ tầng tại khu vực Bà Rịa Vũng Tàu thúc đẩy giá thuê tăng nhanh trong khi diện tích SZC còn lại sẵn sàng cho thuê lớn - đây là lợi thế của SZC so với các khu công nghiệp khác, từ đó duy trì mức biên lợi nhuận gộp cao hơn 60%.
- FPT - CTCP FPT: SSI kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2022 có thể đạt mức 22%, cao hơn so với mức kế hoạch đã công bố, trong đó khối công nghệ vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng. Hiện FPT đang giao dịch ở mức FY22 P/E khá hấp dẫn là 16,9x với mức tăng trưởng lợi nhuận là 22% YoY & tỷ lệ PEG tương ứng là 0,7x.
- PNJ - CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận: Trong năm 2021, doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 19,6 nghìn tỷ đồng và 1 nghìn tỷ đồng, đây là kết quả ấn tượng trong khi 82% số cửa hàng trên cả nước đóng cửa trong suốt quý 3. SSI kỳ vọng PNJ sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh trong năm 2022, đặc biệt là từ quý 3 nhờ nhu cầu phục hồi sau dịch, PNJ tiếp tục chiếm thị phần từ các cửa hàng nhỏ lẻ buộc phải đóng cửa trong thời kỳ dịch bệnh 2 năm vừa qua đồng thời nguồn vốn thu được từ kế hoạch phát hành riêng lẻ sẽ giúp công ty tiếp tục mở mới các cửa hàng tại các thành phố một cách nhanh chóng hơn.
SSI ước tính năm 2022, PNJ sẽ đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 23,5 nghìn tỷ đồng và 1,41 nghìn tỷ đồng
- GAS - Tổng Công ty khí Việt Nam: Năm 2022, SSI Research kỳ vọng nhu cầu từ các nhà máy điện khí hồi phục, qua đó tăng trưởng sản lượng ước tính đạt 18,5% do mức so sánh thấp trong 2021. Với giả định giá dầu thô Brent theo kịch bản cơ sở là 80 USD/ thùng, lợi nhuận của GAS ước tăng mạnh do giá bán tăng, với mỗi 10 USD tăng/giảm của giá dầu Brent, lợi nhuận trước thuế của GAS sẽ tăng/giảm khoảng 700 đến 1.100 tỷ đồng.
Quỹ Leadvisors gom hơn 5,3 triệu cổ phiếu Xếp dỡ Hải An (HAH)
Thuế VAT 5% với phân bón chính thức có hiệu lực, SSI Research chỉ ra hai doanh nghiệp hưởng lợi lớn