Thế giới

Tăng thuế dồn dập, kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng ổn định: Vì sao?

Minh Lan 25/07/2025 09:03

Gần bốn tháng sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố các mức thuế quan mới, kinh tế thế giới vẫn vững vàng với đà tăng trưởng, giao thương và đầu tư mạnh mẽ.

Kinh tế toàn cầu đang vượt qua làn sóng tăng thuế quan lớn nhất trong nhiều năm với một đặc điểm ít ai ngờ tới: Sự kiên cường.

Mặc dù đối mặt với bất ổn lớn, các doanh nghiệp và hộ gia đình đã khiến giới kinh tế học ngạc nhiên với khả năng “xoay xở” linh hoạt, tìm lối đi ngắn hạn trong lúc chờ rõ ràng về đích đến của chính sách thuế.

screenshot-2025-07-22-153506.png
Theo JPMorgan, nền kinh tế thế giới đã tăng trưởng với tốc độ 2,4% mỗi năm trong nửa đầu năm nay

Các nhà sản xuất toàn cầu đã đẩy nhanh đơn hàng và chuyển hướng luồng hàng hóa đi qua các nước thứ ba để tránh mức thuế cao tại Mỹ. Phần lớn doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn giữ nhịp đầu tư và chi tiêu, bất chấp những bất định về môi trường thương mại, theo các chuyên gia phân tích.

Theo JPMorgan, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng ở mức 2,4%/năm trong nửa đầu năm – tương đương với xu hướng dài hạn.

Khối lượng thương mại toàn cầu vẫn sôi động, thị trường chứng khoán ở cả hai bờ Đại Tây Dương phục hồi lên mức cao kỷ lục và các tổ chức đang nâng dự báo tăng trưởng từ châu Âu đến châu Á.

Goldman Sachs cho biết, các chỉ số như đầu tư, tuyển dụng trong lĩnh vực sản xuất, chi tiêu tiêu dùng và hoạt động kinh tế tổng thể vẫn được duy trì vững chắc trên toàn cầu.

screenshot-2025-07-22-153542.png
Thay đổi trong dự báo của JPMorgan về tăng trưởng GDP và lạm phát trong 13 tuần qua. GDP (màu xanh) và lạm phát lõi (màu đen) cho từng khu vực

“Điều mà nhiều người đánh giá sai là sự hỗn loạn của chính sách thương mại và cách mà doanh nghiệp tìm cách phòng ngừa rủi ro”, ông Marcus Noland – Phó Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tại Washington D.C nhận định.

Một phần nguyên nhân của sự thích nghi này đến từ kinh nghiệm tích lũy trong đại dịch Covid-19, khi doanh nghiệp buộc phải củng cố chuỗi cung ứng, dù điều đó từng làm giảm lợi nhuận. Giờ đây, chiến lược đó đang phát huy hiệu quả. Cùng lúc, các Chính phủ từ Mỹ đến Đức cũng chi tiêu mạnh tay, hỗ trợ tâm lý thị trường.

Một số doanh nghiệp thậm chí tăng tích trữ hàng tồn kho với kỳ vọng rằng thuế quan sẽ còn tăng cao hơn trong tương lai, theo ông Angel Talavera, chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics.

“Rõ ràng, mức độ bất định đang tác động ít hơn đến hoạt động kinh tế so với những gì chúng tôi từng nghĩ”, bà Isabel Schnabel, thành viên Hội đồng điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chia sẻ trên trang web của ngân hàng.

Cuộc phản ứng chính trị chống toàn cầu hóa, khởi phát khoảng một thập kỷ trước, cũng đã khiến nhiều doanh nghiệp quốc tế chuyển hướng sang sản xuất tại địa phương để phục vụ các thị trường xuất khẩu chính. Đợt tăng thuế mới càng củng cố tầm quan trọng của chiến lược này.

Tại Đức, tập đoàn EBM Papst – nhà sản xuất quạt công nghiệp với doanh thu khoảng 2,5 tỷ euro/năm (~2,9 tỷ USD) đang có kế hoạch xây dựng nhà máy thứ ba tại Mỹ và đang cân nhắc mở rộng thêm. CEO Klaus Geissdoerfer cho biết, nhu cầu tăng mạnh do sự bùng nổ của các trung tâm dữ liệu hỗ trợ AI là động lực chính.

Một số khách hàng Mỹ đã đề nghị công ty chuyển nhiều hơn hoạt động sản xuất sang Mỹ để thay thế các nhà cung cấp châu Á đang chịu mức thuế cao hơn. “Nếu làm được điều đó, doanh thu của chúng tôi tại Mỹ có thể tăng thêm 20-30%”, ông nói.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) báo cáo rằng khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu trong quý I tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, nhờ lượng hàng nhập khẩu vào Bắc Mỹ tăng mạnh. WTO cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa năm nay từ mức giảm 0,2% thành tăng 0,1%.

screenshot-2025-07-22-153552.png
Một nhà máy của EBM Papst tại Hollenbach, Đức. Công ty này đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy mới tại Mỹ

Tại châu Âu, ngành sản xuất tiếp tục cải thiện trong những tháng gần đây, với các chỉ số như đơn hàng mới, đơn xuất khẩu và sản lượng dự kiến đều đạt mức cao nhất trong ba năm. “Điều này cho thấy xu hướng tích trữ đơn hàng không phải là yếu tố duy nhất”, bà Schnabel từ ECB nhận định.

Trong lĩnh vực ô tô – ngành công nghiệp then chốt của châu Âu – sản lượng vẫn duy trì tốt dù đang phải chịu mức thuế 25% và xuất khẩu sang Mỹ sụt giảm, theo ông Adrian Prettejohn, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics.

“Chúng tôi dự đoán rằng tồn kho hàng hóa và thuế quan sẽ tác động đến xuất khẩu khu vực Eurozone, nhưng có vẻ mức sụt giảm sẽ không nghiêm trọng như lo ngại ban đầu”, ông nói.

Tại Trung Quốc – đối trọng chính của Tổng thống Trump trong cuộc chiến thuế – tác động cũng không nặng nề như dự báo.

Xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ trong năm tháng đầu năm giảm khoảng 10% so với cùng kỳ, nhưng tổng xuất khẩu lại tăng 6%, nhờ sự gia tăng đơn hàng sang châu Á, châu Âu và châu Phi. Đặc biệt, xuất khẩu sang Thái Lan và Mexico tăng mạnh – phản ánh xu hướng tránh thuế bằng cách xuất hàng gián tiếp qua nước thứ ba.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Mỹ, nhập khẩu từ Đông Nam Á trong bốn tháng đầu năm tăng 28% so với cùng kỳ. Tổng nhập khẩu từ châu Á cũng tăng 10%, đạt 582 tỷ USD, bất chấp sự sụt giảm trong giao thương với Trung Quốc.

Tại Mỹ, bà Susan Collins – Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Boston cho biết, tài sản ròng của hộ gia đình vẫn ở mức cao so với thu nhập khả dụng, điều này giúp duy trì chi tiêu tiêu dùng dù giá cả tăng.

Sự kiên cường này cho phép một số nhà xuất khẩu sang Mỹ chuyển một phần chi phí thuế quan sang người tiêu dùng. Ví dụ, các nhà phân phối Parmigiano-Reggiano – loại phô mai nổi tiếng của miền Bắc nước Ý – đã tăng giá bán tại Mỹ từ 42 USD lên khoảng 43-45 USD/kg, nhằm bù đắp phần nào mức thuế bổ sung 10% áp dụng từ tháng 4. Mặc dù vậy, doanh số tại Mỹ vẫn tăng 9% trong bốn tháng đầu năm.

“Thuế quan có thể khiến một số người tiêu dùng không còn đủ khả năng mua, nhưng hiện tại chúng tôi chưa thấy điều đó”, ông Nicola Bertinelli, Chủ tịch Hiệp hội Parmigiano Reggiano nói. Các nhà nhập khẩu cũng đã chủ động tích trữ hàng trước thời điểm thuế được áp dụng.

Gần đây, Hiệp hội này đẩy mạnh chiến lược tiếp thị tại Mỹ bằng cách tài trợ giải quần vợt Miami Open và hợp tác với đội bóng bầu dục New York Jets.

Nhập khẩu của Mỹ từ châu Âu cũng tăng 37% trong năm tháng đầu năm, đạt 421 tỷ USD, với đà tăng tiếp tục trong tháng 4 và 5 – theo Cục Thống kê Mỹ.

Bà Collins từ Fed Boston cũng nhận định rằng biên lợi nhuận cao tại các doanh nghiệp Mỹ đang giúp họ hấp thụ một phần chi phí thuế tăng thêm. “Do đó, tác động tiêu cực của thuế quan lên thị trường lao động và tăng trưởng kinh tế có thể sẽ được giới hạn,” bà nói.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng đà tăng thương mại hiện tại có thể hạ nhiệt trong những tháng tới, khi doanh nghiệp đã mua trước để tránh đợt thuế mới.

Sự vững vàng của kinh tế toàn cầu có thể khiến chính quyền ông Trump tự tin áp thêm các mức thuế cao hơn nữa. Một số nhà kinh tế cho rằng cú sốc từ thuế có thể đến muộn – tương tự như Brexit, khi cú sốc ban đầu không quá mạnh, nhưng tác động âm tích lũy theo thời gian.

“Có thể nhiều người đã kỳ vọng phản ứng ngay lập tức”, ông Noland từ Peterson Institute nói. Ông ví von, Brexit là một ví dụ điển hình, không làm kinh tế Anh “đóng băng” ngay lập tức, nhưng ảnh hưởng tiêu cực dần rõ rệt theo thời gian.

Mức thuế cũng là yếu tố quyết định. Ông Noland cho rằng mức thuế đồng đều 10% có thể tác động nhỏ, nhưng nếu tăng lên 30% hay 50% thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, mới đây cũng cảnh báo rằng mức thuế cao như vậy có thể khiến thương mại giữa EU và Mỹ “đóng băng”.

Tham khảo WSJ

>> Kinh tế toàn cầu 'lung lay': Hàng tồn, đơn tắc, doanh nghiệp khốn đốn vì thuế quan

BIS cảnh báo: Kinh tế thế giới bước vào ‘kỷ nguyên bất định’, nguy cơ rạn nứt hệ thống tài chính toàn cầu

Thương chiến Mỹ - Trung Quốc ảnh hưởng thế nào tới kinh tế thế giới?

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/tang-thue-don-dap-kinh-te-the-gioi-van-tang-truong-on-dinh-vi-sao-147347.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tăng thuế dồn dập, kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng ổn định: Vì sao?
    POWERED BY ONECMS & INTECH