Tập đoàn Đèo Cả đề xuất cơ chế chưa có tiền lệ cho dự án đường sắt tốc độ cao gần 70 tỷ USD
Tập đoàn Đèo Cả cho biết Nhà nước cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao gần 70 tỷ USD.
Vào chiều ngày 3/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia.
Tại cuộc họp, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả - nhà đầu tư, tổng thầu thi công 12/29 dự án công trình trọng điểm quốc gia, báo cáo Thủ tướng khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng đối với 4 dự án cao tốc (Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hà Giang – Tuyên Quang).
"Cả 4 dự án cao tốc Đèo Cả đang thi công thì việc giải phóng mặt bằng đều triển khai chậm, các địa phương báo cáo Thủ tướng tỷ lệ giải phóng mặt bằng đảm bảo nhưng thực chất nhiều vị trí còn xôi đỗ, nhiều vị trí không có đường tiếp cận", ông Hồ Minh Hoàng cho biết.
Ông Hồ Minh Hoàng đánh giá cao việc Bộ Xây dựng đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung hệ thống định mức xây dựng và ban hành hướng dẫn xác định giá vật liệu tại mỏ theo cơ chế đặc thù, lần đầu tiên được áp dụng. Tuy nhiên, ông nhận định rằng vẫn còn thiếu các định mức cụ thể liên quan đến hầm (đường bộ, đường sắt,...) và nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với phương pháp thi công hiện nay.
Đáng chú ý, Tập đoàn Đèo Cả cũng đề xuất với Thủ tướng rằng cần có cơ chế để các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam nhanh chóng tự chủ trong việc đầu tư, sản xuất và thi công các công trình đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao như đường sắt, metro và giao thông thông minh. Đối với các dự án quy mô lớn, cần ưu tiên cho các doanh nghiệp có năng lực quản trị đã có những sản phẩm thực tiễn, đồng thời đề xuất hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương có dự án đi qua.
"Thời gian qua, nhiều những đơn vị thi công các gói thầu lớn chưa có tiền lệ thuộc dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025. Như vậy sau năm 2025, nhân lực, máy móc, thiết bị của các doanh nghiệp sẽ tồn đọng. Do đó, trong việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao cần Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng này được tiếp cận và triển khai thực hiện góp phần xây dựng phát triển đất nước", ông Hồ Minh Hoàng kiến nghị.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết các doanh nghiệp xây dựng trong nước sẽ làm thầu chính trong dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã trả lời một số vướng mắc của nhà thầu trong Hội nghị. Ông cho biết, dù quy định hợp đồng xây dựng đã được nêu rõ trong Luật Xây dựng, thực tế triển khai vẫn gặp phải một số bất cập. Bộ Xây dựng cam kết sẽ rà soát và sửa đổi các quy định để đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho nhà thầu. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nhằm hoàn thiện các quy định, đảm bảo thanh toán và quyết toán thống nhất cho nhà thầu, tôn trọng quyền tự do của các bên liên quan và bảo vệ quyền lợi của nhà thầu xây dựng.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ cùng Bộ Tài chính hoàn thiện các mô hình hợp đồng, rà soát quy định về đảm bảo việc thực hiện hợp đồng, thanh toán cho nhà thầu, tăng cường bảo lãnh từ ngân hàng thay vì bảo lãnh bằng tiền như hiện nay.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, ngành giao thông vận tải đánh giá cao những đóng góp của các nhà thầu trong thời gian qua. Ông dẫn chứng một con số từ báo cáo của VCCI, theo đó, xét theo các tiêu chí doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản và vốn hóa, hầu hết các nhà thầu lớn tham dự hội nghị đều không nằm trong TOP 100 doanh nghiệp lớn nhất, ngoại trừ một doanh nghiệp có liên doanh với nước ngoài. Điều này cho thấy, dù đóng góp quan trọng vào các dự án hạ tầng cơ bản, ngành xây dựng và giao thông không thuộc nhóm ngành siêu lợi nhuận.
Bên cạnh đó, ông Huy nhấn mạnh rằng, trong dự án đường sắt tốc độ cao sắp tới, các doanh nghiệp trong nước sẽ đóng vai trò chính với yêu cầu sử dụng nguồn lực nội địa thay vì chỉ đóng vai trò thầu phụ như trước đây.
Theo kế hoạch, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được đầu tư với tốc độ thiết kế 350 km/h, chiều dài khoảng 1.541km, đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa. Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM). Tổng vốn đầu tư 67 tỷ USD, phân bổ trong 12 năm, mỗi năm trung bình khoảng 5,6 tỷ USD.