Tàu thăm dò vũ trụ Trung Quốc mang về Trái đất đá Mặt trăng quý hiếm
Tàu thăm dò mặt trăng Hằng Nga 6 của Trung Quốc chiều nay (25/6) đã trở về Trái đất với các mẫu đất và đá từ vùng tối chưa được khám phá của Mặt trăng.
Theo BBC và The Guardian, việc thu thập và mang các mẫu vật từ phía xa (vùng tối) của Mặt trăng về Trái đất là một thành tựu mang tính bước ngoặt đối với chương trình không gian của Trung Quốc.
Tàu Hằng Nga 6 đã hạ cánh xuống bãi đáp ở vùng nông thôn Siziwang Banner của sa mạc Nội Mông sau sứ mệnh đầy rủi ro kéo dài gần 2 tháng. Các nhà khoa học đang rất mong chờ con tàu vũ trụ này trở về vì các mẫu vật nó đem về có thể trả lời các câu hỏi quan trọng về cách các hành tinh được hình thành.
Trung Quốc là quốc gia duy nhất đặt chân lên vùng tối của Mặt trăng. Đây là khu vực luôn hướng ra xa Trái đất nên việc tiếp cận nó là một thách thức lớn về kỹ thuật. Việc hạ cánh xuống vùng tối của Mặt trăng khá khó khăn do khoảng cách và địa hình có ít bề mặt phẳng, nhiều miệng núi lửa.
Trong khi các sứ mệnh trước đây của Mỹ và Liên Xô đã thu thập các mẫu từ phía gần của mặt trăng thì sứ mệnh của Trung Quốc là lần đầu tiên thu thập các mẫu từ phía xa.
Phía gần là những gì được nhìn thấy từ Trái đất và phía xa hướng ra ngoài không gian. Phía xa cũng được biết là có núi và các miệng hố, tương phản với vùng rộng tương đối bằng phẳng có thể nhìn thấy ở phía gần.
Tàu Hằng Nga 6 được phóng từ một trung tâm vũ trụ hồi đầu tháng 5 và đã hạ cánh thành công xuống một miệng núi lửa gần cực nam của Mặt trăng vài tuần sau đó. Tàu thăm dò đã sử dụng máy khoan và các cánh tay robot để xúc đất, đá, chụp ảnh bề mặt và cắm cờ Trung Quốc.
Bắc Kinh đã đổ nguồn nhân lực khổng lồ vào chương trình không gian trong thập kỷ qua nhằm bắt kịp cả Mỹ và Nga.
>> Láng giềng Việt Nam vừa hoàn thành kỳ tích chưa nước nào làm được trên Mặt Trăng
Loại trái cây từng dành cho giới nhà giàu, nay tràn ngập chợ Việt với mức giá 'không tưởng'
Triệt phá 263 nhóm tội phạm, lật tẩy 100 tổ chức tài chính ngầm với gần 12 tỷ USD giao dịch phi pháp