Thành phố đông dân nhất thế giới sắp có sân bay tỷ đô do tỷ phú giàu nhất châu Á xây dựng

16-03-2024 09:52|Hoàng Yến

Hiện tại, du khách tới thành phố Mumbai của Ấn Độ bằng đường hàng không phải đi qua sân bay cũ kỹ chật chội đã được xây dựng cách đây tới 82 năm.

Nằm cách sân bay cũ 22 dặm về phía Đông Nam là một công trường đang hoạt động với nhịp độ rất khẩn trương để thành phố được mệnh danh là “thủ đô tài chính” của đất nước tỷ dân sẽ sớm có sân bay thứ hai.

Dưới nhiều góc nhìn, dự án trị giá 2,1 tỷ USD mà tập đoàn Adani Group đang xây dựng ở Navi Mumbai (thành phố vệ tinh của Mumbai) chính là ví dụ điển hình cho công cuộc cải tổ cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ. Thủ tướng Narendra Modi hi vọng đó chính là đòn bẩy để vượt mặt Trung Quốc. Còn đối với tỷ phú giàu nhất châu Á Gautam Adani, đó chính là một bài kiểm tra cần phải vượt qua để đưa Ấn Độ lên bản đồ hàng không thế giới.

Thành phố đông dân nhất thế giới sắp có sân bay 2 tỷ USD, do tỷ phú giàu nhất châu Á xây dựng
Các công nhân đang gấp rút hoàn thành sân bay Navi Mumbai

Sân bay mới được thiết kế với hình dáng bông sen – quốc hoa của Ấn Độ và cũng là biểu tượng của đảng mà ông Modi cầm quyền. Sân bay dự kiến bắt đầu đi vào vận hành từ tháng 3/2025, với công suất 20 triệu khách mỗi năm. Theo Arun Bansal, CEO của Adani Airport Holdings, công ty vận hành sân bay tư nhân lớn nhất Ấn Độ, công suất có thể tăng lên 90 triệu khách vào năm 2032.

Đây sẽ là “ứng cử viên hoàn hảo” để trở thành trạm trung chuyển quốc tế sánh ngang với những sân bay bận rộn nhất thế giới như Dubai, London, Frankfurt và Singapore.

Để biến tham vọng đó thành hiện thực, Ấn Độ đang gấp rút mua máy bay và xây sân bay. Tổng cộng 3 hãng Air India, IndiGo và Akasa đã đặt hàng hơn 1.100 máy bay. Quốc gia đông dân nhất thế giới chi 12 tỷ USD để xây dựng hơn 72 sân bay mới từ nay đến năm 2025.

Adani Airport kỳ vọng khoảng 30% lưu lượng của sân bay mới sẽ đến từ các chuyến bay quốc tế, 70% còn lại là nội địa. Sân bay được thiết kế để giảm thời gian transit xuống còn khoảng 75 phút, tương đương với các tiêu chuẩn quốc tế.

Tham vọng của Ấn Độ

Những dự án như vậy có vai trò rất quan trọng trong dự định biến Ấn Độ thành một nước phát triển vào năm 2047. Tuy nhiên chắc chắn là điều đó không hề dễ dàng.

Navi Mumbai sẽ phải cạnh tranh với những đối thủ như Changi của Singapore hay Heathrow của London, những sân bay có lượng khách lần lượt đạt 59 và 79 triệu trong năm ngoái. Ngoài ra, London có 6 sân bay lớn, New York có 3 – cho thấy Mumbai cần phải rất nỗ lực mới có thể đuổi kịp.

Thành phố đông dân nhất thế giới sắp có sân bay 2 tỷ USD, do tỷ phú giàu nhất châu Á xây dựng
Lượng khách hàng năm của các sân bay lớn trên thế giới

Các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ đang đứng trước câu hỏi hóc búa: có nên “mở cửa bầu trời” hơn nữa hay không? Hiện tại, đất nước Nam Á rất hạn chế cấp phép cho các hãng nước ngoài để hàng không nội địa có thể phát triển các chặng bay quốc tế. Nhưng chính hạn chế này lại cản trở tham vọng trở thành trung tâm trung chuyển toàn cầu.

Theo John Grant, chuyên gia phân tích tại công ty dữ liệu hàng không OAG, Dubai là ví dụ tốt nhất mà Ấn Độ nên học theo. “Cần có thời gian, dòng vốn đầu tư và một thị trường rất tự do để điều đó xảy ra”, ông nói.

Các chuyến bay tới Mumbai (cũng là thành phố đông dân nhất thế giới) thường xuyên xảy ra tình trạng trễ giờ vì tắc nghẽn. Máy bay phải bay vòng trên trời vì không có chỗ đỗ, có lúc lên tới 60 phút. Navi Mumbai sẽ có 2 đường băng song song và 4 terminal, giúp tăng gấp đôi công suất hiện tại.

Sân bay mới có thành công hay không cũng là chìa khóa để cải thiện chất lượng cuộc sống của Mumbai. Với dân số 21 triệu người và đang tăng rất nhanh, Mumbai dự tính chi 30 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng trong vài năm tới.

Chính quyền thành phố cũng như tập đoàn Adani đã lên kế hoạch phát triển “thành phố hàng không” quanh sân bay mới để gia tăng nguồn thu ngân sách. Các trung tâm này sẽ bao gồm nhiều khách sạn, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, giải trí, y tế, logistics và cả các tòa nhà văn phòng thương mại.

Ngoài ra còn có các cây cầu, đường sắt metro và nhiều con đường mới kết nối sân bay với trung tâm thành phố. Mục tiêu là để giảm thời gian di chuyển từ sân bay về thành phố xuống dưới 45 phút.

>> Láng giềng Việt Nam xây 'siêu sân bay' đẳng cấp thế giới trị giá 37.000 tỷ đồng: 100% do Trung Quốc xây dựng, huy động tới gần 3.500 kỹ sư

Sân bay Đức tê liệt vì làn sóng đình công mới

Đẳng cấp Dubai: Xây sân bay lớn nhất thế giới trên sa mạc, dự kiến đón hơn 160 triệu hành khách mỗi năm

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thanh-pho-dong-dan-nhat-the-gioi-sap-co-san-bay-2-ty-usd-do-ty-phu-giau-nhat-chau-a-xay-dung-226532.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thành phố đông dân nhất thế giới sắp có sân bay tỷ đô do tỷ phú giàu nhất châu Á xây dựng
    POWERED BY ONECMS & INTECH