Dự án khai thác siêu cảng quốc tế với vốn đầu tư 129.000 tỷ đồng phấn đấu khởi công trong năm 2025.
Văn bản số 2021/VPCP-CN ngày 28/3/2024 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh. Theo kế hoạch, thời gian khởi công Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là vào năm 2025. Để thực hiện theo đúng kế hoạch này, đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ phải được hoàn thiện sớm để trình Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hồ Chí Minh rà soát các nội dung, nhất là tính khả thi và hiệu quả kinh tế trong mối quan hệ với Cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, khu bến Cái Mép - Thị Vải để hoàn thiện đề án. Đồng thời, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải để tham khảo, nghiên cứu, xử lý trong quá trình lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm sớm hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch.
Theo đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng dự kiến nằm ở khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ với diện tích 571ha. Tổng mức đầu tư dự kiến của Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khoảng 129.000 tỷ đồng, do Tập đoàn MSC - hãng tàu container top đầu thế giới đề xuất đầu tư.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP. Hồ Chí Minh và khu vực. Qua đó thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.
Ước tính khi đưa vào hoạt động năm đầu tiên, sản lượng hàng hóa qua cảng đạt khoảng 2,1 triệu TEU. Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng qua Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể đạt 16,9 triệu TEU vào năm 2047 - bằng một nửa sản lượng Singapore hiện nay. Khi được khai thác hết công suất, cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000-40.000 tỷ đồng mỗi năm.
Để khai thác tối đa hiệu quả của Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ chi hàng chục tỷ đồng cho hệ thống giao thông nối đến cảng. Theo đó, cầu Cần Giờ, nút giao đường Rừng Sác với cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ là tuyến giao thông huyết mạch của khu vực nối đến cảng. Đồng thời, thành phố sẽ nghiên cứu bổ sung tuyến metro dọc đường Rừng Sác, đường kết nối cụm Cảng Cần Giờ - Cái Mép, đường ven biển kết nối Cần Giờ - Vũng Tàu.
Trong đó, dự án được chờ đợi nhất là cầu Cần Giờ, được TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành trước năm 2030, có tổng chiều dài 7,3km, quy mô 6 làn xe (4 làn cơ giới, 2 làn thô sơ), vận tốc 60km/h.
Với quy mô dự án cũng như tiềm năng khai thác của khu vực, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khi được đưa vào khai thác sẽ đóng góp nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng xung quanh, thu hút thêm các doanh nghiệp đầu tư, phát triển.
Như theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong đợt thị sát Cần Giờ vào ngày 18/7/2023, huyện Cần Giờ có tiềm năng đặc biệt để trở thành trung tâm trung chuyển hàng hải, logistic tầm vóc khu vực và quốc tế, có khả năng cạnh tranh cao với các trung tâm trung chuyển hàng hải hiện tại trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á.
Với các chuyên gia, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được kỳ vọng là "mỏ vàng" giúp Cảng Sài Gòn tiến ra biển lớn, góp phần giúp TP. Hồ Chí Minh giữ vững vai trò là trung tâm logistics của khu vực và châu Á như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore.
TP. Hồ Chí Minh là một trong hai trung tâm văn hóa và giáo dục quan trọng của Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một trong những thành phố giàu nhất cả nước. Với diện tích chỉ chiếm 0,6% toàn quốc, nhưng lại chiếm đến 20,5% tổng GDP và 37,9% dự án nước ngoài. Nền kinh tế đa ngành của thành phố này là động lực mạnh mẽ, từ khai thác mỏ, thủy sản, nông nghiệp đến công nghiệp, du lịch và tài chính. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế hàng đầu, đóng góp 29,38% tổng thu ngân sách của cả nước (năm 2022).
>> 'Hòn ngọc viễn Đông' mở rộng hơn 1.000ha, sẽ trở thành thương hiệu du lịch biển tầm cỡ quốc tế
Thành phố giàu nhất Việt Nam thu trên 61.000 tỷ đồng từ bất động sản trong 3 tháng đầu năm
Lộ diện địa phương có mức giá thuê khu công nghiệp hấp dẫn nhất cả nước