Thiên tài nhí Việt Nam trở thành giảng viên thỉnh giảng trẻ nhất nước Mỹ ở tuổi 12
Khi mới 12 tuổi, Khang đã có thể "đứng lớp" giảng dạy môn thuyết trình mỗi tuần 4 giờ với "học trò" là những sinh viên lớn tuổi hơn.
Học diễn thuyết từ năm lên 8
Nguyễn Tường Khang sinh năm 1999, từng là học sinh tại trường tiểu học Hunters Woods ở Fairfax, Virginia (Mỹ). Khi mới lên 8 tuổi, cậu bé gốc Việt được cha ghi danh vào khóa học diễn thuyết và hùng biện tại Câu lạc bộ Diễn giả trẻ (YSC) trong vòng 8 tuần. Nhớ lại sự kiện này, Tường Khang từng chia sẻ: “Lúc đó, em không biết lớp học này là gì, cũng chẳng hiểu gì về diễn thuyết. em chỉ tham gia vì ba bảo đây là một khóa học rất quan trọng. Giờ nghĩ lại, em thấy ba đã đúng vì những gì em làm sẽ ảnh hưởng đến tương lai của mình”.
Khang còn nói thêm: “Khóa học này có ba cấp độ và em học ở cấp cao nhất. Chúng em được tham gia nhiều buổi tranh luận, luyện tập và sử dụng các trang thiết bị truyền thông. em muốn học đi học lại nhiều lần để có thêm kinh nghiệm. Ngoài ra, em còn học hỏi từ YouTube, xem các giải vô địch thế giới và theo dõi huấn luyện viên”.
Ngoài khả năng hùng biện, Tường Khang còn có năng khiếu về âm nhạc với khả năng chơi đàn violin, đồng thời xuất sắc trong cờ vua. Không chỉ dừng lại ở đó, Khang còn đạt đai đen Taekwondo và đai xanh Wushu. Khi mới 7 tuổi, Khang đã tham gia cuộc thi bơi Swim-a-thon để gây quỹ từ thiện. Mặc dù sinh sống ở nước ngoài từ nhỏ, Khang vẫn được cha mẹ tạo điều kiện học tiếng Việt tại trường Việt ngữ Thăng Long.
Trở thành giảng viên thỉnh giảng trẻ nhất
Năm 2010, Hiệp hội Thăng Tiến cho Người Da Màu (NAACP) đã tổ chức một cuộc thi tài năng diễn thuyết dành cho lứa tuổi từ 11 đến 19. Lúc đó, Nguyễn Tường Khang là một trong những thí sinh trẻ tuổi nhất gây ấn tượng mạnh với ban giám khảo và khán giả nhờ tài hùng biện xuất sắc và cái nhìn sâu sắc của mình.
Để chuẩn bị cho phần thi, Khang đã phải học tập với cường độ cao trong nhiều tuần liên tục. Cậu vừa làm bài tập trên trường, vừa nghiên cứu, soạn thảo bài nói và thực hành thuyết trình. Khang tận dụng mọi khoảng thời gian có thể để luyện tập, từ lúc ăn sáng, ăn trưa cho đến khi đi xe buýt. Cậu chia sẻ: "Thật ra, em không có phương pháp nào cụ thể, em sử dụng Quizlet (một ứng dụng học tập) khá nhiều. Đây là chương trình giúp em ghi nhớ các thông tin cần thiết cho bài thi. Em tin vào sự nỗ lực không ngừng; không bao giờ bỏ cuộc trước khi hoàn thành công việc. Em cũng tin rằng sự tự tin và chấp nhận thử thách là điều quan trọng".
Trong cuộc thi năm ấy, "thần đồng nhí" 12 tuổi đã lọt vào top 4 vòng chung kết. Cuối cùng, với tư duy chín chắn và khả năng thuyết phục tuyệt vời, Khang đã xuất sắc giành chiến thắng với bài thuyết trình "Hòa bình có ý nghĩa thế nào với tôi".
Chia sẻ về cuộc thi, Khang cho biết: "Em có ba bài dự thi được đăng trên YouTube, gồm: Sự tự nhận thức, Hòa bình có ý nghĩa gì với tôi và Cảm hứng trong giáo dục. Bài thuyết trình được nhiều người xem nhất là về Cảm hứng trong giáo dục. Mặc dù bài này không giành giải, nhưng đối với em, đây là bài quan trọng nhất. Lý do là vì em nhận thấy rằng nhiều bậc phụ huynh không dành đủ thời gian cho con cái. Bài thuyết trình này là một thông điệp nhằm khuyến khích các bậc cha mẹ quan tâm nhiều hơn đến việc học hành của con mình, thay vì chỉ trách móc nhà trường và thầy cô về sự yếu kém của con họ".
Những ý tưởng trong bài diễn thuyết của Nguyễn Tường Khang được đánh giá là phần bổ sung đáng giá cho bài phát biểu về giáo dục của cựu Tổng thống Obama. Không chỉ dừng lại ở đó, Khang còn chia sẻ và giúp các bậc phụ huynh nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của giáo dục.
Nhờ thành tích xuất sắc này, Khang đã được một trường đại học tại bang Virginia, Mỹ, mời làm giảng viên thỉnh giảng. Khi mới 12 tuổi, Khang đã có thể "đứng lớp" giảng dạy môn thuyết trình mỗi tuần 4 giờ với "học trò" là những sinh viên lớn tuổi hơn. Mỗi giờ giảng, Khang được trả thù lao 250 USD.
Khi được hỏi về dự định tương lai, cậu bé chia sẻ: "Em còn nhỏ và đang trong quá trình khám phá, nên chưa quyết định nghề nghiệp sau này. Em biết mình còn phải học hỏi nhiều. Nhưng em hiểu rằng, nếu làm điều gì thì phải làm tốt điều đó".