Thông tin mới nhất về đường Vành đai hơn 122.000 tỷ kết nối các tỉnh thành Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long
Tuyến Vành đai dài gần 160km sẽ đi qua địa phận các tỉnh, thành gồm TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Long An.
Theo báo Đầu Tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn gửi các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Tư pháp, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cùng UBND TP. HCM và các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An để lấy ý kiến thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP. HCM.
Theo Tờ trình số 7515 của UBND TP. HCM, dự án có điểm đầu tuyến tại lý trình Km40+00 (cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu), xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và điểm cuối nối với đường trục Bắc - Nam ở khu vực cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP. HCM.
Phối cảnh dự án. Ảnh: Sở Giao thông vận tải TP. HCM |
Tổng chiều dài toàn tuyến là 159,31km, trong đó: đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 18,23km; Đồng Nai 46,08km; TP. HCM 16,7km và Long An 78,3km. Riêng đoạn qua Bình Dương dài 47,95km sẽ được đầu tư độc lập theo chủ trương của HĐND tỉnh Bình Dương và không nằm trong báo cáo này.
Dựa trên khả năng cân đối nguồn vốn và đảm bảo hiệu quả đầu tư, UBND TP. HCM cùng các tỉnh Long An, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu thống nhất kiến nghị triển khai theo phương án đầu tư phân kỳ.
Cụ thể, giai đoạn đầu sẽ giải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh rộng 74,5m; phần đường bộ cao tốc đầu tư phân kỳ rộng 25,5m với 4 làn xe. Đường song hành và đường gom sẽ được đầu tư ở các khu dân cư và đô thị, trong đó đường song hành tối thiểu 2 làn xe, còn đường gom được xây dựng theo tiêu chuẩn giao thông nông thôn loại A hoặc B.
>> Đề xuất thay đổi phương án xây dựng tuyến đường vành đai dài 207km, quy mô hơn 120.000 tỷ
Lãnh đạo các địa phương thống nhất lựa chọn phương án tuyến cơ bản đi thấp. Tuy nhiên, tại một số khu vực có mật độ dân cư cao hoặc các vùng được quy hoạch là khu đô thị, công nghiệp, tuyến đường sẽ được thiết kế đi trên cao.
Sơ đồ hướng tuyến dự án. Ảnh: Internet |
Nhằm đảm bảo tiến độ triển khai, hiệu quả và tính khả thi của dự án, UBND TP. HCM và các tỉnh đã kiến nghị phân chia dự án thành 2 nhóm dự án thành phần. Trong đó, nhóm 5 dự án thành phần gồm bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng đường gom, đường song hành sẽ sử dụng vốn ngân sách Trung ương và địa phương.
Tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1 được ước tính là 122.774,28 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây lắp và thiết bị chiếm 56.742,46 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và các chi phí khác là 6.809,06 tỷ đồng; chi phí dự phòng 12.103,12 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 40.994,42 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, dự án sẽ được chuẩn bị từ năm 2024 đến 2025, lựa chọn nhà đầu tư vào năm 2025 và tiến hành bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ năm 2025 đến năm 2026. Công tác thi công xây dựng dự kiến bắt đầu từ quý I và II/2026, hoàn thành vào năm 2028.
>> Chi tiết hướng kết nối mới rút ngắn khoảng cách từ Bình Dương tới sân bay Long Thành
Hà Nội giải tỏa gần 400 căn nhà phục vụ dự án đường vành đai quan trọng của Thủ đô
Nút giao phức tạp và lớn nhất Vành đai 3 TP. HCM hiện ra sao sau nửa năm thi công?