Tỉnh nhỏ nhất, giàu top đầu Việt Nam chi 565 tỷ đồng tu bổ các di tích có Bảo vật Quốc gia
Hiện nay, tỉnh này có 18 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có báo cáo về thực trạng bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị các Bảo vật Quốc gia trên địa bàn. Hiện tại, Bắc Ninh có 18 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Trong nhiều năm qua, tỉnh đã dành nguồn lực đáng kể để tu bổ các di tích có lưu trữ Bảo vật Quốc gia. Cụ thể:
Từ năm 2013-2019: Di tích chùa Bút Tháp (xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành) được lập Dự án và triển khai trùng tu, tu bổ, tôn tạo các hạng mục: Tam quan, gác chuông, tam bảo, tòa cửu phẩm liên hoa, nhà trung, phủ thờ, hậu đường, hành lang tả hữu, cổng phụ, nhà bia, nhà tổ và các hiện vật trong di tích. Tổng mức đầu tư hơn 43 tỷ đồng.
Từ năm 2021-2024: Hệ thống di tích thờ Tứ Pháp (chùa Đậu, chùa Phi Tướng, chùa Dàn) được lập Dự án và triển khai trùng tu, tu bổ, tôn tạo các hạng mục trong di tích. Tổng mức đầu tư kinh phí gần 190 tỷ đồng cho dự án xây dựng tu bổ, tôn tạo di tích Thành cổ Luy Lâu và hệ thống Tứ Pháp thị xã Thuận Thành.
Từ năm 2019-2021: Di tích chùa Linh Ứng (xã Gia Đông, thị xã Thuận Thành) lập Dự án và triển khai trùng tu, tu bổ, tôn tạo các hạng mục: Tam quan, tam bảo, nhà mẫu, nhà khách, nhà tổ, nhà tăng, nhà bia, am hóa sớ và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng.
Từ năm 2018-2020: Di tích đền thờ Lê Văn Thịnh (xã Đông Cứu, huyện Gia Bình) được tu bổ, tôn tạo toàn bộ các hạng mục công trình kiến trúc và khuôn viên với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng.
Từ năm 2015 đến nay: Di tích chùa Dạm (phường Nam Sơn, TP. Bắc Ninh) được phê duyệt dự án đầu tư xây dựng mới theo phong cách truyền thống, bố cục và hình thức kiến trúc phù hợp với kết quả khảo cổ học và niên đại xây dựng của công trình gồm: Tam quan, hành lang, đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan, nhà tổ, tam bảo, nhà khách, nhà tăng, sân vườn và các công trình phụ trợ. Tổng mức đầu tư hơn 259 tỷ đồng.
Từ năm 2019-2023: Di tích đình Diềm (phường Hòa Long, TP. Bắc Ninh) được lập Dự án và triển khai trùng tu, tu bổ, tôn tạo các hạng mục trong di tích: Đại đình, tả vu, hữu vu, nghi môn, lầu hóa vàng, cổng phụ và các hạng mục công trình phụ trợ. Tổng mức đầu tư gần 22 tỷ đồng.
Năm 2023, di tích Văn Miếu Bắc Ninh (phường Đại Phúc, TP. Bắc Ninh) được lập Dự án và trùng tu, tu bổ một số hạng mục công trình với tổng đầu tư 4,3 tỷ đồng.
Năm 2024, Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Dâu (phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành) được hỗ trợ 1,2 tỷ đồng. Di tích đền thờ Lê Văn Thịnh (xã Đông Cứu, huyện Gia Bình) được hỗ trợ 900 triệu đồng tu bổ, tôn tạo di tích.
Như vậy, trong 11 năm từ 2013-2024, tỉnh Bắc Ninh đã chỉ tổng cộng trên 565 tỷ đồng cho công tác tu bổ các di tích có lưu trữ Bảo vật Quốc gia.
UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh không chỉ chú trọng công tác bảo tồn mà còn đẩy mạnh việc phát huy giá trị các di sản. Tỉnh đã tập trung vào việc tuyên truyền, quảng bá, và xây dựng các tour du lịch văn hóa, tâm linh, thu hút du khách tham quan các di tích có Bảo vật Quốc gia.
Ngoài ra, tỉnh cũng đề xuất việc đưa các nội dung về di tích vào chương trình giảng dạy thông qua môn Giáo dục địa phương, kết hợp với các bảo tàng và di tích qua hình thức kết nối trực tuyến.
Với diện tích 822,7km2, Bắc Ninh là tỉnh nhỏ nhất cả nước. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 5,44 triệu đồng/người/tháng, đứng thứ 5 toàn quốc. Tỉnh này cũng nằm trong top 7 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI.
Bắc Ninh cách Hà Nội gần 40km, thời gian di chuyển khoảng một tiếng, là điểm đến thích hợp cho các hoạt động du lịch văn hóa cuối tuần. Không chỉ nổi tiếng về dân ca quan họ, nơi này còn là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng với nhiều ngôi chùa cổ.
Bên cạnh chùa Dâu, chùa Phật Tích, nơi đây có chùa Bút Tháp được xây dựng từ thế kỷ XVII, hiện vẫn lưu giữ nhiều tác phẩm tuyệt mỹ, đặc biệt là bảo tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay bằng gỗ niên đại hơn 350 năm.
>> Đề nghị công nhận ấn vàng Hoàng đế chi bảo là bảo vật quốc gia