TP giàu nhất Việt Nam sẽ cần 40,2 tỷ USD để hoàn thành 355km metro trong 10 năm
Sau khi nghị quyết được thông qua, thành phố sẽ triển khai các bước tiếp theo và dự kiến khởi công từ năm 2027-2028.
Theo Báo Tuổi Trẻ, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đang thảo luận về dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển mạng lưới metro tại TP. Hà Nội và TP. HCM.
Theo đó, 6 nhóm cơ chế, chính sách đặc biệt sẽ là chìa khóa để TP. HCM hoàn thành 355km metro và TP. Hà Nội hoàn thành 397,8km trong vòng 10 năm. Nếu nghị quyết được thông qua, các địa phương có thể khởi công các dự án vào năm 2027.
Trong tờ trình, Chính phủ nhấn mạnh rằng với tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay, TP. Hà Nội và TP. HCM có đủ nguồn lực để đầu tư đồng bộ và đẩy nhanh tiến độ các tuyến metro. Tuy nhiên, để tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, cần có cơ chế đặc thù.

Về nguồn lực tài chính, TP. HCM đã đề xuất nhiều giải pháp huy động vốn, bao gồm tăng trần bội chi, phát hành trái phiếu, thu từ mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) và nếu cần thiết có thể vay từ các tổ chức tín dụng.
Thành phố sẽ cân đối nguồn lực để triển khai theo lộ trình phù hợp, đảm bảo tiến độ nhanh nhất có thể.
Tổng kinh phí đầu tư cho hệ thống metro tại TP. HCM dự kiến khoảng 40,2 tỷ USD, huy động từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó, vốn ngân sách Trung ương dự kiến hỗ trợ 8,379 tỷ USD, chiếm 20,7% tổng mức đầu tư, bao gồm nguồn tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa Trung ương và TP. HCM, cũng như ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu.
>> Tỉnh sở hữu 'đại bản doanh' của Samsung tại Việt Nam lên kế hoạch đấu giá gần 20 khu đất
Ngoài ra, nguồn thu từ phát triển đô thị theo mô hình TOD, thông qua khai thác giá trị đất quanh các nhà ga metro và các khu đất dọc tuyến vành đai, dự kiến mang về 7,799 tỷ USD, chiếm 19,3%.
Để tăng thêm ngân sách, TP. HCM đề xuất được giữ lại 100% tiền sử dụng đất nhằm bổ sung nguồn lực cho việc triển khai đề án theo chủ trương của Bộ Chính trị. Thành phố cũng sẽ cân đối và bố trí vốn đầu tư công khoảng 11,372 tỷ USD, chiếm 28,1% tổng mức đầu tư.
Về nguồn vốn vay, TP. HCM có thể huy động thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, tổ chức tín dụng quốc tế và vay lại từ nguồn vốn nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh.
Dự kiến, thành phố sẽ phát hành trái phiếu địa phương với quy mô từ 10.000-25.000 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2026-2033 để dành riêng cho phát triển metro. Tổng vốn huy động từ trái phiếu trong giai đoạn từ nay đến 2035 ước tính khoảng 6,312 tỷ USD, chiếm 15,6% tổng mức đầu tư.
Ngoài ra, các nguồn vốn khác như hợp đồng BT và các hình thức đầu tư hợp tác công - tư (PPP) dự kiến sẽ huy động khoảng 6,651 tỷ USD, chiếm 16,2%.
Bên cạnh việc đảm bảo nguồn vốn, dự thảo nghị quyết cũng đề xuất các cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm rút ngắn trình tự, thủ tục đầu tư.
Theo đó, TP. HCM không cần lập, thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư mà có thể trực tiếp thực hiện thủ tục lập dự án đầu tư, qua đó giúp rút ngắn thời gian từ 3-5 năm.
>> Cao tốc gần 37.000 tỷ đồng nối Tây Nguyên với Duyên hải miền Trung đón tin vui
Đồng thời, thành phố không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án nếu chỉ kéo dài thời gian thực hiện mà không làm tăng tổng mức đầu tư. Cơ chế này giúp giảm bớt các khâu trung gian, hạn chế tình trạng dự án bị kéo dài do thủ tục hành chính phức tạp.
Trong trường hợp cần điều chỉnh tiến độ, UBND TP. HCM sẽ trực tiếp rà soát và ban hành quyết định điều chỉnh mà không cần trình qua nhiều cấp xét duyệt.
Ngoài ra, TP. HCM sẽ có quyền quyết định đầu tư các tuyến metro trên địa bàn và chịu trách nhiệm triển khai, đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án.
Việc phân cấp, trao quyền mạnh mẽ nhằm giúp thành phố chủ động hơn trong công tác điều hành, theo phương châm “một đầu mối, một địa điểm chịu trách nhiệm”.
Sau khi nghị quyết được thông qua, TP. HCM sẽ triển khai các bước tiếp theo và dự kiến khởi công từ năm 2027-2028.
Về giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật, kinh nghiệm từ dự án Vành đai 3 TP. HCM và một số dự án cao tốc cho thấy khi áp dụng các cơ chế đặc thù, thời gian triển khai chỉ còn khoảng 1,5-2 năm.
Thách thức lớn nhất trong quá trình triển khai chính là thi công các công trình ngầm, cầu cạn, nhà ga ngầm và nhà ga trên cao. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm xây dựng các tuyến metro hiện nay và việc ứng dụng công nghệ tiên tiến như khoan hầm TBM, lắp ghép kết cấu, ứng dụng mô hình thông tin xây dựng (BIM), thời gian thi công các hạng mục này dự kiến khoảng 6 năm.
Song song đó, công tác mua sắm, lắp đặt thiết bị và phương tiện vận hành sẽ mất khoảng 4 năm.
Với những cơ chế đặc thù đang được Quốc hội xem xét, TP. HCM kỳ vọng sẽ có đủ điều kiện để hoàn thiện hệ thống metro trong vòng 10 năm tới, qua đó góp phần phát triển đô thị bền vững, cải thiện hạ tầng giao thông công cộng và giảm áp lực lên đường bộ.
Nếu triển khai đúng lộ trình, đến năm 2035, TP. HCM sẽ có một mạng lưới metro hiện đại, kết nối hiệu quả với các khu vực đô thị, tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Theo Cục Thống kê TP. HCM, kinh tế thành phố năm 2024 tiếp tục duy trì đà phục hồi ổn định. TP. HCM dẫn đầu cả nước với GRDP năm 2024 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 1,17 triệu tỷ đồng, tăng 7,17%, tương đương 1,78 triệu tỷ đồng theo giá hiện hành.
>> Thủ tướng chỉ đạo ‘nóng’ về dự án cao tốc hơn 42.000 tỷ do liên danh Đèo Cả đề xuất
Thành phố giàu nhất Việt Nam thu về hơn 1 tỷ đồng/ngày nhờ tuyến metro dài gần 20km
Dự án các tuyến metro tại 2 đô thị đặc biệt của Việt Nam có chuyển động mới