Vụ Vạn Thịnh Phát: 1,5 tỷ USD chuyển ra nước ngoài, trách nhiệm của Cục Phòng chống Rửa tiền đến đâu?
Trong vụ Vạn Thịnh Phát, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác minh, SCB đã gửi 146 báo cáo giao dịch đáng ngờ tới Cục Phòng chống rửa tiền.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố kết luận điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các bên liên quan.
Ở giai đoạn này, Bộ Công an điều tra về tội danh về Rửa tiền; tội danh Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan các lô trái phiếu; tội danh Vận chuyển tiền tệ trái phép ra nước ngoài.
SCB đã gửi 146 báo cáo giao dịch đáng ngờ tới Cục Phòng chống rửa tiền
Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 10/2012 đến tháng 10/2022, có 21 công ty thuộc Tập đoàn VTP thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ USD; có 21 công ty nhận tiền từ nước ngoài về trái quy định, với số tiền hơn 3 tỷ USD.
Xác minh tại ngân hàng SCB, cơ quan điều tra đã thu thập toàn bộ hồ sơ về quy trình chuyển tiền, hồ sơ liên quan của 23 công ty thực hiện 107 giao dịch chuyển tiền đi và 152 giao dịch nhận về.
Kết quả, theo Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012, ngân hàng SCB đã CÓ thực hiện báo cáo các giao dịch lớn, giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế, các giao dịch đáng ngờ. Trong đó có báo cáo đối với các khách hàng thực hiện 107 giao dịch chuyển tiền đi nước ngoài và 152 giao dịch nhận tiền về.
Bộ phận phòng chống rửa tiền thuộc Khối quản trị rủi ro của SCB đã có 146 báo cáo đối với giao dịch đáng ngờ. Tuy nhiên, trong số đó, không có các khách hàng thực hiện 107 giao dịch chuyển tiền đi nước ngoài, 152 giao dịch nhận tiền từ nước ngoài về. Các báo cáo này được gửi bằng văn bản tới Cục Phòng chống rửa tiền thuộc Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng.
Kết luận điều tra cũng ghi nhận từ năm 2012-2022, không có cơ quan quản lý Nhà nước nào tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các khách hàng đã thực hiện 107 giao dịch chuyển tiền đi và 152 giao dịch nhận tiền về nói trên.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Bất ngờ lái xe riêng của bà Trương Mỹ Lan bị truy tố tội Rửa tiền
Không có căn cứ xem xét trách nhiệm của Cục Phòng chống rửa tiền
Cục Phòng chống rửa tiền là đơn vị có vai trò tiếp nhận thông tin, báo cáo từ các tổ chức tín dụng.
Theo báo cáo, từ tháng 1/2012 đến tháng 10/2022, ngân hàng SCB đã gửi Cục Phòng chống rửa tiền 3.160 file báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử (trên 1.000USD); 313.705 file báo cáo giao dịch chuyển đi, nhận về với tổng số tiền hơn 22,25 tỷ USD; và 151 báo cáo giao dịch đáng ngờ.
Cơ sở để xác địnhh giao dịch chuyển tiền điện tử liên quan đến hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố là các giao dịch liên quan đến các tổ chức, cá nhân nằm trong danh sách đen, là đối tượng bị điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan chức năng Việt Nam, các quốc gia, vùng lãnh thổ khác...
Đối với 313.705 giao dịch chuyển tiền điện tử: Trước thời điểm khởi tố vụ án tháng 10/2022, 85 công ty thuộc Tập đoàn VTP chuyển tiền ra nước ngoài và 63 công ty thuộc Tập đoàn VTP nhận tiền từ nước ngoài về đều không thuộc các đối tượng nêu trên. Do vậy Cục Phòng chống rửa tiền không có cơ sở để xác định trong số 313.705 giao dịch có liên quan đến vụ án rửa tiền.
Đối với 151 báo cáo giao dịch đáng ngờ của SCB gửi Cục Phòng chống rửa tiền: Không có danh sách 85 công ty VTP chuyển tiền ra nước ngoài và 63 công ty thuộc nhóm VTP nhận tiền từ nước ngoài về trong 151 báo cáo này. Do vậy, Cục Phòng chống Rửa tiền không có cơ sở để phân tích, nghi ngờ đối với việc chuyển tiền của nhóm các công ty thuộc Tập đoàn VTP.
Như vậy, Cơ quan điều tra kết luận, không có căn cứ xem xét trách nhiệm của Cục Phòng chống rửa tiền trong việc các đối tượng thuộc Tập đoàn VTP và ngân hàng CB làm trái quy định trong việc chuyển tiền quốc tế.
>> Vụ án Vạn Thịnh Phát: 1,5 tỷ USD Trương Mỹ Lan chuyển ra nước ngoài ‘đổ’ vào đâu?
Vụ Vạn Thịnh Phát: Bất ngờ lái xe riêng của bà Trương Mỹ Lan bị truy tố tội Rửa tiền
Vụ án Vạn Thịnh Phát: 1,5 tỷ USD Trương Mỹ Lan chuyển ra nước ngoài ‘đổ’ vào đâu?