Khi tiền được rút ra khỏi SCB, xe ô tô đến vận chuyển đến hầm tòa nhà của Trương Mỹ Lan hoặc văn phòng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát...
Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng. Kết quả điều tra cho biết, để thực hiện hành vi, Trương Mỹ Lan đã thông qua nhiều cá nhân, thâu tóm gần như tuyệt đối cổ phần ngân hàng SCB. Ngoài ra, Trương Mỹ Lan còn lập nên hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với khoảng 1.000 công ty vệ tinh để thực hiện các hồ sơ vay vốn, rút tiền.
Để hợp thức dòng tiền nhằm sử dụng cho mục đích riêng, Trương Mỹ Lan chỉ đạo cấp dưới phía SCB phối hợp cùng phía Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện các hành vi. Chiếc lưới như mạng nhện được giăng ra một cách tỉ mỉ nhằm tránh cơ quan chức năng phát hiện truy vết dòng tiền.
>>Trương Mỹ Lan, "phù thuỷ" của "đế chế" Vạn Thịnh Phát và hành trình thâu tóm, rút hơn 1 triệu tỷ đồng từ SCB
Theo quy trình được Trương Mỹ Lan thiết lập, hệ thống những mắt xích liên quan sẽ tạo lập các phương án vay vốn khống - giải ngân. Sau khi ra khỏi ngân hàng, tiền sẽ được chuyển tiền vào tài khoản cá nhân/pháp nhân “ma” hoặc rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền.
-Việc rút tiền mặt chủ yếu thực hiện ở SCB chi nhánh Sài Gòn. Để thực hiện hành vi, Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Trần Thị Mỹ Dung, đồng thời gọi Bùi Văn Dũng (lái xe của Lan) đến ngân hàng để nhận tiền.
Hồng, Dung liên hệ với Nguyễn Phương Anh để yêu cầu cung cấp cá nhân, pháp nhân nhận tiền, rút tiền để lập phiếu và làm các thủ tục. Đồng thời với đó, Hồng, Dung hẹn các cá nhân/pháp nhân này đến SCB để ký chứng từ rút tiền. Tiền khi được rút khỏi quỹ sẽ bàn giao cho Bùi Văn Dũng.
>>Vụ Vạn Thịnh Phát: Lời khai của đối tượng “chủ chốt” lộ bí mật tầng 39 tòa nhà Times Square
Dũng vận chuyển tiền về nhà cho Trương Mỹ Lan tại tòa nhà Sherwood 127 Pateur, quận 3, giao cho trợ lý của Lan là Trần Thị Hoàng Uyên. Uyên sẽ giao cho những người đến nhận theo chỉ đạo. Cũng có khi tiền được Dũng vận chuyển về Tập đoàn VTP tại 193-203 Trần Hưng Đạo, quận 1, giao theo địa chỉ của Lan hoặc chuyển tiền trực tiếp cho các cá nhân theo chỉ đạo.
Kết quả điều tra xác minh Dũng đã vận chuyển 108.878 tỷ đồng và hơn 14,75 triệu USD từ SCB về Tập đoàn VTP (193-203 Trần Hưng Đạo) hoặc về hầm B1, tòa nhà Sherwood (127 Pasteur) hoặc giao/đưa cho một số cá nhân theo chỉ đạo của Lan thông qua Trần Thị Hoàng Uyên. Tổng tạm tính cả USD và VND, Dũng đã vận chuyển khoảng 109.200 tỷ đồng bằng xe ô tô, đi "lượn phố" Sài Gòn để đến đích.
Tiền rút ra không chỉ có nguồn từ khoản vay tín dụng tại SCB, mà còn từ nguồn phát hành trái phiếu. Một số cá nhân liên quan như Thái Thị Thanh Thảo, Trần Thị Thúy Ái, Bùi Văn Dũng, Trần Thị Hoàng Uyên đều đã bị khởi tố.
>>Vụ Vạn Thịnh Phát: Nhiều cá nhân từng bị khởi tố tội “rửa tiền”
-Khi chưa cần dùng tiền mặt, Lan chỉ đạo Hồng, Dung phối hợp cùng Nguyễn Phương Anh sử dụng các cá nhân/pháp nhân mở tài khoản tại ngân hàng để nhận tiền. Tiền được chuyển từ công ty nhận giải ngân sang các tài khoản cá nhân, lòng vòng và cuối cùng chuyển đến tài khoản theo mục đích sử dụng của Lan.
Liên quan đến các khoản vay tại SCB, cơ quan điều tra cho biết dòng tiền khi ra khỏi hệ thống SCB đã qua tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân (F1 nhận tiền); sau đó tiền được chuyển nội bộ/chuyển ra ngoài hệ thống/tất toán khoản vay/rút tiền mặt. Có 81.873 tỷ đồng được rút ra bằng tiền mặt, chủ yếu tập trung tại chi nhánh Sài Gòn (50.086 tỷ đồng).
>>Vụ Vạn Thịnh Phát: 5,2 triệu USD tiền hối lộ "chạy" từ SCB Sài Gòn, "lượn phố" Hà Nội trong thùng xốp
Người đàn ông suýt mất 500 triệu vì chiêu giả danh công an liên quan vụ SCB
Vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm