Trong vụ Vạn Thịnh Phát, chỉ với 1 tòa nhà, chồng Trương Mỹ Lan đã đảm bảo được cho 46 khoản vay khống, gây thiệt hại cho SCB 39.200 tỷ đồng.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an đã công bố kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và một số đơn vị khác. Lời khai của các bị can đã khiến vụ án một lần nữa được "soi" rõ từng chi tiết.
Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát: 4 nhóm cốt lõi
Kết luận điều tra cho thấy, để thực hiện rút tiền từ Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan đã lập nên hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật.
Hệ sinh thái Vạn Thịnh phát được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau gồm:
Nhóm định chế tài chính tại Việt Nam gồm SCB, Chứng khoán Tân Việt, CTCP Đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú, trong đó SCB đóng vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái VTP.
Nhóm Công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phần lớn là hoạt động kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn... có vốn điều lệ lớn, nắm cổ phần chi phối các công ty con, công ty thành viên. Ví dụ như Công ty Peninsula vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng; Tập đoàn đầu tư An Đông vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng...
Nhóm các công ty "ma" tại Việt Nam được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác đầu tư...
Mạng lưới công ty tại nước ngoài do Trương Mỹ Lan xây dựng để làm vỏ bọc tại nhiều lãnh thổ, quốc gia "thiên đường thuế" phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài hoặc sử dụng danh nghĩa đầu tư vào Việt Nam. Nhóm này có nhiệm vụ quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình Trương Mỹ Lan tại nước ngoài.
Lời khai của Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ) - chồng bà Trương Mỹ Lan
Chồng bà Trương Mỹ Lan, ông Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ) có quốc tịch Hồng Kông (Trung Quốc), cũng là một trong những "mắt xích" bị khởi tố trong vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB.
Ông Chu Lập Cơ, sinh ngày 26/6/1956, là người sáng lập, Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư Times Square (tên cũ là CTCP Đầu tư quảng trường Thời đại Việt Nam). Ông Chu Lập Cơ nắm giữ 99,26% vốn điều lệ của Công ty Times Square.
Ông Chu Lập Cơ cùng với Trương Mỹ Lan tham gia điều hành các hoạt động của công ty và triển khai dự án Tòa nhà Times Square với chức năng là khu liên hợp văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại và các công trình dịch vụ tại khu đất số 22-36 Nguyễn Huệ và 57-69F Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Lời khai của Chu Lập Cơ cho biết đối với tòa nhà Times Square, Cơ đồng ý để Trương Mỹ Lan và Tập đoàn VTP thực hiện các thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng, huy động vốn, vay vốn ngân hàng SCB để thực hiện.
Do đó năm 2009 – 2012 Cơ đã thống nhất với Trương Mỹ Lan sử dụng quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai dự án Times Square và sử dụng cho mục đích riêng của Lan. Sau đó Cơ - với vai trò Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Times Square - ký các biên bản họp ĐHĐCĐ, Nghị quyết chấp thuận việc thế chấp, bảo lãnh cho các khoản vay do Lan chỉ đạo tại Ngân hàng SCB.
Chu Lập Cơ khai nhận ký các thủ tục bảo lãnh khoản vay theo chỉ đạo của Lan, không có quan hệ cá nhân với bên đứng tên vay vốn, chỉ ký khống các thủ tục.
Kết quả điều tra cho thấy Chu Lập Cơ đã ký các thủ tục hợp thức, đưa tòa nhà Times Square để đảm bảo cho 46 khoản vay khống rút tiền ngân hàng SCB để Lan sử dụng. Đến 17/10/2022 không trả được nợ gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 39.217 tỷ đồng (trong đó dư nợ gốc 19.552 tỷ đồng và dư nợ lãi 19.665 tỷ đồng).
Cơ thừa nhận đã nhận thức rõ việc ký các biên bản, Nghị quyết của Times Square là thủ tục bắt buộc mới đủ điều kiện pháp lý để vay vốn tại Ngân hàng SCB. Dự án xây dựng tòa nhà Times Square cũng được hình thành từ nguồn vốn vay của ngân hàng SCB và các khoản tiền trả nợ cũng được lấy từ ngân hàng này.
>> Xem thêm dòng sự kiện vụ Vạn Thịnh Phát