Bão lũ kinh hoàng gây vỡ đập, nhiều thành phố châu Âu chìm trong biển nước
Trung và Đông Âu đang phải hứng chịu những trận lũ lụt nghiêm trọng chưa từng có, với nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão Boris.
Ngày 16/9, cảnh báo lũ lụt cao nhất đã được ban hành tại hơn 100 khu vực ở Cộng hòa Séc, trong khi Áo, Ba Lan và Romania cũng đối mặt với tình trạng ngập lụt trên diện rộng.
Nhiều khu vực ở Áo, Cộng hòa Séc, Ba Lan và Romania chìm trong biển nước sau nhiều ngày mưa lớn, trong khi Slovakia và Hungary đang chuẩn bị ứng phó với nguy cơ lũ lụt trong vài ngày tới.
"Tôi đã sống ở đây 16 năm và chưa bao giờ chứng kiến lũ lụt đến mức này", cư dân Judith Dickson sống tại thành phố Sankt Poelten (Áo) cho biết. Mưa lớn kéo dài đã làm ngập đường phố và nhấn chìm toàn bộ khu dân cư ở một số nơi, đồng thời làm tê liệt giao thông công cộng và mạng lưới điện.
Tính đến hết ngày 16/9, 6 người đã thiệt mạng tại Romania, 1 người tại Áo, 1 người tại CH Séc và 5 người ở Ba Lan khi nhiều con đập vỡ, nước sông tràn bờ, nhấn chìm đường phố và nhà cửa. Hàng chục nghìn người đã phải sơ tán, đặc biệt là tại vùng Đông Bắc Cộng hòa Séc và bang Hạ Áo của Áo.
Tại bang Saxony, Đức, mực nước sông Elbe dự kiến đạt đỉnh vào chiều hôm 17/9 ở mức 7,5 mét tại Schöna, gần biên giới Cộng hòa Séc. Cảnh báo lũ lụt cao nhất đã được đưa ra, chính quyền bang cảnh báo các đập có thể bị vỡ, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tại thủ phủ Dresden, các rào chắn di động đã được dựng lên vào thứ Hai nhằm bảo vệ khu vực trung tâm thành phố lịch sử.
Tại Cộng hòa Séc, hàng ngàn người đã được yêu cầu sơ tán khỏi nhà cửa ở phía Đông Bắc sau những ngày mưa lớn. Thành phố Opava đã sơ tán 10.000 người khỏi vùng nguy hiểm. Thị trưởng của thành phố này Toma Navratil cảnh báo người dân qua đài phát thanh địa phương rằng "tình hình còn tồi tệ hơn trận lụt lịch sử năm 1997". Các cuộc di tản cũng đang diễn ra tại Krnov, Cesky Tesin, Ostrava và Bohumin.
Trong khi đó, cảnh sát CH Séc cho biết đã xác định 1 người chết đuối trên sông gần thị trấn Bruntal ở vùng đông bắc, cùng 7 người mất tích. "Chúng ta phải tập trung vào việc cứu mạng người", Thủ tướng CH Séc, ông Petr Fiala tuyên bố trên đài TH quốc gia CH Séc vào hôm Chủ Nhật. Chính phủ nước này đã họp khẩn vào ngày 16/9 để đánh giá thiệt hại và đưa ra biện pháp khắc phục.
Tại Áo, bang Hạ Áo (Lower Austria) đã được tuyên bố là khu vực thảm họa, hơn 1.000 ngôi nhà phải sơ tán khi các con đập bắt đầu vỡ. Thống đốc bang, Johanna Mikl-Leitner, chia sẻ: "Đây có lẽ là những giờ phút khó khăn nhất trong đời của nhiều người dân Hạ Áo."
Tại Romania, khoảng 6.000 ngôi nhà nông trại bị ngập, khiến ít nhất 300 người phải sơ tán. Sáu người, phần lớn là người cao tuổi, đã thiệt mạng do lũ lụt. Ba Lan cũng ghi nhận tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tại vùng Tây Nam Hạ Silesia.
Một cây cầu đã sập ở thị trấn lịch sử Glucholazy của Ba Lan gần biên giới Séc và các quan chức địa phương đã ra lệnh sơ tán vào sáng sớm ngày 15/9. Phương tiện truyền thông địa phương cũng cho biết một cây cầu khác đã sập ở thị trấn miền núi Stronie Slaskie, nơi một con đập bị vỡ, theo Cơ quan thời tiết quốc gia Ba Lan.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk mô tả tình hình là "thảm khốc". Lực lượng cứu hỏa đã tìm thấy thi thể của năm nạn nhân tại các thị trấn Bielsko-Biala, Ladek-Zdroj và Nysa. Chính phủ Ba Lan đã công bố khoản viện trợ hàng triệu USD cho các nạn nhân lũ lụt đồng thời giúp 2.600 người sơ tán trong 24 giờ qua.
Tại các khu vực Đông Âu khác, chính quyền Hungary và Slovakia đang nỗ lực kiểm soát mực nước sông Danube và các nhánh của nó, với hàng ngàn binh sĩ sẵn sàng tham gia công tác cứu hộ. Tại Budapest, Hungary, mực nước sông dự kiến đạt đỉnh vào cuối tuần này, với các biện pháp bảo vệ khẩn cấp được triển khai để giảm thiểu thiệt hại.
Trong tình hình tính mạng nhiều người dân bị đe dọa, Chính phủ Đức đã cam kết cung cấp hỗ trợ cho các quốc gia láng giềng đang phải đối mặt với thảm họa lũ lụt. Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser cho biết cơ quan cứu trợ kỹ thuật đã sẵn sàng hỗ trợ khẩn cấp khi cần thiết.
Các chuyên gia cho biết bầu khí quyển Trái Đất nóng lên do biến đổi khí hậu do con người gây ra đang khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng thường xuyên hơn.
Theo AP, Reuters
>> Cây đổ ngổn ngang, nhà cửa tan hoang vì bão mạnh nhất 75 năm càn quét Thượng Hải
Bão vào đất liền dự báo tăng cao hơn trung bình nhiều năm, nguy cơ mưa lũ dồn dập ở khu vực Trung Bộ