Bất động sản khu Tây TP.HCM bừng tỉnh nhờ hạ tầng: Cơ hội vàng cho nhà đầu tư thức thời?
Hạ tầng khu Tây TP.HCM bứt phá mạnh mẽ đang kéo theo sự trỗi dậy của bất động sản Long An, biến nơi từng là vùng trũng thành điểm nóng đầu tư. Với sự góp mặt của các “ông lớn” và lực đẩy từ quy hoạch đô thị vệ tinh, Long An bước vào chu kỳ tăng trưởng mới, hứa hẹn bứt tốc giai đoạn 2025–2026.
Hạ tầng giao thông khu Tây bước vào giai đoạn bứt phá
Vài năm trở lại đây, sức hút mạnh mẽ của khu Tây TP.HCM được các chuyên gia nhận định đến từ cú hích đột phá về hạ tầng giao thông. Thành phố đã và đang tập trung dồn lực để kiến thiết "thay áo mới" cho hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, với hàng loạt dự án trọng điểm được triển khai như tuyến metro số 3A – “xương sống” mới của giao thông công cộng; cao tốc Bến Lức - Long Thành, trục kết nối liên vùng chiến lược; hay Vành đai 3 TP.HCM - tuyến vành đai huyết mạch mở ra mạng lưới liên kết kinh tế rộng khắp. Bên cạnh đó, việc nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A và Quốc lộ 22 cũng góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông liên vùng, tạo nền tảng vững chắc cho sự bứt phá về kinh tế, thu hút đầu tư và thúc đẩy tốc độ đô thị hóa khu vực phía Tây lên tầm cao mới.
Đặc biệt, những tháng đầu năm 2025, thị trường chứng kiến sự trỗi dậy ngoạn mục của Long An trên bản đồ bất động sản khu Tây TP.HCM. "Cơn địa chấn" hạ tầng với hàng loạt dự án giao thông tầm cỡ, rót vốn đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, đang ngày đêm về đích, vẽ lại bức tranh kinh tế - xã hội và thổi bùng sức sống mới cho thị trường địa ốc nơi đây.
![]() |
Tuyến Vành đai 4 TPHCM dự kiến trình Quốc hội tháng 5-2025, khởi công đường năm 2026. |
>>>Màn 'so găng' ĐHĐCĐ bất động sản 2025: Ai sẽ dẫn dắt thị trường?
Dấu ấn hạ tầng nổi bật tại đầu tiên tại khu Tây là việc thông xe kỹ thuật gần 20km cao tốc Bến Lức – Long Thành (đoạn từ Quốc lộ 1 đến Nguyễn Văn Tạo) vào ngày 19/4, cùng với cầu vượt trên Quốc lộ 50 tại Bình Chánh cũng đã hoàn thiện. Dự án dài 58km, tổng vốn hơn 31.000 tỷ đồng, tuyến cao tốc này không chỉ giảm áp lực cho các trục giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1, 51 và cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, mà còn đóng vai trò then chốt trong kết nối liên vùng giữa Tây và Đông Nam Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn khu vực.
Một điểm sáng khác là vành đai 3 TP.HCM – dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia dài hơn 76km, đang được gấp rút triển khai, trong đó đoạn qua Long An dài 6,8km dự kiến hoàn thành kỹ thuật vào cuối năm 2025. Với tổng vốn đầu tư gần 4.200 tỷ đồng, tuyến đường này khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Long An, TP.HCM và các tỉnh lân cận, đồng thời góp phần giảm ùn tắc, thúc đẩy liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội và giãn dân về các đô thị vệ tinh như Bến Lức, Đức Hòa, Nhơn Trạch.
Vị trí chiến lược tiếp theo là vành đai 4 TP.HCM, đoạn qua Long An (dài 40km, đi qua Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước), cũng đang ráo riết chuẩn bị đầu tư với cam kết bố trí hơn 10.300 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh cho giải phóng mặt bằng và tái định cư. Dự án trọng điểm quốc gia này, với tổng chiều dài hơn 200km (đoạn Long An dài nhất: 78km), tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 dự kiến 122.774 tỷ đồng, được kỳ vọng tạo mạng lưới giao thông hiện đại, kết nối các trục cao tốc, quốc lộ, rút ngắn thời gian di chuyển liên vùng.
Không chỉ tập trung vào các dự án liên vùng, Long An còn mạnh tay đầu tư vào hệ thống giao thông nội tỉnh, thông qua việc mở rộng, nâng cấp hàng loạt tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ và xây dựng các cầu trọng điểm. Đáng chú ý, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư gần 4.800 tỷ đồng cho 3 cầu lớn trên ĐT.827E, tạo kết nối liên tục đến Tiền Giang, tăng cường giao thương với ĐBSCL và giảm tải cho các quốc lộ hiện hữu.
Cùng nhịp phát triển, mới đây, TP.HCM cũng đề xuất rót vốn cho dự án đường mở mới phía Tây Bắc, kết nối Vành đai 2 đến Long An, hứa hẹn giảm ùn tắc và thúc đẩy khu công nghiệp. Long An cũng điều chỉnh tăng vốn đầu tư gần gấp đôi cho dự án nâng cấp ĐT.830C, đoạn qua Bến Lức, cho thấy quyết tâm đồng bộ hóa hạ tầng, kết nối các tuyến tỉnh với mạng lưới giao thông quốc gia và TP.HCM, tạo động lực mạnh mẽ cho kinh tế - xã hội Long An và khu vực ĐBSCL.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho biết: “Tỉnh tiếp tục tập trung các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ các khu công nghiệp, tạo quỹ đất sạch cho thu hút đầu tư. Song song với đó, tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh, gọn, công khai và minh bạch, tập trung phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”.
Với vị thế "á quân" PCI toàn quốc năm 2023-2024, Long An đang chứng minh sự nhạy bén của chính quyền trong việc trải thảm đỏ cho các dự án bất động sản và hạ tầng. Thứ hạng ấn tượng này không chỉ là con số mà còn là tấm vé bảo chứng niềm tin vững chắc cho giới đầu tư, khẳng định môi trường kinh doanh tại Long An ngày càng cởi mở hơn. Với những con số đầu tư “khủng” và tiến độ khẩn trương, năm 2025 thực sự là bước ngoặt hạ tầng cho Long An – nơi đang vươn mình thành điểm sáng phát triển kinh tế và bất động sản phía Tây TP.HCM.
![]() |
Nếu chọn đúng vị trí gần khu công nghiệp hoặc các dự án lớn, giá trị bất động sản tại đây có thể tăng gấp 3-5 lần trong vòng 5-10 năm, đặc biệt khi hạ tầng hoàn thiện. |
>>>Chỉ số vĩ mô đang ổn định vững chắc, Việt Nam đã sẵn sàng cho bước nhảy vọt 2025
Từ 'vùng trũng' thành điểm 'nóng'
Trong bối cảnh hạ tầng khu Tây TP.HCM ngày càng được đầu tư mạnh mẽ và đồng bộ, nhiều “ông lớn” bất động sản đã nhanh chóng nhận thấy tiềm năng tăng trưởng dài hạn tại khu vực này và không ngần ngại rót vốn để đón đầu cơ hội. Nhờ vị trí chiến lược kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây Nam Bộ cùng lợi thế quỹ đất lớn, mặt bằng giá còn mềm, khu Tây đang dần trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.
"Đại bàng" Vingroup đã tiên phong xây tổ đại đô thị 200ha tại vùng đất vàng Đức Hòa, Long An. Phát súng khai màn cuối tháng 3 vừa qua đã khuấy động thị trường bất động sản khu Tây, với sự kiện khởi công bom tấn Vinhomes Green City. Dự án quy mô 197,2ha không chỉ vẽ nên cơ hội đầu tư đầy hứa hẹn mà còn ươm mầm cho sự thịnh vượng của cả vùng đất.
Theo ghi nhận thực tế, từ khi Vinhomes Green City được khởi công, thị trường bất động sản Long An đã trở nên náo nhiệt hơn. Các dự án đất nền lân cận nhanh chóng ăn theo, ghi nhận sự sôi động cả về giá lẫn sức mua. Thậm chí, giá đất nền thổ cư trong khu vực đã leo thang từ 10 - 15% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sức hút khó cưỡng từ bom tấn hạ tầng và sự đổ bộ của ông chủ Vin.
Không kém cạnh, một trong những đại dự án nổi bật nhất khu vực là Waterpoint do Nam Long Group phát triển tại Bến Lức, Long An. Với quy mô 355ha và tổng mức đầu tư lên tới hơn 25.000 tỷ đồng, Waterpoint được định hình là một “thành phố bên sông” hiện đại. Dự án sở hữu vị trí đắc địa ngay trên trục ĐT.830 - tuyến giao thông huyết mạch kết nối cao tốc TP.HCM – Trung Lương, Vành đai 3 và cao tốc Bến Lức – Long Thành. Đây cũng là một trong những dự án hợp tác với đối tác Nhật Bản, thể hiện tầm nhìn quốc tế trong quy hoạch và phát triển.
Ngoài ra, TTC Land cũng có những dự án đất nền và nhà phố tại Long An, hưởng lợi từ hạ tầng kết nối với khu Tây TP.HCM. Hưng Thịnh Land, một tay chơi quen thuộc trên thị trường TP.HCM, cũng đang có những động thái nghiên cứu và phát triển dự án tại các khu vực lân cận khu Tây như Bình Chánh, nhắm đến phân khúc nhà ở vừa túi tiền và tiềm năng tăng trưởng nhờ hạ tầng.
Tại talkshow "Bất động sản vùng ven TP.HCM: Đón sóng và tránh bẫy", mới đây, ông Thi Lê, nhà đầu tư có 15 năm kinh nghiệm thực chiến trên thị trường nhà phố TP.HCM và khu vực Đức Hòa, Long An, đã có những chia sẻ đầy thuyết phục về tiềm năng phát triển tại khu vực giáp ranh Đức Hòa – Bình Chánh.
“Nếu như trước đây, nơi này từng bị xem là vùng trũng, thì nay đã bắt đầu chứng kiến những cơn sóng đầu tiên đổ về. Và làn sóng đó đang ngày một mạnh hơn,” ông Thi nhận định.
Đáng chú ý, nếu trước đây, Long An chỉ được biết đến với sóng đất nền đầu cơ, thì nay, thị trường bất động sản nơi đây đang bước vào chu kỳ mới với sự thay đổi chất lượng. Các dự án khu đô thị hàng trăm ha cùng các sản phẩm nhà ở thực như căn hộ, nhà xây sẵn, biệt thự sẽ soán ngôi, trở thành phân khúc chủ đạo, dẫn dắt thị trường.
Ông cũng chỉ ra sự khác biệt rõ rệt giữa Đức Hòa – Bến Lức với các vùng ven đã phát triển trước như Thủ Dầu Một, Thuận An (Bình Dương) hay Biên Hòa (Đồng Nai), nơi những quỹ đất gần như đã cạn, giá bán neo cao, khiến biên độ lợi nhuận bị thu hẹp. Ngược lại, tại Đức Hòa và Bến Lức, mức giá đất nền hoặc nhà ở trung cấp vẫn còn rất hợp lý, chỉ từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng, mở ra cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn cho nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ và người mua ở thực.
“Đức Hòa – Bến Lức hiện đang ở vạch xuất phát của một chu kỳ phát triển mới. Ai vào sớm, người đó có lợi thế lớn nhất,” ông Thi nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới vai trò của chính sách phát triển đô thị từ phía chính quyền. Quy hoạch vùng TP.HCM đến 2045 đã định hướng rõ ràng việc hình thành các đô thị vệ tinh để giảm áp lực dân số và hạ tầng cho khu trung tâm. Các địa phương như Long An, Bình Dương, Đồng Nai cũng đang điều chỉnh quy hoạch, mở rộng quỹ đất sạch, cải thiện thủ tục đầu tư để đón làn sóng dịch chuyển này.
Tổng hợp các yếu tố trên, có thể thấy rằng dịch chuyển dân cư và đô thị hóa vùng ven không còn là xu hướng mang tính tạm thời, mà đang dần định hình lại bức tranh phát triển đô thị TP.HCM và các tỉnh lân cận trong thập kỷ tới. Giai đoạn 2025–2026 sẽ là thời điểm tăng tốc của quá trình này, nơi vùng ven không chỉ là nơi ở thay thế, mà trở thành điểm đến mới lý tưởng cho hàng triệu cư dân đô thị tương lai.
>>>Bất động sản 'xanh hóa' bùng nổ: 86% người Việt quan tâm, 88% sẵn sàng chi thêm
Cú huých sau sáp nhập với TP. HCM: Khu vực nào của Bình Dương sẽ là tâm điểm?
Vì sao khu Tây Hà Nội trở thành ngôi sao sáng trong kỷ nguyên mới của thị trường BĐS?