Bên trong thành phố cổ đại 18 tầng sâu nhất thế giới: Nằm ở độ sâu 85m so với mặt đất ngay dưới móng nhà dân, từng có sức chứa khoảng 20.000 người
Đây là một trong những thành phố ngầm được khai quật ở độ sâu lớn nhất thế giới và trở thành điểm đến thú vị cho những du khách đam mê khảo cổ.
Được tìm thấy theo cách bất ngờ
Năm 1963, khi đang sửa sang lại nhà mình, một người đàn ông địa phương ở Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện những chú gà nuôi trong vườn thường biến mất một cách kì lạ khi chui vào một khoảng trống bên dưới tầng hầm. Người này lần theo khoảng không bí ẩn. Sau khi phá sập bức tường dưới căn hầm, ông vô cùng kinh ngạc khi thấy một đường hầm dẫn đến cả một thành phố rộng lớn.
Nơi đây chính là thành phố cổ Derinkuyu đã bị đã bị bỏ hoang trong nhiều thập kỷ. Sự khám phá bất ngờ này đã mở ra quá trình khai quật và cải tạo thành phố cổ dưới lòng đất Derinkuyu. Sau đó, hơn 600 lối vào thành phố cổ này cũng đã được tìm thấy trong nhà của người dân trong vùng.
Với kiến trúc 18 tầng độc đáo, thành phố ngầm Derinkuyu đạt tới độ sâu 85m so với bề mặt trái đất ở tầng sâu nhất. Derinkuyu được mở cửa cho du khách đến tham quan, tuy nhiên giới hạn du khách chỉ được khám phá 8 trong tổng số 18 tầng hầm tại đây.
Theo Bộ Văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ, thành phố ngầm Derinkuyu được xây dựng bởi người Phrygian vào thế kỷ 8-7 trước Công nguyên. Nó từng được nhắc đến lần đầu tiên trong một văn bản vào năm 370 trước Công nguyên. Nghiên cứu của các nhà sử học và khảo cổ học, thành phố đã được sử dụng trong hàng nghìn năm với mục ban đầu chỉ là nơi cất giữ đồ đạc, sau đó trở thành nơi con người ẩn náu khỏi các cuộc xâm lược và xung đột và dần dần mở rộng thành thành phố. Cư dân sống tại đây có thể sống sót dưới lòng đất trong nhiều tháng.
Vào thời kỳ đỉnh cao, đây là nơi sinh sống của 20.000 người. Tuy nhiên, vào những năm 1920, thành phố đã bị người Hy Lạp ở Cappadocia bỏ hoang khi họ sơ tán sang Hy Lạp trong thời kỳ Chiến tranh Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ.
Một hướng dẫn viên chia sẻ với phóng viên của BBC rằng "cuộc sống dưới lòng đất hẳn là rất khó khăn khi người dân chỉ được sinh hoạt quẩn quanh trong “những chiếc bình đất sét đậy kín” và sống dưới ánh đuốc mập mờ". Năm 1985, thành phố Derinkuyu đã được thêm vào danh sách Di sản Thế giới được UNESCO công nhận và mở cửa cho du khách tới thăm quan.
Xây dựng nhằm phục vụ người tị nạn
Những người xây dựng Derinkuyu đã thiết kế thành phố ngầm với các tính năng an toàn, cho thấy những căn nhà dưới lòng đất được xây dựng nhằm phục vụ những người tị nạn. Cánh cửa là một tảng đá lớn hình đĩa có thể xoay được với một lỗ nhỏ ở giữa. Một số người suy đoán lỗ này cho phép binh sĩ bắn tên ra, hoặc có lẽ một chùm tia mạnh phóng qua lỗ cho phép người dùng mở và đóng cửa dễ dàng hơn.
Mỗi tầng trong thành phố kết nối với tầng khác bởi một hành lang với một cánh cửa bằng đá tương tự. Thành phố ngầm cũng có một hệ thống ngăn chứa nước an toàn. Tuy nhiên, các giếng trong thành phố không liên kết với nhau, cũng không phải tất cả chúng đều đi lên bề mặt. Điều này bảo vệ cư dân khỏi những kẻ xâm lược có thể đầu độc toàn bộ hệ thống nước từ bên ngoài.
Sau khi được khám phá vào những năm 1960, đội ngũ người khai quật tìm thấy các căn phòng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm kho lương thực, nơi sản xuất rượu vang, ép dầu và khu vực ăn uống. Họ cũng khai quật được một nhà thờ nhỏ - nơi các tín độ lui tới để cầu nguyện và một trường học tôn giáo.
Trong thời kỳ thành phố còn hoạt động, gia súc được nuôi ở các tầng gần bề mặt hơn để mùi và chất thải của chúng không làm ảnh hưởng đến những ngôi nhà ở tầng bên dưới. Nguồn nước sạch được cung cấp đầy đủ và các trục thông gió cho phép không khí trong lành lưu thông giữa các phòng và các tầng. Ngoài ra còn có những cánh cửa lớn bằng đá ở mỗi tầng để ngăn chặn những kẻ xâm nhập.
Derinkuyu cũng giúp cư dân tránh được thời tiết quá nóng vào mùa hè và quá lạnh, tuyết rơi vào mùa đông. Nhiệt độ khá ổn định quanh năm ở khoảng 13 độ C, tạo môi trường mát mẻ cho động vật, cũng như duy trì nguồn cung cấp nước ngọt và giữ cho thực phẩm tươi. Cappadocia và Derinkuyu là những di tích đáng kinh ngạc. Ngày nay, những nơi này góp phần làm sôi động hơn nữa ngành công nghiệp du lịch đầy ấn tượng của Thổ Nhĩ Kỳ, một miền đất còn đọng lại vô vàn những dấu ấn văn hóa, lịch sử cổ xưa.