Cá nhân, tổ chức nghiên cứu công nghệ đường sắt được đề xuất hưởng các đặc quyền lớn
Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất nhiều chính sách mới, tập trung vào việc phát triển công nghiệp đường sắt đô thị trong nước.
Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM đến năm 2035. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất nhiều chính sách mới, tập trung vào việc phát triển công nghiệp đường sắt đô thị trong nước.
Cụ thể, tổ chức, cá nhân chủ trì hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ các dự án đường sắt đô thị, bao gồm cả các dự án theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng), sẽ được áp dụng các chính sách ưu đãi. Một trong những đề xuất đáng chú ý là miễn thuế thu nhập đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ các dự án này.
Ảnh minh hoạ: Nhân lực điều khiển tuyến metro số 1 tại TP. HCM. Ảnh: M.Quỳnh/giaoducthoidai.vn |
Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân chủ trì hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ các dự án đường sắt đô thị sẽ có quyền quyết định việc đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu hoặc đặt hàng để lựa chọn nhà thầu cung ứng dịch vụ, hàng hóa phù hợp.
Ngoài ra, những tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao cho các dự án đường sắt đô thị sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định pháp luật về công nghệ cao.
Đặc biệt, doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đường sắt đô thị, bao gồm cả các dự án theo mô hình TOD… sẽ được hưởng các ưu đãi tương tự như doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định hiện hành.
Chiều 10/12/2024, tại kỳ họp thứ 20 Hội đồng Nhân dân TP. HCM khóa X, UBND TP. HCM đã trình Hội đồng Nhân dân Thành phố Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP. HCM theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị.
Trong đó, TP. HCM đề xuất đầu tư, hoàn thành 7 tuyến metro dài khoảng 355km vào năm 2035, với vốn đầu tư hơn 40,21 tỷ USD, trong đó phần lớn là vốn đầu tư công. Đến năm 2045, Thành phố sẽ hoàn thành thêm 155km, nâng tổng chiều dài lên khoảng 510km.
Như vậy, so với tờ trình đề án trước đây, TP. HCM đã tăng quy mô đầu tư giai đoạn đến năm 2035 từ 183km lên 355km. Từ đó, rút ngắn tiến trình hoàn thành toàn bộ mạng lưới theo quy hoạch 510km vào năm 2045 thay vì đến năm 2060.
>> Giải mã tác động từ siêu dự án đường sắt 8,02 tỷ USD đến giao thông và kinh tế Việt Nam
Diễn biến mới nhất về dự án đường sắt đô thị gần 35.000 tỷ đồng tại Hà Nội
Cách nào để TP.HCM hoàn thành 355km đường sắt đô thị trong 10 năm tới?