Chế tạo thành công tàu đệm từ siêu tốc đạt vận tốc tối đa 600km/h khiến thế giới ngỡ ngàng
Do Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc (CRRC) phát triển, tàu đệm từ sở hữu thiết kế khí động học hiện đại với phần mũi nhọn giúp giảm lực cản gió.
Một mẫu tàu đệm từ do Trung Quốc chế tạo – được kỳ vọng trở thành phương tiện vận chuyển mặt đất nhanh nhất từ trước đến nay tại nước này – vừa chính thức ra mắt công chúng tại Bắc Kinh.
Đây là cột mốc quan trọng trong tham vọng của Trung Quốc nhằm rút ngắn mạnh mẽ thời gian di chuyển giữa các đô thị lớn, đồng thời khẳng định vị thế hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao.
Tàu có thể đạt vận tốc tối đa 600km/h, mang đến một cái nhìn tương lai về mạng lưới giao thông nội địa của Trung Quốc.

Do Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc (CRRC) phát triển, tàu sở hữu thiết kế khí động học hiện đại với phần mũi nhọn giúp giảm lực cản gió. Hình ảnh do Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) công bố cho thấy nội thất bên trong được trang bị màn hình lớn và bố trí theo phong cách tương lai.
Theo đại diện CRRC, giai đoạn kỹ thuật đầu tiên đã hoàn tất từ tháng 7 năm ngoái. Tuy nhiên, trước khi đưa vào khai thác thương mại, tàu sẽ tiếp tục trải qua các thử nghiệm về tuyến đường, an toàn và tính khả thi kỹ thuật.
Tờ The Paper (Thượng Hải) dẫn lời giới chức cho biết con tàu này sẽ đóng vai trò là phương tiện vận chuyển trực tiếp giữa các đô thị lớn, bổ sung cho hệ thống đường sắt hiện có. Chẳng hạn, tuyến Bắc Kinh-Thượng Hải dài 1.200km hiện mất khoảng 5,5 giờ bằng tàu cao tốc thông thường, nay có thể được rút ngắn xuống còn 2,5 giờ với tàu đệm từ siêu tốc.

Kỹ sư cấp cao Shao Nan của CRRC cho biết mục tiêu là "lấp đầy khoảng trống tốc độ giữa đường sắt cao tốc và hàng không trong phạm vi dưới 2.000km", kết hợp độ chính xác và an toàn của đường sắt với tốc độ của máy bay.
Công nghệ đệm từ siêu dẫn điện từ hứa hẹn mang lại giải pháp giao thông thân thiện với môi trường hơn, hiệu quả năng lượng cao hơn, tốc độ vượt trội, vận hành êm ái và không phát thải. Hệ thống vận hành phi tiếp xúc cũng giúp giảm đáng kể chi phí bảo trì dài hạn do ít mài mòn cơ học.
Tàu sử dụng nguyên lý cảm ứng điện từ giữa nam châm siêu dẫn trên tàu và đường ray. Khi đạt tốc độ 150km/h, hệ thống sẽ kích hoạt chế độ "nâng" giúp tàu lơ lửng khỏi mặt ray. Trước ngưỡng này, tàu di chuyển bằng bánh xe cao su.
Mẫu tàu mới còn được tích hợp chức năng lái tự động hoàn toàn, đòi hỏi sự kết hợp giữa nhiều công nghệ tiên tiến như mạng 5G, AI nhận diện hình ảnh, cảm biến âm thanh và hệ thống cảm biến dọc theo toàn tuyến, theo ông Shao.
Tuyến đệm từ đầu tiên của Trung Quốc khai trương năm 2003, do Đức xây dựng, nối sân bay quốc tế Phố Đông (Thượng Hải) với trung tâm thành phố. Tuy nhiên, đây là loại đệm từ tốc độ thấp (tối đa 120km/h). Trung Quốc đã đưa vào khai thác tuyến đệm từ trong nước đầu tiên tại Trường Sa năm 2016 và một tuyến khác tại Bắc Kinh năm 2017, nhưng cả hai đều thuộc loại tốc độ thấp.
Từ giữa thập niên 2000, mạng lưới đường sắt cao tốc Trung Quốc phát triển thần tốc, đến cuối năm 2024 đã đạt quy mô 48.000km – lớn nhất thế giới. Mục tiêu trong năm nay là vượt mốc 50.000km đường ray.
Tàu đệm từ siêu tốc của CRRC chỉ là một trong nhiều dự án giao thông công nghệ cao đang được Trung Quốc đẩy mạnh. Năm ngoái, nước này đã thử nghiệm thành công một mẫu tàu hyperloop – dự án tàu siêu tốc trong ống chân không – với mục tiêu đạt vận tốc 1.000 km/h, xác thực các công nghệ then chốt.
Tháng 5 vừa qua, các nhà nghiên cứu thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) công bố đã phát triển hệ thống treo điều khiển bằng AI, giúp giảm rung lắc mạnh ở tốc độ cao – vấn đề từng gây khó chịu lớn cho hành khách.
Dù công nghệ liên tục tiến bộ, nhiều chuyên gia vẫn cảnh báo các thách thức kỹ thuật, kinh tế và hạ tầng đối với hệ thống giao thông tốc độ siêu cao như đệm từ và hyperloop. Đặc biệt, chi phí xây dựng ban đầu rất lớn, đòi hỏi công nghệ nam châm siêu dẫn tinh vi và hệ thống đường ray riêng biệt.
Tham khảo SCMP