Với tổng công suất 16.000 MW, đập thuỷ điện này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển năng lượng sạch ở Trung Quốc và cung cấp điện cho hàng triệu người dân.
Theo Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc (CTG), công trình đồ sộ này được xây dựng vào năm 2017 và chính thức hoàn thành vào tháng 12/2022, với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 300 tỷ NDT (tương đương 46,5 tỷ USD).
Đây là một phần quan trọng trong "hành lang năng lượng sạch" của Trung Quốc, gồm 6 đập thủy điện khổng lồ xây dựng dọc theo sông Dương Tử và các nhánh của sông này.
Cả 6 nhà máy, đều do CTG điều hành, đóng góp khoảng 20% tổng công suất lắp đặt thủy điện của Trung Quốc.
Được xây dựng ở hạ lưu sông Kim Sa, Bạch Hạc Than là công trình thủy điện lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau dự án đập Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc với công suất 22.500 MW.
Thử nghiệm xả lũ từ trạm thủy điện Bạch Hạc Than. Ảnh: Evolution.SKF |
Công nghệ tiên tiến và hiệu suất cao
Chủ tịch CTG, ông Lei Mingshan, cho biết nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than (Baihetan) được trang bị 16 tổ máy phát điện thủy lực khổng lồ với công suất 1.000 MW mỗi tổ máy. Đây là công suất tổ máy đơn lẻ lớn nhất thế giới.
Mỗi tổ máy của đập có chiều cao hơn 50m và nặng hơn 8.000 tấn - tương đương tháp Eiffel.
Điều này giúp giảm chi phí lắp đặt, bảo trì và vận hành, đồng thời tăng hiệu suất chuyển đổi năng lượng của nhà máy. Với hiệu suất cao nhất là 96,97%, tua-bin của Bạch Hạc Than là loại tua-bin hiệu quả nhất thế giới.
Cơ chế dẫn nước của trạm thuỷ điện. Ảnh: Evolution.SKF |
Cấu trúc đập bê tông có hình cung kép, cao 289m với chiều rộng 72m ở chân đế và 13m ở đỉnh.
Đập có khả năng chứa hơn 20 tỷ m3 nước và chịu được lực đẩy thủy lực lên đến 16,5 triệu tấn. Kích thước khổng lồ này tương đương với một tòa nhà 100 tầng.
Bên cạnh đó, đập Bạch Hạc Than được thiết kế để hoạt động an toàn trong điều kiện cực đoan, bao gồm cả trường hợp xảy ra lũ lụt lớn.
Cấu trúc xả lũ của đập bao gồm 6 cửa xả tràn và 7 cửa xả dưới thân đập, cùng với 3 đường hầm xả tràn trên bên trái bờ. Để đảm bảo an toàn, đập còn có cổng khẩn cấp nhanh có thể hạ xuống để cắt ngừng dòng nước trong vòng 4 phút dưới điều kiện nước động.
Bạch Hạc Than là một trong 6 trạm thủy điện khổng lồ dọc theo sông Dương Tử, con sông dài nhất Trung Quốc. Ảnh: Evolution.SKF |
Với công suất lớn như vậy, nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than có khả năng tạo ra trung bình hơn 62.400 GW/giờ điện mỗi năm. Điều này đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của khoảng 75 triệu người, tương đương với một nửa lượng điện tiêu thụ hàng năm của Thụy Điển và toàn bộ lượng điện sử dụng trong năm của nước Áo.
Dự kiến đập này sẽ tiết kiệm tới 19,68 triệu tấn than, giảm 52 triệu tấn khí thải CO2 và 220.000 tấn khí thải bụi than mỗi năm. Qua đó, giúp ích cho việc bảo vệ môi trường và giảm ô nhiễm.
Đập Bạch Hạc Than là một công trình ấn tượng và đáng tự hào của Trung Quốc. Với công suất lớn và khả năng cung cấp điện cho hàng triệu người dân, đập thủy điện này đóng góp quan trọng vào việc phát triển năng lượng sạch và bảo vệ môi trường.