Thế giới

Chứng khoán Mỹ ‘lội ngược dòng’ và thống trị thị trường toàn cầu: Chuyên gia bất ngờ ra cảnh báo?

Bạch Linh 04/07/2024 08:46

Chứng khoán Mỹ đang chiếm khoảng 61% tổng vốn hóa chứng khoán toàn cầu. Liệu nó có báo hiệu “rắc rối”?

Chứng khoán Mỹ nay đã “khác”

16 năm trước, thị trường chứng khoán Mỹ chạm đáy. Vào tháng 3/2008, Mỹ chính thức bước vào thời kỳ suy thoái và xảy ra khủng hoảng tài chính. Thời điểm ấy, chứng khoán Mỹ chiếm chưa đến 40% tổng vốn hóa thị trường. Còn vào đầu những năm 2000, chứng khoán châu Âu và các thị trường mới nổi đã tăng giá.

Chứng khoán Mỹ ‘lộn ngược dòng’ và thống trị thị trường toàn cầu: Chuyên gia bất ngờ ra cảnh báo?
16 năm trước, thị trường chứng khoán Mỹ chạm đáy. Ảnh minh họa

Quay về hiện tại, mọi thứ có vẻ đã khác. Thị phần của chứng khoán Mỹ trong vốn hóa thị trường toàn cầu đã tăng ổn định trong thập kỷ rưỡi qua, đồng thời tăng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024. Hiện tại, chứng khoán Mỹ chiếm 61% tổng vốn hóa thị trường chứng khoán toàn cầu.

Theo The Economist, đó là sự thống trị đáng kinh ngạc đối với một quốc gia chỉ chiếm hơn 1/4 GDP toàn thế giới. Mức độ tập trung thị trường càng trở nên “cực đoan” khi xét đến những gì đang diễn ra ngay trong thị trường chứng khoán này. Có thể thấy, chỉ ba công ty - Apple, Microsoft và Nvidia- đã chiếm tới 1/10 giá trị thị trường cổ phiếu toàn cầu.

Những nhà đầu tư không muốn “bỏ hết trứng vào một giỏ” đang lo lắng. Nvidia hiện có tầm ảnh hưởng đến mức khi giá cổ phiếu của hãng giảm 13% trong khoảng thời gian từ ngày 18-24/6 đã khiến chỉ số chứng khoán thế giới MSCI All Country World (gồm cả các thị trường mới nổi và thị trường phát triển) bị mất 0,5% giá trị. Giá cổ phiếu của nhà sản xuất chip sau đó đã phục hồi trở lại và tăng 7% trong hai ngày sau đó.

>> Chuyên gia cảnh báo: Kinh tế toàn cầu đang tiến vào ‘vùng nguy hiểm’, TTCK Mỹ có thể sẽ sụp đổ và chính BRICS đang khiến mọi thứ tồi tệ hơn

Nhấp nháy tín hiệu “cảnh báo”

Lịch sử của chứng khoán thế giới đã chỉ ra một bức tranh “nhiều màu sắc” khi đề cập đến sự tập trung của thị trường vào một số cổ phiếu. The Economist cho rằng, có những lúc, sự thống trị của một quốc gia hoặc một số ít cổ phiếu là một “cảnh báo”.

Ví dụ trong thời kỳ bong bóng dot-com vào cuối những năm 1990, 10 cổ phiếu lớn nhất của Mỹ đã chiếm 1/3 vốn hóa thị trường trong nước, tương tự như tỷ trọng hiện nay.

Hay ở cấp độ quốc gia, Nhật Bản là một ví dụ đáng lo ngại. Đến cuối năm 1989, ngay trước khi bong bóng tài sản bị vỡ, chứng khoán Nhật Bản đã chiếm 40% tổng giá trị chứng khoán toàn cầu. 4 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất là các ngân hàng Nhật Bản.

Chưa đến mức báo động?

Nhưng sự tập trung của thị trường vẫn có thể không gây ra “sóng gió”. Trong những năm 1950 và đầu những năm 1960, thị trường chứng khoán toàn cầu tập trung ở Mỹ và một nhóm nhỏ công ty ở nước này. Lúc đó, châu Âu vẫn đang phục hồi sau chiến tranh thế giới thứ hai và thị trường châu Á vẫn chưa đạt được vị thế nổi bật. Do vậy, chứng khoán Mỹ chiếm tới 70% thị trường toàn cầu. Một số công ty như AT&T, Exxon và General Motors đã lên ngôi vương và trở những công ty giá trị nhất thế giới.

Thực tế, 10 cổ phiếu lớn nhất thời điểm đó cũng chiếm đến 1/3 thị trường chứng khoán nhưng không gây ra biến động nào rõ ràng.

Chứng khoán Mỹ ‘lộn ngược dòng’ và thống trị thị trường toàn cầu: Chuyên gia bất ngờ ra cảnh báo?
Chứng khoán Mỹ đang chiếm 61% tổng vốn hóa chứng khoán thế giới, loại trừ các công ty IT thì thị phần chiếm 55%

Vậy diễn biến chứng khoán Mỹ hiện tại giống với thời kỳ những năm 1960 hay bong bóng dot-com những năm 1990?

Theo The Economist, mức định giá của các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất Mỹ hiện nay chắc chắn là ở mức khá cao. Nvidia có tỷ lệ giá cổ phiếu trên thu nhập (P/E) dự kiến trong 12 tháng tới là 43. Điều đó giải thích cho sự biến động trong tuần qua.

Những thay đổi tương đối nhỏ trong kỳ vọng thu nhập của các công ty lớn như Nvidia có thể dẫn đến những biến động lớn của thị trường. Theo đó, sự tăng giá trên thị trường chứng khoán Mỹ thời gian gần đây vốn dựa trên kỳ vọng về tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) trong tương lai và nó vốn dĩ không chắc chắn.

Tuy nhiên, ngay cả ở các mức giá hiện tại, vẫn có một khoảng cách giữa sự lạc quan do AI thúc đẩy thời điểm hiện tại và các giai đoạn “hưng phấn” đầu cơ cổ phiếu trong quá khứ.

Năm 2000, cổ phiếu Cisco Systems của Mỹ - “con cưng” của các nhà đầu tư lạc quan - đã được giao dịch ở mức giá gấp hơn 125 lần thu nhập dự kiến. Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) của cổ phiếu Nhật Bản - không chỉ của những công ty đắt giá nhất mà của toàn bộ thị trường - cũng đã đạt mức 60 vào năm 1989.

Sự thống trị của chứng khoán Mỹ

Thay vì suy đoán quá mức, lý do chính dẫn đến sự thống trị của chứng khoán Mỹ xuất phát từ những yếu tố “đơn giản” hơn. Hệ số P/E của chỉ số MSCI US đã tăng 162% kể từ tháng 3/2008. Ngược lại, thu nhập trên mỗi cổ phiếu của các thị trường toàn cầu, ngoại trừ Mỹ đã giảm 2% tính theo đồng USD trong thời gian đó.

Hơn bất cứ nơi nào khác, các công ty Mỹ đã chứng tỏ khả năng tăng trưởng, sinh lãi và hoàn trả cho các nhà đầu tư.

Trên thực tế, các công ty công nghệ chỉ phản ánh một phần nhỏ trong sự thống trị của chứng khoán Mỹ trên thị trường toàn cầu.

Có lẽ, phân tích rõ ràng nhất là loại bỏ các công ty này thì thị phần của chứng khoán Mỹ trên toàn cầu sẽ hạ xuống còn 55% - vẫn là mức cao, thậm chí cao nhất trong nhiều thập niên. Theo tính toán, tỷ lệ này cũng cao hơn 20 điểm phần trăm so với mức thấp của năm 2008. Nhưng không nên xem đây là lý do để “tự mãn” đối với một thị trường chứng khoán đắt đỏ “chẳng ai có thể phủ nhận”.

Theo The Economist, sự tập trung của thị trường luôn phản ánh một số động lực nhất định. Khi xét đến sự thống trị hiện tại của chứng khoán Mỹ, động lực rất quen thuộc - các công ty tăng trưởng mạnh ở các lĩnh vực mới đạt được lợi nhuận cao.

Mặc dù đa đạng dạng hóa đầu tư vẫn là điều cần thiết nhưng việc đa dạng hóa ngoài các công ty thành công hiện tại khó có thể khiến các nhà đầu tư hài lòng.

Theo The Economist

>> Xảy ra hiện tượng chưa từng có, thị trường chứng khoán Mỹ có thể sắp ‘rạn nứt’?

Chứng khoán Mỹ 'xanh mướt' sau phát biểu quan trọng của Chủ tịch Fed Jerome Powell

Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ, đồng USD tăng vọt sau cuộc đụng độ Biden -Trump đầu tiên

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chung-khoan-my-lon-nguoc-dong-va-thong-tri-thi-truong-toan-cau-chuyen-gia-bat-ngo-ra-canh-bao-240951.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chứng khoán Mỹ ‘lội ngược dòng’ và thống trị thị trường toàn cầu: Chuyên gia bất ngờ ra cảnh báo?
    POWERED BY ONECMS & INTECH