Chỉ sau hơn 20 năm, người đàn ông này đã trở thành tỷ phú giàu nhất ngành giáo dục ở Trung Quốc với khối tài sản 94,5 tỷ NDT (tương đương hơn 332 nghìn tỷ đồng).
Thất bại liên tiếp vẫn không nản chí
Lý Vĩnh Tân (sinh năm 1976) là con út trong một gia đình ở Thông Hóa (Cát Lâm, Trung Quốc). Để thoát khỏi cuộc sống khó khăn, bố mẹ Vĩnh Tân đã chấp nhận vay tiền để cho anh đi học. Không phụ công ơn, ngay từ nhỏ, người đàn ông này đã luôn học hành chăm chỉ.
Năm 1994, Vĩnh Tân đã lựa chọn theo học chuyên ngành Khoa học Chính trị và Quản lý cộng đồng tại Đại học Bắc Kinh.
Không may đây cũng là thời điểm khủng hoảng kinh tế diễn ra ở Trung Quốc. Do đó, bố mẹ đã phải bán mọi thứ để có tiền cho anh đóng học phí và chi phí sinh hoạt cũng phải cắt giảm.
Sau khi vào đại học, Vĩnh Tân đã duy trì cuộc sống 4 năm nhờ vào chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo - căng tin trường luôn cung cấp cháo và súp miễn phí mỗi ngày.
Chỉ sau hơn 20 năm, Lý Vĩnh Tân đã trở thành tỷ phú giàu nhất ngành giáo dục ở Trung Quốc |
Với thành tích xuất sắc, năm cuối, anh nhận được thông báo là sinh viên duy nhất đủ điều kiện ở lại trường làm giảng viên. Tuy nhiên, đây cũng là vị trí bạn cùng phòng ở cùng ký túc xá của anh đang cạnh tranh.
Sau nhiều đắn đo, anh quyết định rút lui khỏi vị trí này để giữ lại tình bạn và gia nhập thị trường lao động. Năm 1999, Vĩnh Tân tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc và được nhiều công ty nổi tiếng mời về làm việc. Ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp, anh đã xin đi thực tập tại một số công ty để tìm hiểu kinh doanh.
Được biết, vào năm 1999, khi Bộ Giáo dục Trung Quốc mở rộng tuyển sinh, tỷ lệ đỗ đại học tăng lên 40%, khiến số lượng thí sinh đăng ký thi lên đến 1,53 triệu. Điều này cho thấy tương lai quốc gia này sẽ cần nhiều việc làm hơn. Lúc này, ý tưởng khởi nghiệp đã “nảy lên” trong đầu Vĩnh Tân và anh đã quyết định đầu tư vào một công ty dịch vụ việc làm cho sinh viên. Tuy nhiên, vì một số bất đồng, chàng trai trẻ đã quyết định rút vốn đầu tư và bắt đầu khởi nghiệp riêng.
Năm 2001, anh thành lập công ty Ivory Tower, sử dụng những thủ khoa đầu vào Đại học Bắc Kinh đi diễn thuyết nhiều nơi để truyền cảm hứng học tập cho học sinh. Tuy nhiên, ở lần khởi nghiệp này, anh cũng lại không mấy suôn sẻ.
Dùng tiền dưỡng già của mẹ để…khởi nghiệp
Dẫu gặp nhiều khó khăn, Vĩnh Tân vẫn tin kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục không phải là con đường sai.
Vĩnh Tân đã nghĩ tới việc khởi nghiệp một lần nữa. Anh đã về quê vay tiền dưỡng già của mẹ khoảng 30.000 NDT (tương đương 105 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại). Đây không phải chỉ là con số hơn 100 triệu mà là toàn bộ số tiền đảm bảo cho sự “an tâm” về già của mẹ Vĩnh Tân cũng như tài sản mà người mẹ đã phải tích cóp cả đời. Cầm trên tay số tiền đó anh đã hứa rằng: "Con sẽ biến số tiền này thành tiền tỷ".
Từ chàng trai nghèo trở thành “cỗ máy kiếm tiền” khủng của Trung Quốc
Năm 2001, Vĩnh Tân thành lập công ty giáo dục Offcn Education. Danh tiếng của anh đã nhanh chóng được biết đến. Ngoài việc dạy trực tiếp, anh còn mở lớp đào tạo từ xa.
Năm 2005, anh hợp tác với các trung tâm ở khắp nơi để tuyển sinh. Offcn Education cung cấp giáo viên và tài liệu giảng dạy cho các trung tâm chi nhánh. Sau vài năm, anh đã đổi mô hình kinh doanh.
Anh áp dụng phương thức quản lý trực tiếp, các trung tâm tự thuê địa điểm, tự tìm học viên và lợi nhuận không chia đều. Sau 4 năm kinh doanh mô hình mới, Vĩnh Tân mở rộng quy mô công ty ra hơn 300 chi nhánh trên cả nước. Offcn Education trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp hàng đầu tại Trung Quốc.
Offcn Education của tỷ phú Vĩnh Tân đã trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp hàng đầu tại Trung Quốc |
Đến tháng 9/2019, giá trị thị trường của Offcn Education đạt 100 tỷ NDT (khoảng 351 nghìn tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) và trở thành công ty giáo dục tư nhân lớn thứ ba Trung Quốc. Điều này đã giúp Vĩnh Tân và mẹ trở thành người giàu nhất trong ngành giáo dục tư nhân với tài sản ròng lên tới 60 tỷ NDT (khoảng 211 nghìn tỷ đồng, theo tỷ giá hiện tại).
Năm 2021, gia đình Vĩnh Tân xếp thứ 26 trong “Danh sách 500 tỷ phú giàu nhất” do tạp chí Fortune bình chọn.
Hiện tại, ước tính khối tài sản của CEO Offcn Education nắm giữ lên đến 94,5 tỷ NDT (hơn 332 nghìn tỷ đồng). Vĩnh Tân đã trở thành tỷ phú giàu nhất ngành giáo dục ở Trung Quốc và khiến nhiều người trong ngành phải nể phục.
Trở thành tỷ phú nhưng Vĩnh Tân không quên cội nguồn. Năm 2018, anh gây xôn xao khi quyên góp 1 tỷ NDT cho Đại học Bắc Kinh. Chia sẻ lý do, nam doanh nhân cho biết: "Nếu không có những bát cháo miễn phí ngày đó, tôi sẽ không có được hôm nay". Mơ ước của CEO Offcn Education là có thể quyên góp cho trường 10 tỷ NDT để giúp đỡ nhiều sinh viên nghèo hơn.