‘Công trình thế kỷ’ Liên Xô giúp đỡ Việt Nam xây dựng: 8.300 công nhân hợp lực, nối sân bay quốc tế lớn nhất miền Bắc với nội thành Thủ đô
Cây cầu này là công trình có thời gian thi công dài nhất trong lịch sử Hà Nội.
Cầu Thăng Long (còn được gọi là cầu Hữu Nghị Việt Xô) là cây cầu bắc qua sông Hồng, được khởi công từ năm 1974 và khánh thành vào ngày 9/5/1985. Đây là cây cầu có thời gian thi công dài nhất tại Hà Nội và từng được xem là một trong những dự án quy mô lớn nhất Đông Nam Á vào thời điểm đó.

Cầu Thăng Long thuộc hệ thống đầu mối đường sắt khu vực Hà Nội, hiện nằm trên tuyến Vành đai 3, kết nối huyện Đông Anh với quận Bắc Từ Liêm. Cầu bắc qua sông Hồng gần bến Chèm, thuộc phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm (bờ Nam); đầu cầu phía bắc thuộc xã Võng La, huyện Đông Anh, với tổng chiều dài 1.688m, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 12km. Đây cũng là đường nối sân bay quốc tế Nội Bài với nội thành Hà Nội.
Ban đầu, Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam xây dựng cầu Thăng Long. Tuy nhiên, đến năm 1978, khi mới hoàn thành khoảng 20% khối lượng công trình, Trung Quốc rút khỏi dự án. Sau đó, Liên Xô tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện cây cầu.
Theo Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ý tưởng xây dựng cầu vượt sông Hồng đã được Đảng và Nhà nước đề ra từ đầu những năm 1960, với mục tiêu kết nối Hà Nội với Thái Nguyên, Việt Trì và các tỉnh phía Bắc để mở rộng phát triển. Khoảng năm 1971, Việt Nam bắt đầu đàm phán với Trung Quốc để đề nghị viện trợ xây dựng cầu.

Theo Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, thời điểm đó, phía Việt Nam gọi công trình này là cầu Chèm, trong khi Trung Quốc gọi là “Hồng Hà đại kiều”, nghĩa là cầu sông Hồng. Tuy nhiên, Tổng Bí thư Trường Chinh đã chính thức đề xuất tên gọi “cầu Thăng Long”.
Việc tổ chức xây dựng cầu theo mô hình xí nghiệp liên hợp là bước tiến mới đối với ngành xây dựng cầu đường thời bấy giờ. Ban đầu, lực lượng tham gia thi công gồm khoảng 1.600 người, sau tăng lên 8.300 người. Liên Xô không chỉ hỗ trợ vật tư mà còn giúp Việt Nam đào tạo thợ lặn sâu 50m, công nhân phun sơn, hàn tự động và kiểm tra chất lượng mối hàn.
Không chỉ có quy mô lớn, công trình còn đánh dấu bước đột phá về công nghệ xây dựng. Lần đầu tiên, kỹ sư và công nhân Việt Nam tiếp cận những kỹ thuật thi công hiện đại như đắp đảo bằng bao tải thay cho khung vây cọc ván thép, xây dựng móng giếng chìm rộng 18m, bịt đáy trụ cầu ở độ sâu 40m trong nền địa chất sét cát, sỏi cuội. Đây cũng là lần đầu tiên công nhân Việt Nam trực tiếp thi công một công trình quy mô lớn hàng đầu trong nước và khu vực.


Công nghệ thi công móng trụ cầu bằng phương pháp “định vị giếng chìm chở nổi” là kỹ thuật mới đối với lực lượng xây dựng Việt Nam khi đó. Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô, đội ngũ kỹ sư và công nhân đã nhanh chóng thích nghi, xây dựng thành công 16 trụ cầu chính trong điều kiện thời tiết phức tạp, thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ lụt.
Khi bước vào giai đoạn lắp đặt các dàn dầm thép, đội ngũ kỹ thuật Việt Nam tiếp tục tiếp cận và ứng dụng công nghệ Đông Âu, thực hiện các công đoạn như phun cát, phun sơn, lắp hẫng dầm thép bằng bu-lông cường độ cao, thể hiện sự thành thạo và chuyên nghiệp, được các chuyên gia Liên Xô đánh giá cao.

Cầu Thăng Long khi hoàn thành có hai tầng. Tầng dưới bố trí hai tuyến đường sắt chạy giữa, theo khổ ray 1.435mm; hai bên là đường dành cho xe thô sơ, mỗi bên rộng 3,5m, đủ cho xe ô tô 10 tấn lưu thông. Tầng trên là đường ô tô rộng 15m, cho bốn làn xe chạy; hai bên có vỉa hè dành cho người đi bộ rộng 1,5m. Chiều dài toàn cầu tính theo tầng đường sắt là hơn 5,5km; tầng ô tô hơn 3,1km; tầng xe thô sơ dài khoảng 2,6km.
Phần cầu chính bắc qua sông gồm 15 nhịp dầm thép, mỗi nhịp có khẩu độ 112m. Móng các trụ chính được thi công bằng giếng chìm. Phần cầu dẫn hai đầu sử dụng dầm bê tông dự ứng lực, trụ cầu dẫn đặt trên móng cọc ống phi 55cm.

Trải qua 40 năm khai thác, cầu Thăng Long vẫn tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong hệ thống hạ tầng giao thông, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
*Tổng hợp
>> Bảo tàng độc nhất và lớn nhất Việt Nam tưởng niệm về một lãnh tụ, được Liên Xô hỗ trợ xây dựng