Sự sụt giảm mạnh về doanh số bán nhà trong tháng 12 cho thấy những tai ương đang diễn ra đối với nhà phát triển bất động sản Trung Quốc.
Trong năm 2023, doanh số bán hàng theo hợp đồng của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Country Garden Holdings đã giảm một nửa so với năm trước, đặc biệt mức giảm mạnh trong tháng 12 cho thấy tình hình tồi tệ mà công ty đang phải đối mặt.
Theo hồ sơ gửi tới Sở giao dịch Hồng Kông vào tối thứ Năm (ngày 4/1), trong tháng 12, doanh số bán hàng theo hợp đồng - nguồn doanh thu chính của công ty, đã giảm gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Country Garden |
Trong một thông báo ngắn gọn về dữ liệu hoạt động chưa được kiểm toán cho tháng cuối cùng của năm 2023, công ty cho biết doanh số theo hợp đồng đạt 6,91 tỷ nhân dân tệ (972,8 triệu USD) về giá trị và 680.000m2 theo diện tích. Dòng tiền từ các hợp đồng bán hàng là nguồn vốn quan trọng nhất để các nhà phát triển bất động sản trả nợ.
Cho đến đầu năm ngoái, Country Garden cùng với China Evergrande Group vẫn được coi là có nền tảng tài chính vững chắc. Tuy nhiên năm 2023 đã chứng kiến hai tập đoàn lớn nhất nhì Trung Quốc chao đảo và lâm vào khủng hoảng thanh khoản.
Doanh số bán hàng theo hợp đồng hàng tháng của Country Garden bắt đầu giảm đáng kể vào tháng 4/2023, với việc công ty thừa nhận trong báo cáo tạm thời được công bố vào cuối tháng 9 rằng họ đã phải đối mặt với “những thách thức đáng kể trong hoạt động bàn giao nhà”. Kể từ đó, tình hình tiếp tục trở nên tồi tệ hơn khi con số này đã giảm xuống dưới mốc 10 tỷ nhân dân tệ kể từ tháng 8.
Doanh thu theo hợp đồng năm ngoái đạt 174,3 tỷ nhân dân tệ, giảm 51% so với năm trước. Con số năm 2023 tiếp tục thấp hơn khoảng 69% so với các năm trước khủng hoảng.
Tổng số khoản vay của công ty tính đến cuối tháng 6 ở mức 257,9 tỷ nhân dân tệ, dưới dạng trái phiếu cấp cao, trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản vay từ ngân hàng và các khoản khác. Trong khi đó công ty nắm giữ 101,1 tỷ nhân dân tệ tiền mặt và các khoản tương đương tiền.
Trong số các khoản vay của nhà phát triển này, 108,7 tỷ nhân dân tệ đã được hoàn trả vào cuối tháng 6/2024.
Vào tháng 10, Uỷ ban Xác định phái sinh tín dụng đã thừa nhận rằng Country Garden đã không đáp ứng nghĩa vụ thanh toán 15,4 triệu USD tiền lãi trái phiếu sau khi giai đoạn ân hạn 30 ngày kết thúc vào ngày 17/10. Điều này có nghĩa là đã chính thức vỡ nợ về mặt kỹ thuật.
Từng là một đầu tàu tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, chiếm 1/4 sản lượng kinh tế của nước này, ngành bất động sản Trung Quốc đã trượt vào khủng hoảng kể từ khi Bắc Kinh siết chặt việc cho vay đối với hoạt động đầu tư và mua bán nhà đất vào năm 2020. Thanh khoản bị siết lại đã đặt ra rủi ro vỡ nợ đối với hàng loạt doanh nghiệp địa ốc Trung Quốc và khiến nhiều dự án rơi vào cảnh đình trệ.
Năm nay, nhằm vực dậy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ bất động sản, bao gồm nới lỏng hạn chế đối với việc mua nhà và giảm lãi suất cho vay, nhưng người mua nhà vẫn giữ quan điểm thận trọng.
“Nguyên nhân quan trọng nhất khiến giá nhà ở Trung Quốc giảm sút là nhu cầu yếu. Và người mua nhà cũng không dám chắc là căn nhà mà họ mua có được bàn giao đúng thời hạn như hứa hẹn của chủ đầu tư hay không”, nhà phân tích Ma Hong của Zhixin Investment Research Institute nhận định.
Theo ước tính của ngân hàng Nomura, Trung Quốc hiện có khoảng 20 triệu căn hộ đã bán trước còn chưa được khởi công hoặc nằm trong dự án bị ngừng trệ. “Người dân vẫn còn cảm thấy bấp bênh về tăng trưởng thu nhập, trong khi đầu tư tài chính trong nước cũng đang mang lại lợi nhuận thấp. Họ ngại mua những thứ đắt tiền như một ngôi nhà”, ông Ma nói thêm.
>> Lãnh đạo Country Garden tự nguyện giảm 86% thù lao để cắt giảm chi phí
Tòa án Hồng Kông hoãn phiên tòa thanh lý ‘gã khổng lồ’ BĐS Country Garden đến tháng 1 năm sau
Hoang lạnh trong đại đô thị ‘ma’ của ông lớn Trung Quốc xây trên đất khách