Vĩ mô

Đề xuất kéo dài đường sắt tốc độ cao từ Lạng Sơn đến Cà Mau

Phúc Lam 21/11/2024 11:02

Chiều ngày 20/11, Quốc hội đã thảo luận về chủ trường dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn Cà Mau) cho biết, đất nước ta trải dài từ Bắc đến Nam, từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Khu vực vùng núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể gọi là “phên giậu” của đất nước, hứng chịu nhiều “bão táp phong ba”, kinh tế phát triển chậm, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

Đại biểu chia sẻ, dù có nhiều tiềm năng nhưng các nhà đầu tư cũng không mấy mặn mà bởi vị trí xa xôi, hẻo lánh, đi lại khó khăn.

Do vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội mở rộng phạm vi đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam với điểm đầu tại Lạng Sơn và điểm cuối tại mũi Cà Mau thay vì Hà Nội và TP.HCM.

Đại biểu nói: “Phạm vi đầu tư của dự án thì điểm đầu là Lạng Sơn và điểm cuối là mũi Cà Mau. Nhưng do nguồn lực có hạn nên chúng ta có thể phân kỳ chia ra từng giai đoạn để đầu tư, như giai đoạn 2025-2035 đoạn Hà Nội – TP HCM, giai đoạn 2035-2040 các đoạn còn lại".

Đề xuất kéo dài đường sắt tốc độ cao từ Lạng Sơn đến Cà Mau
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Đồng tình với quan điểm của đại biểu đoàn Cà Mau, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) chia sẻ: "Tôi cho rằng, nếu kết nối 2 địa đầu đất nước thì rất tốt, tạo điều kiện cho những địa phương đi qua có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, du lịch”.

Đại biểu đoàn Bạc Liêu phân tích, Vùng ĐBSCL hiện phát triển chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng. Điểm nghẽn lớn nhất của khu vực này chính là kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối vùng với TP.HCM.

Hiện nay, tuyến huyết mạch kết nối các tỉnh thuộc ĐBSCL với TP.HCM là cao tốc TP.HCM – Cần Thơ nhưng tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra, làm giảm sức cạnh tranh của cả vùng.

Bên cạnh đó, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cũng bày tỏ những trăn trở đối với việc tăng gia kết nối giao thông đối với vùng ĐBSCL. Đại biểu đề xuất: “Cần có tính toán mở rộng không gian phát triển của các ga đường sắt trung tâm tại 2 đầu Bắc – Nam".

Ngoài ra, đại biểu đoàn Bình Định đề nghị: “Chúng ta có thể thiết kế hệ thống đường sắt kết nối tới trung tâm của vùng, kết nối với sân bay, cảng biển để khai thác tối đa hiệu quả của tuyến đường sắt này".

Trước đó, sáng ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Theo đó, Chính phủ đề xuất xây dựng tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu về an ninh, quốc phòng vận tải hàng hóa.

Dự án đi qua 20 tỉnh, thành phố với 23 ga khách với cự ly trung bình 67km và 5 ga hàng với các đầu mối hàng hóa. Điểm khởi đầu của toàn tuyến là ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM).

>>Hơn 3 tháng thi công với bộ đôi chiến binh ‘Thần tốc’ và ‘Táo bạo’, đoạn ngầm metro Nhổn – ga Hà Nội hiện tại ra sao?

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Miếng bánh rất lớn, nhưng...

Tỉnh có gần 41km thuộc tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc sẽ dôi dư hàng trăm cán bộ và hàng chục trụ sở sau sắp xếp

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/de-xuat-keo-dai-duong-sat-toc-do-cao-tu-lang-son-den-ca-mau-261403.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đề xuất kéo dài đường sắt tốc độ cao từ Lạng Sơn đến Cà Mau
    POWERED BY ONECMS & INTECH