Chuyện gì đang diễn ra tại “đầu tàu kinh tế” TP.HCM?
Tổng Cục Thống kê vừa công bố mức tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1/2023 chỉ tăng trưởng 0,70% so với cùng kỳ, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương và xếp hạng 56/63 địa phương. Chuyện gì đã xảy ra với “đầu tàu kinh tế” TP.HCM?
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, GRDP quý 1/2023 ước đạt khoảng 360.000 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Tính theo giá so sánh 2010 đạt gần 247.000 tỷ đồng - tăng 0,7% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng 0,29% của quý 1/2022).
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2023 tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước.
Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Hải Phòng là địa phương có tốc độ tăng GRDP quý 1/2023 cao nhất, đạt 9,65% và đứng vị trí thứ 3 trong 63 địa phương (sau Hậu Giang và Bình Thuận).
Đà Nẵng tăng 7,12%, đứng vị trí thứ 19/63 địa phương. GRDP của Hà Nội tăng 5,80%, đứng vị trí thứ 3 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và xếp thứ 32/63 địa phương.
Đứng vị trí thứ 4 là Cần Thơ với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 4,02%, xếp thứ 43/63 địa phương.
Bất ngờ nhất đối với doanh nghiệp, người dân và nhà đầu tư là con số tăng trưởng của TP.HCM. Thành phố lớn nhất với rất nhiều doanh nghiệp đầu tàu của cả nướcchỉ đạt mức tăng trưởng 0,7%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất so với 5 thành phố trực thuộc Trung ương và xếp hạng 56/63 địa phương của cả nước.
Bóc tách từng hạng mục trong con số cấu thành nên GRDP của TP.HCM có thể thấy, ít nhất có 5 lý do tạo ra bối cảnh đáng quan ngại của thành phố từng là đầu tàu tăng trưởng của cả nước.
Thứ nhất: “Gần một nửa” ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm
Theo số liệu Cục Thống kê TP.HCM công bố, quý 1/2023 có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu của TP.HCM có mức tăng trưởng âm. Đó là các ngành vận tải kho bãi giảm 0,63%; thông tin và truyền thông giảm 2,70%; kinh doanh bất động sản giảm 16,2%; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội giảm 4,82%.
4/9 ngành dịch vụ trọng yếu tại TP HCM có mức tăng trưởng âm trong quý 1/2023 |
5/9 ngành còn lại đều có mức tăng trưởng khá như: bán buôn, bán lẻ tăng 3,81%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,53%; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ tăng 6,68%; giáo dục và đào tạo tăng 7,01%. Riêng ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống có mức tăng cao nhất với 24,34% so với cùng kỳ.
Viện này nhận định con số tăng trưởng quý 1/2023 của TP.HCM không ngạc nhiên vì bối cảnh kinh tế quốc tế và khu vực tăng trưởng sẽ tiếp tục “bấp bênh”.
Trong quý này, bên cạnh những thách thức toàn cầu về đứt gãy chuỗi cung ứng xuất phát từ chiến sự Nga - Ukraine, lạm phát toàn cầu do chính sách tiền tệ của Mỹ và giá dầu tăng, trong tháng 3/2023 phát sinh sự kiện sự sụp đổ liên tiếp các ngân hàng lớn của Mỹ.
Mặt khác, việc áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, kiểm soát các hoạt động đầu cơ, phát hành trái phiếu thời gian qua cũng tạo ra khó khăn chung cho cả nước. Các thành phố lớn trên cả nước cũng sẽ có mức tăng trưởng thấp chứ không riêng gì TP.HCM.
Thứ hai: Công nghiệp có chuyển biến tích cực nhưng không thể “cứu” cục diện
Tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 3/2023 của TP.HCM có khởi sắc hơn so với hai tháng đầu năm nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn phải đối diện nhiều khó khăn khi thiếu đơn hàng sản xuất, công nhân thiếu việc làm, áp lực trả lãi vay ngân hàng.
Tính chung cả quý 1/2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp IIP trên địa bàn TP.HCM giảm 0,9% so với cùng kỳ. Bao gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,4%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 5,3%.
Trong 30 ngành công nghiệp cấp II của Thành phố, có 15 ngành có mức tăng so với cùng kỳ quý I/2022. Trong số đó có một số ngành tăng mạnh, như: Sản xuất đồ uống tăng 53,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 46,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 20,5%.
Ngược lại cũng có một số ngành giảm mạnh, như: Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác đạt (-25,3%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn đạt (-22,1%); sản xuất trang phục đạt (-21,9%); sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm (-20,4%); sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm (-19,4%)...
Riêng đối với bốn ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố, IIP trong ba tháng đầu năm 2023 tăng 8,2% so với cùng kỳ. Bao gồm: Ngành hóa dược tăng 22,9%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống tăng 18,5%, ngành cơ khí giảm 6,5%; ngành sản xuất hàng điện tử giảm 14,4%.
Đối với ba ngành công nghiệp truyền thống là dệt, da và may, IIP quý 1/2023 giảm 18,1%. Cụ thể: ngành dệt giảm 2,8%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 19,4%; sản xuất trang phục giảm 21,9%.
TP HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm là 7,5%. Tuy nhiên, trước con số tăng GRDP 0,70% trong quý 1/2023, thì mục tiêu mà TP HCM cần đạt được khá xa vời.
Với mức tăng trưởng này, đòi hỏi các quý 2 và 3 năm 2023, TP phải có mức tăng trưởng vượt bậc mới có thể đạt được mức tăng trưởng 7,5% cho cả năm. Tuy nhiên, theo dự báo, tình hình tăng trưởng quý 2 sẽ kém hơn quý 1. Như vậy, đòi hỏi quý 3, mức tăng trưởng GRDP phải đạt từ 15% trở lên.
Theo thông tin nghiên cứu của chuyên gia tại Viện Nghiên cứu khoa học và công nghệ ngân hàng: trong những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của TP được dẫn dắt bởi khu vực ngành công nghiệp - xây dựng. Đến cuối năm 2022, đầu năm 2023, tăng trưởng hai khu vực này giảm sút và dự báo quý 2/2023 có thể giảm mạnh hơn do các chính sách "siết chặt" tín dụng bất động sản, tài chính…
Hiện nay, dù ngân hàng có tín hiệu giảm lãi suất, nhưng không thể ngay lập tức tác động giảm khó khăn cho doanh nghiệp. Do vậy, động lực từ hai khu vực này trong tăng trưởng sẽ giảm. Trong khi đó, khu vực thương mại - dịch vụ ngày càng đóng góp nhiều cho tăng trưởng GRDP của TP.
Trong quý 1/2023, ngành này cũng tăng trưởng 2,07%. Mặt khác, cùng với xu hướng phát triển công nghệ số, nền tảng trực tuyến, các doanh nghiệp đang chuyển từ kinh doanh ở các mặt bằng truyền thống sang kinh doanh trực tuyến. TP có thể tận dụng xu hướng này để tạo sự tăng trưởng ở khu vực kinh doanh - dịch vụ, từ đó thúc đẩy tăng trưởng chung cho toàn nền kinh tế.