Động thái mới của 2 tuyến đường sắt có tiềm năng đột phá kết nối Việt Nam với siêu cường châu Á
Mới đây, Việt Nam - Trung Quốc đã ký 10 thỏa thuận hợp tác, trong đó đáng chú ý là văn kiện kết nối về đường sắt.
Sau cuộc hội đàm sáng ngày 13/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã chứng kiến lễ ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác song phương. Một trong số đó là biên bản làm việc giữa Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc về việc khảo sát hiện trường nghiên cứu tính khả thi dự án viện trợ lập Quy hoạch các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
Đây là 2 tuyến đường sắt có nhiều tiềm năng, mở ra nhiều cơ hội phát triển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng xuống cấp được đầu tư hiện đại hóa
Tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng đóng vai trò trọng yếu đối với hệ thống vận tải đường sắt quốc gia. Ga Đồng Đăng là ga liên vận quốc tế nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, là ga quan trọng kết nối với tuyến đường sắt liên vận quốc tế sang ga Bằng Tường (Trung Quốc), có diện tích khoảng 56.000m2 với 10 đường sắt đều là khổ lồng, có thể chạy được cả tàu khổ 1.000mm và 1.435mm.
Tuyến đường sắt này dài 167km với 21 ga trên toàn tuyến, tối đa có thể chạy 19 đôi tàu/ngày đêm, góp phần phát triển kinh tế, kết nối Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, hiện nay, tuyến đường sắt này ghi nhận những dấu hiệu xuống cấp, làm ảnh hưởng đến kế hoạch xuất nhập khẩu. Theo Lãnh đạo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, trong tháng 1/2022, xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Đồng Đăng đặt kế hoạch là 200 nghìn tấn nhưng thực tế chỉ đạt 80 nghìn tấn. Nguyên nhân là do hạn chế về năng lực đường ga và kho bãi tại các ga Liên vận quốc tế Đồng Đăng và Yên Viên.
Vì vậy, việc nâng cấp tuyến đường sắt này và ga Đồng Đăng là việc làm thiết thực. Cục Đường sắt Việt Nam đã kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng với chi phí hơn 2.230 tỷ đồng. Dự kiến kinh phí đầu tư được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2031.
Tuyến đường sắt này khi được cải tạo và nâng cấp sẽ không chỉ cải thiện độ an toàn trong vận hành mà còn nâng cao khả năng chuyên chở hàng hóa. Tuyến đường này sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tăng cường kết nối vận tải liên quốc gia giữa Việt Nam, Trung Quốc và châu Âu, thúc đẩy giao thương nhộn nhịp và góp phần hoàn thiện hệ thống vận tải quốc gia.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng giữ vai trò trọng yếu với hệ thống vận chuyển Việt Nam và quốc tế
Đây là tuyến đường sắt góp phần quan trọng vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các cặp cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Hiện nay, tuyến đường sắt từ thành phố Cảng Phòng Thành đến thành phố Đông Hưng (giáp biên giới với thành phố Móng Cái) đã được Trung Quốc hoàn thành. Vì vậy, tuyến đường sắt Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng hứa hẹn sẽ khoác áo mới cho thương mại biên giới tại cửa khẩu Móng Cái và Đông Hưng.
Tuyến đường sắt này tạo thành mạng lưới đường sắt khép kín kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc). Điều này sẽ giúp hiệu quả vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa Việt Nam - Trung Quốc và ASEAN sẽ được nâng cao.
Hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt từ Việt Nam sang Trung Quốc rất đa dạng như trái cây, nông sản, quặng,... Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng vận chuyển nguyên liệu sản xuất, hàng tiêu dùng, máy móc thiết bị,...
Vì vậy, với những tiềm năng mạnh mẽ, tuyến đường sắt này là một nhân tố thiết yếu trong việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Không chỉ đơn thuần là một tuyến vận tải, nó sẽ trở thành cầu nối chiến lược, kết nối hai nền kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa.
>>Siêu dự án đường sắt cao tốc hơn 67 tỷ USD sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm được bao nhiêu tiền?