Dự án đường Vành đai 2 chậm tiến độ, TP. HCM 'gánh' thêm hơn 800 tỷ đồng
Dự án Vành đai 2 TP. HCM, đoạn 3 được đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện, hoàn thành đến hết năm 2026 nhưng đến nay khối lương chỉ đạt 44% tổng khối lượng.
Dự án đường Vành đai 2 TP. HCM, đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - Quốc lộ 1, TP. Thủ Đức có tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng. Dự án này trước đó được dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2016-2023, theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Dự án Vành đai 2 được quy hoạch từ năm 2007 với tổng chiều dài hơn 64km chạy qua các quận 7, 8, 12, Bình Tân, huyện Hóc Môn, Bình Chánh và TP. Thủ Đức. Đây là dự án trọng điểm giúp giải tỏa áp lực giao thông khu vực nội thành TP. HCM.
>> Chủ tịch UBND TP. HCM sẽ làm trưởng Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm
Công trình khởi công từ năm 2017, nhưng tạm dừng từ tháng 6/2020 đến nay khi mới đạt 44% tổng khối lượng do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và chưa ký kết được phụ lục hợp đồng BT điều chỉnh. Hiện, dự án còn 3,84ha chưa thu hồi mặt bằng.
Vừa qua, CTCP Đầu tư Văn Phú Bắc Ái - nhà đầu tư dự án đã có văn bản gửi UBND TP. HCM cam kết hoàn thành dự án 2,7km đường Vành đai 2 TP. HCM tối đa trong 24 tháng kể từ ngày được bàn giao toàn bộ mặt bằng.
Trong hơn 6 năm qua, nhà đầu tư đã chi hơn 1.474 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay) để ứng cho công tác giải phóng mặt bằng, thi công một phần dự án.
Với số tiền 1.474 tỷ đồng, giá trị lãi vay ước tính mà UBND TP. HCM phải chịu đến thời điểm ngày 22/12/2023 là 813,7 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng khoảng 14,9 tỷ đồng.
Do dự án chậm tiến độ, nên đã đến hạn thanh toán trả gốc và lãi suất định kỳ với ngân hàng (kỳ đầu tiên vào tháng 2/2020) và tiếp tục phải trả lãi và gốc đến thời điểm hiện tại.
Hiện, tài chính của Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú Bắc Ái đã bị vỡ do chưa có nguồn thu để trả gốc và lãi. Nếu tình trạng này tiếp diễn tới kỳ trả nợ tiếp theo mà không được thanh toán, thì doanh nghiệp dự án không thể trả nợ hoặc cơ cấu lại các khoản vay.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cũng vừa có kiến nghị UBND TP. HCM phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, trong đó điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2016 đến hết năm 2026. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất điều chỉnh tiến độ dự án giải phóng mặt bằng đến ngày 30/6/2024.
>> 'Cận cảnh' cầu vượt bằng thép lớn nhất Việt Nam của 'ông lớn' ngành địa ốc