Được mệnh danh là 'mảnh đất trăm nghề', tỉnh này sẽ trở thành trung tâm kinh tế vùng Nam đồng bằng Sông Hồng nhờ dự án cao tốc gần 20.000 tỷ

07-03-2024 23:08|Quốc Chiến

Việc hoàn thành cao tốc gần 20.000 tỷ đồng này sẽ giúp địa phương thoát khỏi tình trạng là vùng trũng về hạ tầng giao thông.

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Nam Định năm 2024 được tổ chức mới đây, ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, Nam Định được quy hoạch đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trung tâm phát triển quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 9,5%/năm.

>> Tỉnh có quy mô kinh tế cao nhất khu vực miền Trung đón thêm sân golf quy mô 'siêu khủng’

Bên cạnh đó, kinh tế - xã hội của tỉnh được tổ chức phát triển theo mô hình 3 vùng động lực, 4 cực tăng trưởng, 5 hành lang kinh tế với định hướng phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, kinh tế biển, ven biển…

Cụ thể, ba vùng động lực là: Vùng đô thị thành phố Nam Định mở rộng; vùng nông nghiệp - nông thôn; vùng kinh tế biển.

Bốn cực tăng trưởng gồm: Đô thị trung tâm thành phố Nam Định; Trung tâm đô thị Cao Bồ, huyện Ý Yên; Trung tâm đô thị Thịnh Long - Rạng Đông; Trung tâm đô thị huyện Giao Thủy.

Năm hành lang kinh tế gồm: Hành lang Quốc lộ 10; Hành lang cao tốc Bắc Nam; Hành lang đường bộ ven biển; Hành lang đường bộ mới thành phố Nam Định - Lạc Quần - Giao Thủy; Hành lang cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Hải Phòng.

nam-dinh
Tỉnh Nam Định

Tầm nhìn đến năm 2050, Nam Định trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng, có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng..

Cũng tại buổi công bố quy hoạch, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, với việc đầu tư tuyến đường hành lang ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình - Hà Nam, tuyến cao tốc Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình, kết nối với cao tốc Bắc - Nam, Nam Định sẽ thoát khỏi tình trạng là vùng trũng về hạ tầng giao thông.

Từ đó, thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực mạnh mẽ, nâng cao sức cạnh tranh, mở ra không gian, tiềm năng phát triển mới.

Được biết, dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình có điểm đầu tại đầu cầu vượt sông Đáy phía Nam Định, thuộc xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng; điểm cuối tại nút giao giữa quốc lộ 37 mới và đường ven biển, thuộc xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Tổng mức đầu tư bao gồm cả lãi vay là 19.784 tỷ đồng, không bao gồm lãi vay là 18.927 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư thu xếp 10.447 tỷ đồng (chiếm 52%); vốn Nhà nước tham gia là 9.337 tỷ đồng (47%), gồm ngân sách Trung ương 6.200 tỷ đồng; ngân sách địa phương tỉnh Thái Bình 1.462 tỷ đồng và tỉnh Nam Định 1.675 tỷ đồng.

Điểm đầu dự án tại km19+300 thuộc đầu cầu vượt sông Đáy phía Nam Định, xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Điểm cuối tại km80+200 nút giao giữa quốc lộ 37 mới và đường ven biển, xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định và Thái Bình quy mô đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, nền đường rộng 24,75m, vận tốc thiết kế 120km/h.

Dự án này dự kiến đầu tư theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 - 2027.

Tỉnh Nam Định được biết đến là "mảnh đất trăm nghề". Nơi đây đã và đang tồn tại phát triển hàng trăm làng nghề từ xa xưa từng nổi tiếng khắp vùng Sơn Nam Hạ.

Theo số liệu của Sở Công Thương, toàn tỉnh có 124 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; trong đó có 17 làng nghề truyền thống có lịch sử hình thành, phát triển hàng trăm năm, tập trung tại các vùng đất cổ lưu giữ nhiều di sản văn hóa.

Tiêu biểu như các làng nghề: đúc đồng Tống Xá, chạm khắc gỗ La Xuyên, sơn mài Cát Đằng (Ý Yên); mây tre đan Vĩnh Hào (Vụ Bản); cây cảnh Vị Khê, múa rối nước Bàn Thạch, làm khăn xếp Giáp Nhất (Nam Trực); ươm tơ Cổ Chất, dệt vải Cự Trữ (Trực Ninh); làm muối Văn Lý, làm kèn đồng Phạm Pháo (Hải Hậu); nước nắm Sa Châu, muối Bạch Long (Giao Thủy)…

>> Cập nhật thông tin mới nhất 'siêu' tuyến đường sắt nối liền 10 tỉnh thành miền Bắc

Tuyến đường huyết mạch kết nối các tỉnh miền Đông chuẩn bị được tăng gấp đôi làn xe

Tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam sắp vận hành đoàn tàu lửa du lịch

Đầu tư 5 hầm đi bộ qua tuyến đường nhộn nhịp nhất Vũng Tàu

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/duoc-menh-danh-la-manh-dat-tram-nghe-tinh-nay-se-tro-thanh-trung-tam-kinh-te-vung-nam-dong-bang-song-hong-nho-du-an-cao-toc-gan-20000-ty-d117516.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Được mệnh danh là 'mảnh đất trăm nghề', tỉnh này sẽ trở thành trung tâm kinh tế vùng Nam đồng bằng Sông Hồng nhờ dự án cao tốc gần 20.000 tỷ
POWERED BY ONECMS & INTECH