Doanh nghiệp A-Z

Hội kiến lãnh đạo Trung Quốc, Thủ tướng đề xuất đẩy nhanh tiến độ khởi công tuyến đường sắt 8 tỷ USD

Ánh Nguyệt 15/04/2025 - 09:25

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dự kiến khởi công ngay trong năm 2025, kỳ vọng mở ra cơ hội lớn cho các nhà thầu và doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng nội địa.

Hợp tác đường sắt Việt Nam - Trung Quốc

Vào chiều ngày 14/4/2025, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội kiến với đồng chí Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả trên các lĩnh vực, trong đó đặc biệt ưu tiên phát triển kết nối hạ tầng, nhất là đường sắt. Cụ thể, người đứng đầu Chính phủ đề xuất sớm ký kết Hiệp định vay vốn ODA để khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ngay trong năm 2025. Sau đó là các tuyến quan trọng khác như Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.

Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, có tổng chiều dài gần 391km (chưa kể tuyến nhánh dài 27,9km), sẽ đi qua 9 tỉnh, thành gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Điểm đầu là vị trí nối ray tại biên giới Lào Cai, kết nối trực tiếp với Trung Quốc, điểm cuối là ga Lạch Huyện (Hải Phòng).

Tuyến đường được đầu tư mới theo tiêu chuẩn khổ 1.435mm, là tuyến đường đơn, vận chuyển kết hợp hành khách và hàng hóa. Tốc độ thiết kế đạt 160km/h cho đoạn chính từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng, 120km/h tại các nút giao ở Hà Nội và 80km/h cho các đoạn còn lại.

Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 203.231 tỷ đồng (tương đương 8,37 tỷ USD), huy động từ nguồn ngân sách Nhà nước (Trung ương và địa phương), vốn trong nước, vốn nước ngoài (vay Chính phủ Trung Quốc) và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Việc triển khai tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng không chỉ có ý nghĩa chiến lược trong kết nối hạ tầng giao thông, mà còn tạo nền tảng để phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây, nối liền vùng Tây Bắc với đồng bằng sông Hồng và cảng biển Hải Phòng. Đáng chú ý, tuyến đường này sẽ kết nối trực tiếp với mạng lưới đường sắt Trung Quốc, đặc biệt là khu vực Tây Nam – nơi có hơn 500 triệu dân và tốc độ phát triển kinh tế cao, tạo đòn bẩy quan trọng cho thương mại và hợp tác song phương.

Hội kiến lãnh đạo Trung Quốc, Thủ tướng đề xuất đẩy nhanh tiến độ khởi công tuyến đường sắt 8 tỷ USD
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Nhật Bắc)

Doanh nghiệp Việt sẵn sàng tham gia ngành công nghiệp đường sắt

Với tổng vốn đầu tư lên tới 203.000 tỷ đồng, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho các nhà thầu, doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng trong nước tham gia, qua đó góp phần đặt nền móng cho việc triển khai đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng mức đầu tư lên đến 67 tỷ USD.

Tại Hội thảo “Doanh nghiệp Việt với chương trình phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam” diễn ra vào tháng 3 vừa qua, nhiều doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực xây lắp, viễn thông, thép và công nghiệp ô tô như Viettel, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG), Tập đoàn Trường Hải (THACO), Công ty Trung Chính… đồng loạt khẳng định đã sẵn sàng về nguồn lực để tham gia vào thị trường công nghiệp đường sắt. Tuy nhiên, các đơn vị cũng nhấn mạnh rằng cần có những cơ chế, chính sách cụ thể và thuận lợi từ phía Nhà nước, đặc biệt liên quan đến thuế, ưu đãi tín dụng và hình thức lựa chọn nhà thầu.

Ông Đỗ Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FECON (HoSE: FCN), cho biết từ năm 2014, doanh nghiệp này đã cử các chuyên gia, kỹ sư ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực đường sắt đô thị. Từ kinh nghiệm thực tiễn, ông Cường khẳng định doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ và đảm nhiệm thi công các hạng mục hạ tầng hiện đại như nền, móng và toàn bộ kết cấu dưới ray. Để hiện thực hóa điều này, lãnh đạo FECON đề xuất Nhà nước cần ban hành bộ tiêu chí rõ ràng cho việc lựa chọn doanh nghiệp, đồng thời có chính sách hỗ trợ tín dụng nhằm giúp các doanh nghiệp nội địa dễ dàng tiếp cận và làm chủ công nghệ tiên tiến.

Hội kiến lãnh đạo Trung Quốc, Thủ tướng đề xuất đẩy nhanh tiến độ khởi công tuyến đường sắt 8 tỷ USD
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (Ảnh minh họa)

Về sản xuất đầu máy và toa xe, ông Phạm Trường Tùng, Giám đốc cao cấp kỹ thuật công nghệ của CTCP Công nghiệp THACO khẳng định doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia nếu có sự hỗ trợ từ chính sách. Ông Tùng đề xuất miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện chưa thể sản xuất trong nước, đồng thời áp dụng ưu đãi đầu tư theo các dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

Ở lĩnh vực thông tin tín hiệu đường sắt, ông Lê Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Viettel Solutions (thuộc Tập đoàn Viettel) tự tin khẳng định: “Viettel sẵn sàng làm chủ công nghệ này”. Ông Hiếu đề xuất Nhà nước cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho các đơn vị trong nước tiếp cận chuyển giao công nghệ thông qua hợp tác với đối tác quốc tế.

Trong khi đó, Hòa Phát cũng sẽ bắt tay khởi công xây dựng nhà máy sản xuất ray đường sắt và thép đặc biệt ngay trong tháng 4 này với mục tiêu cung cấp sản phẩm phục vụ cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.

>> Tập đoàn Trung Quốc 'bắt tay' Việt Nam tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đường sắt tốc độ cao quy mô gần 100 tỷ USD

Di dời gần 1.000 hộ dân tại một tỉnh để chuẩn bị khởi công tuyến đường sắt hơn 200.000 tỷ đồng kết nối với Trung Quốc

Rút khỏi cuộc chơi thép giá rẻ, Hòa Phát (HPG) bắt tay sản xuất ray đường sắt tốc độ cao

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hoi-kien-lanh-dao-trung-quoc-thu-tuong-de-xuat-day-nhanh-tien-do-khoi-cong-tuyen-duong-sat-8-ty-usd-286720.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hội kiến lãnh đạo Trung Quốc, Thủ tướng đề xuất đẩy nhanh tiến độ khởi công tuyến đường sắt 8 tỷ USD
    POWERED BY ONECMS & INTECH