Vĩ mô

'Kho báu' trữ lượng lớn thứ 2 thế giới của Việt Nam được nhiều ông lớn ‘gõ cửa’, Mỹ đặc biệt quan tâm

Phúc Lam 07/02/2025 - 13:57

Theo ước tính của Tổ chức nghiên cứu địa chất Geological Survey của Mỹ, toàn cầu hiện có khoảng 120 triệu tấn đất hiếm. Trung Quốc dẫn đầu với 44 triệu tấn, trong khi Việt Nam đứng thứ hai với 22 triệu tấn.

Theo quyết định số 866/QĐ-TTg được phê duyệt vào tháng 7/2023 về “quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050",Việt Nam dự kiến khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai mỗi năm. Trong đó, hai mỏ được tập trung đầu tư để khai thác là Yên Phú (Yên Bái) và Đông Pao (Lai Châu).

Đất hiếm tại Việt Nam đã nhận được nhiều sự quan tâm từ các ông lớn trên thế giới. Điển hình như Mỹ, tháng 9/2023, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Joe Biden, hai nước đã ký biên bản ghi nhớ về hỗ trợ xác định trữ lượng đất hiếm của Việt Nam.

Tháng 10/2023, trong chuyến sang thăm, làm việc tại Việt Nam của Nhà kinh tế trưởng thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Emily Blanchard, bà khẳng định, Mỹ sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong lĩnh vực khai thác đất hiếm.

Bà Blanchard cho biết: “Hỗ trợ kỹ thuật ở đây có thể và thường bao gồm việc hỗ trợ tổ chức đấu thầu để tạo ra sự quan tâm lớn nhất từ các doanh nghiệp đối tác nước ngoài tiềm năng. Nếu Việt Nam quyết định đề nghị hỗ trợ từ chúng tôi trong việc phát triển đấu thầu, chúng tôi sẽ vui lòng cung cấp sự hỗ trợ ấy”.

Sau đó không lâu, tháng 11/2023, bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM chia sẻ tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 sau Trung Quốc và chưa được khai thác. Vì vậy, Mỹ sẽ cùng Việt Nam thực hiện đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thu hút đầu tư Hoa Kỳ để khai thác.

'Kho báu' trữ lượng lớn thứ 2 thế giới của Việt Nam được nhiều ông lớn ‘gõ cửa’, Mỹ đặc biệt quan tâm
Ảnh minh họa - Nguồn: VnEconomy

Trong năm 2024, hai nhà đầu tư đến từ Mỹ và Hàn Quốc là Zoetic Global và Trident Global Holdings đã công bố hợp tác chiến lược cùng Tập đoàn Hưng Hải của Việt Nam nhằm khai thác và phát triển các mỏ đất hiếm.

Cụ thể, Trident Global Holdings là tập đoàn có trụ sở tại Hàn Quốc chuyên hoạt động trong lĩnh vực khai thác mỏ, bất động sản và công nghệ thu giữ carbon. Nhận thấy tiềm năng trong việc phát triển ngành công nghiệp đất hiếm tại Việt Nam, vào tháng 5/2024, doanh nghiệp này đã hợp tác cùng Tập đoàn Hưng Hải để có quyền tiếp cận 3 mỏ đất hiếm tại tỉnh Lai Châu.

Đến tháng 8/2024, liên minh giữa Tập đoàn Hưng Hải và Trident Global Holdings có thêm một đối tác là Zoetic Global – một doanh nghiệp tại Mỹ chuyên cung cấp các giải pháp về năng lượng tái tạo.

Ngoài Mỹ, Trung Quốc cũng nhiều lần thể hiện sự quan tâm đến đất hiếm tại Việt Nam. Cụ thể, tháng 4/2024, Công ty Nhà nước Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc (CREG), một trong những công ty đất hiếm lớn nhất thế giới, hiện đang nắm giữ 37,6% hoạt động khai thác đất hiếm của Trung Quốc đã ngỏ lời để được hợp tác khai thác, chế biến đất hiếm tại Việt Nam.

Đây không phải lần đầu tiên Tập đoàn Trung Quốc này mở lời đầu tư vào đất hiếm tại Việt Nam. Vào ngày 23/11/2023, CREG cũng đã bày tỏ mong muốn hợp tác trong buổi làm việc giữa Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc.

Bên cạnh đó, tại buổi làm việc tại Việt Nam vào tháng 11/2023, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết, quốc gia này mong muốn hợp tác với Việt Nam trong việc khảo sát, khai thác, chế biến đất hiếm và phát triển các ngành công nghiệp liên quan.

Hàn Quốc cũng dành sự quan tâm đến đất hiếm tại Việt Nam khi vào tháng 7/2024, Thủ tướng đã tiếp 6 doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc đang làm ăn tại Việt Nam. Trong đó, Tập đoàn Posco – 1 trong top 5 doanh nghiệp kinh doanh tại Hàn Quốc với doanh thu năm 2023 đạt 59 tỷ USD đã bày tỏ sự quan tâm đến lĩnh vực năng lượng sạch, nhiệt điện khí và ngỏ ý mong muốn tham gia khai thác, chế biến đất hiếm tại Việt Nam.

Dù đất hiếm có giá trị cao, việc khai thác chúng không phải là điều dễ dàng. Quá trình này không chỉ tốn kém mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Vì vậy, để tối ưu hóa việc khai thác đất hiếm và không lãng phí tài nguyên quý giá này, các cơ quan quản lý cần thiết lập những chính sách và giải pháp thuận lợi, khuyến khích sự hợp tác giữa chủ mỏ và các cơ quan nghiên cứu. Điều quan trọng là tạo điều kiện cho các nghiên cứu viên tiến hành thử nghiệm trên các mẫu mỏ đất hiếm đã được khảo sát, sử dụng nguồn vốn ngân sách để hỗ trợ.

Hơn nữa, việc khai thác đất hiếm phải đi kèm với trách nhiệm bảo vệ môi trường. Do đó, cần đầu tư vào các thiết bị nghiên cứu tiên tiến và hiện đại, không chỉ để đáp ứng nhu cầu khai thác và chế biến hiệu quả mà còn để đảm bảo xử lý môi trường một cách tối ưu, bảo vệ tài nguyên và sức khỏe cộng đồng.

>>Việt Nam vào top 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á năm 2025

Tại sao Việt Nam chưa thể làm chủ công nghệ chế biến sâu đất hiếm – ‘quân cờ chiến lược’ mà quốc gia nào cũng thèm khát?

Đất hiếm - ‘quân cờ chiến lược’ của các cường quốc nhưng đang bị lãng quên ở Việt Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/kho-bau-tru-luong-lon-thu-2-the-gioi-cua-viet-nam-duoc-nhieu-ong-lon-go-cua-my-dac-biet-quan-tam-275060.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Kho báu' trữ lượng lớn thứ 2 thế giới của Việt Nam được nhiều ông lớn ‘gõ cửa’, Mỹ đặc biệt quan tâm
    POWERED BY ONECMS & INTECH