Quốc tế

Kinh tế Thái Lan đối mặt với nguy cơ suy thoái trong dài hạn

PV 23/02/2024 - 15:17

Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) nhận định lĩnh vực xuất khẩu của nước này đang mất dần khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, điển hình như thị phần xuất khẩu gạo giảm hơn một nửa trong 20 năm qua.

Kinh tế Thái Lan đối mặt với nguy cơ suy thoái trong dài hạn

Trong báo cáo mới, BoT nhấn mạnh những trở ngại trong lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất đang có tác động rõ rệt hơn đến nền kinh tế Thái Lan.

Báo cáo lưu ý 70% các sản phẩm làm giảm tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu trong năm 2023 bị đánh giá là giảm khả năng cạnh tranh và phải đối mặt với những khó khăn về cơ cấu. Trước đó, ngày 7/2, Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC) của Ngân hàng Thái Lan đã họp đánh giá các sản phẩm nông nghiệp giảm thị phần xuất khẩu, có thể kể đến như gạo từ mức 25% vào năm 2003 xuống còn 13%.

Bên cạnh đó, các sản phẩm hóa dầu và ổ đĩa cứng cũng là những mặt hàng xuất khẩu gặp nhiều thách thức. Tăng trưởng xuất khẩu điện tử của Thái Lan chỉ đạt trung bình 4% trong thập kỷ qua, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Việt Nam, Philippines và Malaysia, với mức tăng trưởng xuất khẩu lần lượt là 37%, 14% và 10%. Trong khi đó, sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước cũng đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn từ hàng nhập khẩu. Riêng tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng từ 5% lên 9% trong cùng kỳ.

BoT dự báo hoạt động xuất khẩu và sản xuất sẽ tăng trưởng với tốc độ vừa phải, cùng với tốc độ phục hồi chậm về nhu cầu toàn cầu. Tuy nhiên, một số trở ngại, đặc biệt là khả năng cạnh tranh suy giảm trong lĩnh vực xuất khẩu, sẽ tiếp tục cản trở tăng trưởng và hạn chế lợi ích lan tỏa từ sự phục hồi nhu cầu toàn cầu nếu không có cải cách về cơ cấu.

Trong diễn biến liên quan, ngày 22/2, Thứ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Napintorn Srisunpang cho rằng nước này cần đa dạng hóa xuất khẩu nông sản, giảm phụ thuộc quá nhiều vào một số mặt hàng và một số thị trường xuất khẩu nhất định.

Ông Napintorn dẫn các dữ liệu chỉ ra 5 sản phẩm nông nghiệp hàng đầu chiếm hơn 87% kim ngạch xuất khẩu nông sản trong khi có tới 42% nông sản xuất khẩu của Thái Lan được đưa sang thị trường Trung Quốc. Do đó, Thái Lan nên đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu nông sản để giúp giảm thiểu rủi ro do phụ thuộc quá nhiều vào một số ít sản phẩm và thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan chỉ ra cần phải mở rộng sản lượng nông nghiệp thông qua nghiên cứu và đổi mới công nghệ, cần được cơ cấu lại xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp để đảm bảo đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đồng thời giữ lại các thị trường hiện có như Mỹ, Trung Quốc, các nước ASEAN.

Xuất khẩu nông sản của Thái Lan đạt tổng trị giá 49,2 tỷ USD trong năm 2023, chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu với tổng giá trị là 284,5 tỷ USD. Theo số liệu của Bộ Thương mại Thái Lan, trong tất cả hàng hóa xuất khẩu, nông sản chưa qua chế biến chiếm tỷ lệ 9,4% và nông sản qua chế biến chiếm 7,9%.

Ông Napintorn lưu ý rằng ngành nông nghiệp chỉ chiếm 9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước trong khi nông dân chiếm 46% dân số. Trung Quốc là nước nhập khẩu nông sản Thái Lan lớn nhất trong năm 2023, với tổng giá trị 11,2 tỷ USD, chiếm 42% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản từ Thái Lan. Tiếp theo là Nhật Bản 3,2 tỷ USD (12%), Mỹ 1,5 tỷ USD (5,6%), Malaysia 1,1 tỷ USD (4,4%) và Indonesia 940,1 triệu USD (3,5%).

>> Thái Lan: Tăng trưởng GDP giảm mạnh trong năm 2023, áp lực cắt giảm lãi suất chồng chất

Tập đoàn bất động sản bán lẻ lớn nhất Thái Lan 'đổ bộ' vào Việt Nam

Lộ liên danh nhà đầu tư muốn làm đường nối cảng biển Việt Nam qua Lào tới Thái Lan

400 nghìn đồng mỗi quả, bưởi ruby Thái Lan vẫn ‘cháy hàng’

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/kinh-te-thai-lan-doi-mat-voi-nguy-co-suy-thoai-trong-dai-han-post143852.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Kinh tế Thái Lan đối mặt với nguy cơ suy thoái trong dài hạn
POWERED BY ONECMS & INTECH