Nếu phải lái xe đi chúc Tết, du xuân, bạn cần chú ý những điều sau để có hành trình hanh thông, thuận lợi và tránh bị CSGT “tuýt còi” ngay những ngày đầu tiên của năm mới.
Theo quan niệm, những ngày đầu xuân năm mới nếu không may xảy ra va chạm hoặc bị CSGT phạt lỗi sẽ “dông” cả năm. Chưa cần biết điều này có đúng hay không nhưng rõ ràng khi bị xử phạt sẽ vừa mất thời gian, tiền bạc và thậm chí còn có thể bị tạm giữ xe, tước bằng lái,... khiến hành trình đi chơi Tết, du xuân bớt vui phần nào.
Dưới đây là một số lỗi thường gặp khi lái xe trong những ngày đầu năm mới, tài xế cần chú ý để tránh bị phạt:
1. Sử dụng rượu bia khi lái xe
>> Đấu giá biển số chiều 1/2: Biển "phát lộc" của Hà Nội giá cao nhất 755 triệu
Dịp đầu xuân năm mới, mọi người thường chúc nhau chén rượu, ly bia khi đến nhà nhau chúc Tết hoặc trong mỗi bữa cơm đoàn tụ. Thế nhưng, nếu sau đó bạn phải lái xe thì nên nói ‘không’ với bia rượu, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân, lại vừa tránh bị CSGT phạt nặng.
Theo điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, chỉnh sửa bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn dù ở mức nhỏ nhất cũng có thể bị phạt từ 6-40 triệu đồng, tước GPLX đến 24 tháng và vi phạm với bất cứ mức độ nào thì bạn cũng bị tạm giữ phương tiện ngay lập tức.
Rõ ràng, đầu xuân năm mới mà đã bị giữ ô tô, tước bằng lái và bị phạt đến vài chục triệu đồng là điều không ai mong muốn. Do vậy, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định nâng chén rượu, cốc bia.
2. Vượt đèn đỏ
Với tâm lý trong những ngày Tết là ít CSGT ứng trực nên nhiều lái xe “nhìn trước ngó sau” rồi vượt đèn đỏ. Đây là hành vi rất “xấu xí”, tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn tới tai nạn giao thông. Đồng thời, vượt đèn đỏ cũng có thể bị xử lý rất nặng.
Cụ thể, với hành vi điều khiển ô tô “Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng. Đồng thời tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng theo Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
3. Chạy quá tốc độ
Ngày Tết đường vắng khiến nhiều người "mát ga" hơn. Khi lái xe quá nhanh, bạn khó có thể xử lý trong những tình huống đột xuất, đồng thời làm tăng nguy cơ gặp tai nạn giao thông. Chạy quá tốc độ cũng là lỗi khá phổ biến hiện nay và thường xuyên bị lực lượng CSGT xử lý.
Theo Điều 5 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, chỉnh sửa bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì lỗi vượt quá tốc độ đối với ô tô tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị phạt từ 800 nghìn đồng đến 12 triệu đồng, ngoài ra có thể bị tước GPLX đến 4 tháng.
4. Không thắt dây an toàn
Dây an toàn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo tính mạng của tài xế cũng như đối với tất cả người ngồi trên xe trong những tình huống phanh gấp, va chạm,...
Theo khoản 3, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi "Không thắt dây an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường; chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy", sẽ bị phạt tiền từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng.
Ngoài ra, chính hành khách khi ngồi trên xe đang chạy không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) cũng bị phạt tiền từ 300-500 nghìn đồng với mỗi người theo khoản 5 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
5. Sử dụng điện thoại khi lái xe
Khi lái xe, nếu sử dụng điện thoại bằng tay sẽ làm phân tán khả năng tập trung, gây mất an toàn giao thông. Trên thực tế, nhiều trường hợp tai nạn giao thông xảy ra do lái xe mải nhìn, nghe điện thoại.
Nếu CSGT phát hiện bạn đang dùng tay sử dụng điện thoại khi lái xe, có thể bạn sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng theo khoản 4, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
6. Đi sai làn đường, phần đường
Lỗi “đi sai làn” - chẳng hạn như bạn điều khiển xe ô tô con nhưng lại đi vào làn đường dành riêng cho xe máy, có thể bị phạt tiền 4-6 triệu đồng theo khoản 5, điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, chỉnh sửa bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Còn với lỗi “không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo, vạch kẻ đường" - chẳng hạn như bạn đi thẳng ở làn đường có mũi tên rẽ phải, sẽ bị phạt từ 300-400 nghìn đồng.
7. Dừng đỗ xe không đúng quy định
Khi đi chúc Tết hay đi du xuân, việc phải dừng đỗ xe trong hành lang đường bộ là điều bình thường. Tuy nhiên, bạn nên dừng đỗ, nghỉ ngơi ở những nơi được phép, vừa để đảm bảo an toàn cho ô tô của mình và các phương tiện khác, vừa tránh bị xử phạt.
Điều 18 Luật Giao thông đường bộ quy định rõ, người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:
- Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;
- Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;
- Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;
- Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;
- Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;
- Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái;
- Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, chỉnh sửa bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, hành vi dừng đỗ xe không đúng quy định tuỳ trường hợp có thể bị phạt tiền từ 300 nghìn đến 3 triệu đồng, có thể bị tước GPLX đến 3 tháng.
Ngoài việc tuân thủ Luật Giao thông đường bộ thì dù hành trình ngắn hay dài, việc đảm bảo tình trạng kỹ thuật và kiểm tra xe trước khi khởi hành là rất quan trọng.
Các chuyên gia cho rằng, chỉ mất khoảng 1 phút “soi” quanh xe ô tô là bạn có thể có một chuyến đi an toàn hơn. Các bộ phận có thể kiểm tra bằng mắt thường như: Lốp xe có non hơi hay có gì bất thường không; nước làm mát còn đủ không; hệ thống đèn, còi còn hoạt động tốt không;…
Một việc cực kỳ quan trọng nữa trước khi khởi hành là bạn luôn phải đảm bảo mang đầy đủ ít nhất 4 loại giấy tờ theo quy định bao gồm: Giấy đăng ký xe, bằng lái xe, giấy đăng kiểm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc. Nếu không mang theo các giấy tờ trên, bạn cũng có thể bị CSGT xử phạt.
Việc đi đến nơi về đến chốn và tuân thủ tuyệt đối Luật Giao thông đường bộ ngay từ những ngày đầu tiên không chỉ giúp chúng ta có một cái Tết an toàn mà còn là cách khởi đầu thuận lợi cho một năm mới.
Hoàng Hiệp
Mời bạn đọc gửi bài cộng tác về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
>> Hyundai Tucson, Toyota Innova Cross "khan hàng" dịp đầu xuân
Ô tô liên tiếp hỏng lốp trên cao tốc, Cục CSGT đưa ra khuyến cáo
Xử nghiêm xe giường nằm ngang nhiên dừng đón khách giữa quốc lộ 26