Vĩ mô

Mục tiêu tăng trưởng 8%: Rủi ro lạm phát và tỷ giá có thể kiểm soát?

Trường Thanh 12/02/2025 - 19:48

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% trong năm 2025, một con số đầy tham vọng giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động. Liệu nền kinh tế có đang đánh đổi sự ổn định vĩ mô để chạy theo tăng trưởng?

Tăng trưởng GDP 8%: Cơ hội lớn nhưng đầy thách thức

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 là một tham vọng lớn trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, lãi suất toàn cầu ở vẫn mức cao kỷ lục và căng thẳng địa chính trị kéo dài. Sự bất ổn trên thị trường quốc tế, cùng với các biến động nội tại của nền kinh tế, đang đặt ra những thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhưng không làm mất đi sự ổn định vĩ mô.

Theo báo cáo chiến lược tháng 2 từ AFA Capital, để đạt mục tiêu này, Việt Nam sẽ cần phải huy động một lượng vốn khổng lồ, trong đó giải ngân 36 tỷ USD vốn đầu tư công đóng vai trò trọng tâm. Cùng với đó, tín dụng dự kiến tăng trưởng 16%, tạo động lực thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng, công nghiệp chế biến - chế tạo và dịch vụ, nhưng cũng có thể kéo theo những hệ lụy về lạm phát và tỷ giá nếu không được kiểm soát tốt.

Mục tiêu tăng trưởng 8%: Rủi ro lạm phát và tỷ giá có thể kiểm soát?
Dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2025 của AFA Capital. Nguồn: AFA Capital.

Nhóm ngành công nghiệp - xây dựng, một trụ cột chính trong nền kinh tế, được kỳ vọng tăng trưởng 9,5% nhờ sự bùng nổ của các dự án đầu tư công và phát triển hạ tầng. Trong đó, ngành chế biến chế tạo đóng vai trò đầu tàu, với mức tăng trưởng dự kiến 9,7%, được thúc đẩy bởi sự phục hồi của xuất khẩu và các đơn hàng sản xuất quay trở lại sau khi chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định hơn.

Tuy nhiên, việc nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, kết hợp với chính sách tài khóa mở rộng, có thể làm tăng cung tiền trong nền kinh tế, tạo áp lực lạm phát và mất ổn định tỷ giá. Khi tín dụng được đẩy lên mức 16% và lãi suất giảm, nguồn vốn rẻ sẽ chảy mạnh vào nền kinh tế, thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư, nhưng cũng có thể làm tăng tổng cầu vượt quá khả năng cung ứng, từ đó gây ra rủi ro lạm phát.

Nếu đầu tư công được tài trợ chủ yếu bằng vay nợ trong nước, lượng tiền lưu thông trong hệ thống ngân hàng cũng có thể bị ảnh hưởng, làm gia tăng áp lực lên thanh khoản hệ thống và thị trường liên ngân hàng. Ngoài ra vốn đầu tư không được phân bổ hợp lý vào các dự án có hiệu quả cao, nền kinh tế có thể đối mặt với rủi ro tăng trưởng không bền vững, gia tăng nợ công và lãng phí nguồn lực.

Ở chiều ngược lại, tiêu dùng nội địa vẫn là một động lực quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với các gói kích cầu từ Chính phủ, lĩnh vực dịch vụ được dự báo đạt mức tăng trưởng 8,1%, phản ánh sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Lạm phát: Nguy cơ tăng mạnh nếu không kiểm soát tốt

Theo mục tiêu của Chính phủ và dự báo từ AFA Capital, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2025 có thể dao động từ mức 4,5% - 5%, cao hơn mức trung bình của các năm trước và mục tiêu 4 - 4,5% của năm 2024. Số liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2025 đã có dấu hiệu nhích lên, phản ánh xu hướng tăng giá trong các nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, dịch vụ y tế, giáo dục và giao thông vận tải.

Mục tiêu tăng trưởng 8%: Rủi ro lạm phát và tỷ giá có thể kiểm soát?
Lạm phát tháng 01/2025 nhích nhẹ. Nguồn: Tổng cục Thống kê (GSO), Trading Economics, AFA Capital.

Việc tăng trưởng tín dụng lên 16% là một con số đáng kể, giúp thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu dòng vốn không được phân bổ hợp lý. Nếu phần lớn tín dụng chảy vào các kênh đầu cơ như bất động sản và chứng khoán thay vì sản xuất, chế biến hay kinh doanh thực tế, nguy cơ bong bóng tài sản có thể xảy ra, làm méo mó thị trường và gây mất cân đối trong hệ thống tài chính.

Cùng với đó, khi cung tiền tăng nhanh trong thời gian ngắn, giá cả hàng hóa có thể bị đẩy lên cao, đặc biệt là nhóm thực phẩm, y tế, giáo dục và vận tải. Điều này không chỉ tạo áp lực lớn lên chi tiêu của người dân và doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến sức mua, làm suy giảm chất lượng tăng trưởng nếu lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát.

Áp lực tỷ giá: Đồng VND có thể tiếp tục mất giá

Tỷ giá USD/VND đã có dấu hiệu tăng trở lại trong tháng 2/2025, phản ánh áp lực mất giá của đồng nội tệ đang gia tăng. Có ba nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng này.

Mục tiêu tăng trưởng 8%: Rủi ro lạm phát và tỷ giá có thể kiểm soát?
Tỷ giá có dấu hiệu tăng trở lại sau Tết nguyên đán và các phát biểu liên quan đến thuế quan của Tổng thống Trump. Nguồn: AFA Capital.

Thứ nhất, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì lãi suất cao để kiểm soát lạm phát, Việt Nam lại có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra chênh lệch lãi suất ngày càng lớn giữa VND và USD. Điều này khiến dòng vốn ngoại có xu hướng rút khỏi Việt Nam, đặc biệt là các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ trái phiếu, cổ phiếu và các tài sản tài chính trong nước, để chuyển dịch sang các kênh đầu tư có lợi suất hấp dẫn hơn như trái phiếu chính phủ Mỹ. Việc dòng vốn ròng chảy ra khỏi thị trường làm giảm nguồn cung USD trong nước, trong khi nhu cầu USD để thanh toán nhập khẩu và đầu tư vẫn ở mức cao, dẫn đến áp lực tăng tỷ giá USD/VND.

Thứ hai, mặc dù cán cân thương mại tổng thể của Việt Nam tiếp tục thặng dư, tuy nhiên sự mất cân đối giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế nội địa ngày càng rõ rệt. Khu vực FDI vẫn duy trì xuất siêu nhờ vào các ngành công nghệ cao và sản xuất linh kiện điện tử, trong khi khu vực kinh tế nội địa tiếp tục nhập siêu do phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu. Khi nhập khẩu từ khu vực kinh tế nội địa gia tăng, nhu cầu USD để thanh toán hàng hóa từ nước ngoài cũng tăng theo, tạo áp lực lớn lên tỷ giá. Nếu dòng vốn FDI mới không đủ bù đắp hoặc dòng vốn đầu tư gián tiếp rút ra do chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ, tỷ giá USD/VND có thể tiếp tục tăng, làm gia tăng chi phí nhập khẩu, đẩy giá thành sản xuất trong nước lên cao.

Mục tiêu tăng trưởng 8%: Rủi ro lạm phát và tỷ giá có thể kiểm soát?
Tỷ giá vẫn cần dòng vốn vào để duy trì ổn định. Nguồn: AFA Capital.

Thứ ba, các sắc lệnh thuế quan và chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump đang thúc đẩy dòng vốn đầu tư quay trở lại Mỹ, khiến đồng USD mạnh lên. Bằng cách tăng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc, chính quyền Mỹ tạo động lực cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư tái phân bổ nguồn vốn về nội địa nhằm hưởng lợi từ ưu đãi thuế và chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước. Khi dòng vốn dịch chuyển về Mỹ, nhu cầu USD tăng mạnh, kéo theo sự tăng giá của đồng bạc xanh trên thị trường ngoại hối toàn cầu.

Bối cảnh kinh tế thế giới: Những biến số tác động đến Việt Nam

Năm 2025, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn khi chính sách tiền tệ, thương mại và địa chính trị đều có những biến động khó lường, ảnh hưởng sâu rộng đến các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Theo AFA Capital, chính sách thương mại của ông Donald Trump có thể gây xáo trộn nghiêm trọng đến dòng chảy thương mại quốc tế. Việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa từ Trung Quốc, Mexico và Canada, hoặc áp đặt các biện pháp bảo hộ thương mại mới, sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến giá thành hàng hóa leo thang và ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại.

Mục tiêu tăng trưởng 8%: Rủi ro lạm phát và tỷ giá có thể kiểm soát?
Sự biến động trong các chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump trong đầu tháng 2. Nguồn: AFA Capital.

Với vị thế là một trong những trung tâm sản xuất quan trọng tại châu Á, Việt Nam có thể hưởng lợi trong ngắn hạn nếu dòng vốn đầu tư rời khỏi Trung Quốc, nhưng về dài hạn, tình trạng bảo hộ thương mại gia tăng có thể làm suy giảm nhu cầu tiêu thụ toàn cầu, kéo theo sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu và tăng trưởng công nghiệp chế biến - chế tạo.

Căng thẳng địa chính trị giữa Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, làm gián đoạn nguồn cung năng lượng, lương thực và kim loại công nghiệp, đồng thời khiến giá dầu và khí đốt toàn cầu duy trì ở mức cao. Nếu giá dầu vượt ngưỡng, chi phí vận tải và sản xuất sẽ tăng lên, gây áp lực lớn lên chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Trong khi đó, giá lương thực và nguyên liệu nông sản như lúa mì, ngô, đậu nành tiếp tục biến động mạnh, tác động trực tiếp đến giá thực phẩm tại nhiều quốc gia. Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ lạm phát chi phí đẩy tại Việt Nam mà còn có thể khiến giá cả hàng hóa xuất khẩu giảm tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, lạm phát tại Mỹ vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, làm gia tăng khả năng Fed duy trì lãi suất cao lâu hơn dự kiến, thậm chí có thể kéo dài đến cuối năm 2025. Nếu Fed tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao, chi phí vay vốn toàn cầu sẽ tiếp tục tăng, gây áp lực lên các thị trường mới nổi khi dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) có thể rút khỏi các nền kinh tế này để quay về Mỹ. Điều này khiến tỷ giá USD tiếp tục mạnh lên, tạo ra rủi ro mất giá nội tệ đối với các đồng tiền của thị trường mới nổi, trong đó có VND. Nếu tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng, chi phí nhập khẩu sẽ bị đẩy lên cao hơn, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và gia tăng rủi ro lạm phát.

Những yếu tố trên đang đặt ra thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh môi trường quốc tế ngày càng phức tạp. Trong bối cảnh lạm phát và tỷ giá đang chịu nhiều áp lực, việc điều chỉnh linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ đóng vai trò quyết định đến khả năng duy trì tăng trưởng bền vững.

>> Trump 2.0 và cơn bão thuế quan: Thị trường ngoại hối toàn cầu sắp chao đảo?

Kiểm soát rủi ro, có giải pháp đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP vượt 8%

Hướng tới tăng trưởng 8%: Bài toán đẩy mạnh chất lượng tăng trưởng tín dụng như thế nào?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/muc-tieu-tang-truong-8-rui-ro-lam-phat-va-ty-gia-co-the-kiem-soat-276041.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Mục tiêu tăng trưởng 8%: Rủi ro lạm phát và tỷ giá có thể kiểm soát?
    POWERED BY ONECMS & INTECH