Trong 1 khảo sát được WSJ thực hiện hồi tháng 8, khoảng 69% người dân Mỹ được hỏi nhận định nước Mỹ đang đi sai hướng. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden giảm xuống dưới 40%.
Tuần trước, Mỹ công bố mức tăng trưởng GDP ấn tượng 4,9%. Thay vì rơi vào suy thoái như dự đoán của các chuyên gia, kinh tế Mỹ lại bùng nổ với tốc độ tăng trưởng cao nhất 2 năm nhờ những người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu.
Tăng trưởng GDP quý III không chỉ bù đắp lại những tổn thất mà nền kinh tế Mỹ phải chịu trong đại dịch mà còn ở mức cao hơn cả mức dự đoán mà Văn phòng ngân sách Quốc hội Mỹ đưa ra vào đầu năm 2020, thời điểm không ai nghĩ rằng Covid-19 sẽ biến thành đại dịch càn quét khắp thế giới.
Thị trường lao động Mỹ cũng đang có những diễn biến tích cực. Ở mức 3,8%, tỷ lệ thất nghiệp chỉ cao hơn một chút so với tháng 1/2020. Từng có lúc tỷ lệ thất nghiệp không phản ánh đúng sức khỏe của thị trường lao động vì có quá nhiều người rời bỏ thị trường lao động. Tuy nhiên, ngoại trừ nhóm trên 64 tuổi thì hầu hết đã quay trở lại. Trong tháng 8, tỷ trọng dân số trong độ tuổi 15-64 có việc làm đã vượt cả đỉnh trước dịch.
Nhưng tờ Wall Street Journal đặt câu hỏi, tại sao nền kinh tế tốt đến vậy mà người Mỹ vẫn cảm thấy u ám? Trong 1 khảo sát được WSJ thực hiện hồi tháng 8, khoảng 69% người được hỏi nhận định nước Mỹ đang đi sai hướng. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden giảm xuống dưới 40%, trong đó tỷ lệ ủng hộ cách ông điều hành nền kinh tế còn thấp hơn.
Lý do được đưa ra nhiều nhất là người dân Mỹ cảm thấy quá lo lắng về lạm phát. Có nhiều bằng chứng thể hiện điều đó, nhưng đây không phải là câu trả lời thực sự thỏa đáng.
Hiện ở Mỹ có 2 khảo sát lâu đời nhất về niềm tin tiêu dùng. Đầu tiên là chỉ số do Conference Board công bố, có các câu hỏi về thị trường lao động nhưng không đề cập đến lạm phát. Hiện chỉ số này vẫn cao hơn so với các năm 2008, 2011 là thời điểm kinh tế Mỹ suy thoái.
Ngược lại, chỉ số do ĐH Michigan xây dựng đang ở mức ngang bằng với các thời điểm suy thoái. Chỉ số này nhạy cảm hơn với lạm phát vì có những câu hỏi như “bạn có cảm thấy tình hình tài chính của mình bị tệ đi hay không”. Mới nhất, 40% trong số người trả lời là có đã đổ lỗi cho lạm phát.
Nhưng lạm phát có phải toàn bộ câu chuyện? Kể từ khi đạt đỉnh 9,1% vào tháng 6 năm ngoái, tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống chỉ còn 3,7%. Một số thống kê cho rằng lạm phát hiện đã dưới 3%. Fed cũng nhận định lạm phát đang dần hướng tới mục tiêu 2%, do đó không cần tăng lãi suất thêm 1 lần nữa ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Câu hỏi “vì sao GDP tăng vọt mà người Mỹ vẫn không vui” càng trở nên khó giải đáp hơn khi nhìn vào “misery index” (tạm dịch: chỉ số khốn khổ) được tính bằng cách đơn giản là cộng tỷ lệ lạm phát với tỷ lệ thất nghiệp. Dựa trên các dữ liệu lịch sử thì năm nay tâm lý người tiêu dùng vẫn tệ hơn so với tiêu chuẩn thông thường.
Một phần nguyên nhân là do mặc dù cả tiền lương và giá cả đều tăng, mọi người thường sẽ chú ý nhiều hơn đến giá tăng và cảm thấy mình nghèo đi. Hơn nữa, trong khi mục tiêu lạm phát của Fed mang tính dài hạn và thường nêu ra khoảng chứ không phải con số cụ thể, người tiêu dùng chỉ quan tâm đến con số tuyệt đối và cảm thấy tồi tệ khi các con số ở mức cao hơn nhiều so với vài năm trước.
Ví dụ, trung bình 1 cốc cà phê Starbucks đã tăng từ mức chưa đến 3 USD ở đầu dịch lên 3,63 USD trong quý II năm nay. Giá rau củ đã ngừng tăng nhưng vẫn tạo nên cú sốc lớn. Giá nhà cao khiến nhiều người không mua nổi nhà.
Bên cạnh đó, tâm lý người dân còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng phân cực đảng phái. Người theo đảng Cộng hòa thường cảm thấy tồi tệ khi đảng Dân chủ kiểm soát Nhà Trắng.
Theo kết quả thăm dò, chỉ có 45% người dân ủng hộ cách ông Biden phát triển cơ sở hạ tầng và 42% ủng hộ cách ông mang việc làm ngành sản xuất quay trở lại nước Mỹ. Đây là những con số quá thấp đối với 1 vị Tổng thống đã đẩy mạnh đầu tư cho cơ sở hạ tầng và ngành sản xuất.
Tin tốt cho ông Biden là đa phần mọi người sẽ lạc quan hơn về nền kinh tế so với những gì họ nói với đơn vị khảo sát. Nhưng tin xấu là, nhìn chung người Mỹ đang cảm thấy thất vọng về nhiều thứ.