Mỹ nới thuế, Việt Nam tăng tốc? Kịch bản tăng trưởng GDP 2025 dưới góc nhìn BIDV
Trong bối cảnh thế giới nhiều rủi ro, kinh tế Việt Nam vẫn có thể bứt phá nếu đàm phán thương mại với Mỹ đạt kết quả tích cực. Dự báo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho thấy GDP năm 2025 hoàn toàn có thể tăng đến 8% trong kịch bản khả quan nhất.
Dù phải đối mặt với "cú sốc thuế quan" từ Hoa Kỳ và triển vọng kinh tế toàn cầu sụt giảm về mức 1,8–2%, nhưng Việt Nam vẫn giữ được vị thế điểm sáng nhờ nền tảng vĩ mô ổn định và chính sách điều hành linh hoạt.
Theo báo cáo mới công bố của TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV (BIDV Research), tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 có thể đạt mức 6,5–7% trong kịch bản cơ sở, với điều kiện thuế đối ứng của Mỹ được đàm phán giảm xuống 20–25%.
Đáng chú ý, “nếu kết quả đàm phán với Mỹ vượt kỳ vọng và các động lực tăng trưởng mới được khai thác hiệu quả, GDP có thể chạm mốc 8%” – theo BIDV Research. Đây là một dự báo tích cực, đặc biệt trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp khó, và thể hiện niềm tin lớn vào khả năng thích ứng, tự cường của kinh tế Việt Nam.
![]() |
Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam theo quý, 6 tháng và cả năm 2025 theo kịch bản cơ sở. Nguồn: Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV (BIDV Research). |
Ổn định vĩ mô bền vững nhờ phối hợp chính sách linh hoạt
Một trong những nền tảng vững chắc giúp kinh tế Việt Nam giữ đà tăng trưởng chính là sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Theo BIDV Research, chính sách tài khóa năm 2025 tiếp tục được mở rộng hợp lý, với trọng tâm là thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Trong quý I/2025, giải ngân đầu tư công đạt 13,5% kế hoạch năm, tăng 19,8% so với cùng kỳ 2024. Các chính sách giãn – hoãn thuế và giảm 2% thuế VAT cũng tiếp tục phát huy tác dụng hỗ trợ tiêu dùng, sản xuất, và có khả năng được kéo dài đến hết năm 2026.
Về phía chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt, giữ ổn định lãi suất cho vay ở mức 6,7–9%/năm. Tăng trưởng tín dụng quý I/2025 đạt 3,5%, cao hơn hơn hai lần so với cùng kỳ 2024, cho thấy nhu cầu vốn đang phục hồi mạnh. “Tín dụng tăng nhưng vẫn được kiểm soát tốt, góp phần thúc đẩy tăng trưởng mà không tạo áp lực lớn đến lạm phát” – BIDV Research nhận định. Trong khi đó, CPI quý I/2025 tăng 3,22% và lạm phát cơ bản tăng 3,01%, đều thấp hơn mức mục tiêu 4,5–5% mà Chính phủ đề ra.
Tỷ giá VND/USD tăng khoảng 2,1% do Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh để hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, tỷ giá vẫn ổn định nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ kiều hối, FDI, xuất khẩu hàng hóa và du lịch. “Sự chủ động điều tiết tỷ giá cho thấy khả năng điều hành linh hoạt và thích ứng tốt của chính sách tiền tệ” – theo BIDV Research.
Cầu nội địa, FDI và tiêu dùng là ba trụ cột tăng trưởng
Tiêu dùng nội địa tiếp tục là động lực chính kéo tăng trưởng kinh tế. Trong quý I/2025, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,45%, đóng góp tới 68,9% vào GDP – mức cao nhất trong 8 năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 9,9% theo danh nghĩa và 7,5% thực tế, phản ánh sự cải thiện rõ rệt về thu nhập và tâm lý tiêu dùng người dân. Đây là minh chứng cho hiệu quả của các chính sách kích cầu và giảm thuế gián thu.
Ngành du lịch tiếp tục khởi sắc mạnh mẽ, góp phần tăng thu nhập và tiêu dùng dịch vụ. Việt Nam đón 6,02 triệu lượt khách quốc tế và 35,5 triệu lượt khách nội địa trong quý I, mang về tổng thu du lịch 221,6 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ. “Du lịch đã trở thành mắt xích quan trọng thúc đẩy nhiều ngành dịch vụ liên quan như lưu trú, ẩm thực, vận tải và bán lẻ” – BIDV Research khẳng định.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng mạnh với giá trị đăng ký mới đạt 10,98 tỷ USD, tăng 34,7%, và vốn giải ngân đạt 4,96 tỷ USD, cao nhất 7 năm trở lại đây. “FDI đang đổ vào các lĩnh vực chiến lược như công nghệ cao, năng lượng tái tạo, tài chính và logistics”, thể hiện niềm tin vững chắc của nhà đầu tư quốc tế vào nền kinh tế Việt Nam – theo BIDV Research. Trong bối cảnh rủi ro thuế quan, việc đàm phán giảm thuế về 20–25% sẽ là yếu tố then chốt để giữ đà tăng trưởng FDI chất lượng cao.
Bên cạnh đó, đầu tư tư nhân tăng 5,5%, cải thiện so với cùng kỳ 2024 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch (13,6%). “Cải cách thủ tục đầu tư, thúc đẩy liên kết vùng và đẩy nhanh giải ngân đầu tư công sẽ là chìa khóa để kích hoạt dòng vốn tư nhân, đồng thời nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP)” – BIDV Research nhận định.
Cải cách thể chế và động lực tăng trưởng mới là chìa khóa dài hạn
Theo BIDV Research, để đạt được mức tăng trưởng 7,5–8% và duy trì bền vững trong dài hạn, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách thể chế và phát triển các động lực tăng trưởng mới. Đây không chỉ là yêu cầu ứng phó với biến động bên ngoài, mà còn là điều kiện để nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế.
Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV kiến nghị cần sớm hoàn thiện thể chế cho các lĩnh vực mới như sandbox fintech, kinh tế tuần hoàn, thị trường tín chỉ carbon và chuyển đổi xanh. Đặc biệt, việc sửa đổi Quy hoạch điện VIII, ban hành danh mục phân loại xanh và thành lập các quỹ hỗ trợ chuyển đổi số, quỹ nhà ở quốc gia sẽ là đòn bẩy chiến lược để thu hút dòng vốn tư nhân và đầu tư nước ngoài chất lượng cao.
Đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước, việc cổ phần hóa và thoái vốn cần được đẩy mạnh, song hành với nâng cao minh bạch tài chính và trách nhiệm giải trình. BIDV Research nhấn mạnh: “Phát triển thị trường vốn – đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp – là yếu tố then chốt để đa dạng hóa kênh huy động vốn, giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng và tăng hiệu quả đầu tư dài hạn”.
Cuối cùng, để nâng cao chất lượng tăng trưởng, Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng về năng suất. Việc thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia sẽ là bước đi quan trọng để điều phối các chương trình nâng cao năng suất lao động, phát triển kỹ năng và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh dư địa tăng trưởng từ lao động giá rẻ và đầu tư vốn đang dần thu hẹp, năng suất và công nghệ chính là trụ cột duy trì đà tăng trưởng bền vững – theo BIDV Research.
Tóm lại, báo cáo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho thấy, nếu đàm phán thuế quan với Mỹ đạt kết quả khả quan và các động lực mới được phát huy hiệu quả, tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt Nam hoàn toàn có thể đạt 6,5–7% trong kịch bản cơ sở và tiến gần mốc 8% trong kịch bản tích cực. Đây là tín hiệu lạc quan về khả năng thích ứng nhanh, chủ động chính sách và sức mạnh nội sinh của nền kinh tế Việt Nam trong một thế giới đầy biến động.
>> UOB: Việt Nam đang điều tiết ‘liều lượng chính sách’ rất tốt giữa cơn sóng thương mại