Nếu được sáp nhập, siêu đô thị đầu tiên của Việt Nam dự kiến có 168 đơn vị hành chính cấp xã
Sau sắp xếp, TP. HCM mới sẽ có tổng cộng 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 102 đơn vị từ TP. HCM hiện hữu, 36 đơn vị từ Bình Dương và 30 đơn vị từ Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tối 15/4, Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Thành ủy TP. HCM đã thông tin về kết quả Hội nghị chuyên đề lần thứ 39 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XI.
Tại hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy đã trình dự thảo Đề án sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó đề xuất phương án hợp nhất TP. HCM với hai tỉnh lân cận là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đề án được xây dựng trên cơ sở thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, hướng đến tinh gọn bộ máy, phát huy hiệu quả quản lý nhà nước.
Theo phương án dự kiến, sau sáp nhập, TP. HCM mới sẽ vẫn là thành phố trực thuộc Trung ương, với diện tích 6.772,65km2 và quy mô dân số lên tới hơn 13,7 triệu người.

Việc hợp nhất kỳ vọng tạo động lực phát triển mới, khai thác tối đa tiềm năng về đất đai, dân số, hạ tầng và kinh tế của cả ba địa phương, hình thành một cực tăng trưởng quan trọng của cả nước và vùng Đông Nam Bộ trong giai đoạn tới.
Sau sắp xếp, TP. HCM mới sẽ có tổng cộng 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 102 từ TP. HCM hiện hữu, 36 từ Bình Dương và 30 từ Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 của ba địa phương là 677.993 tỷ đồng. Về nguồn nhân lực, hiện có 22.878 cán bộ, công chức và 132.110 viên chức trong hệ thống chính quyền.
>> Tỉnh hẹp nhất Việt Nam sắp tinh gọn đơn vị hành chính, dự kiến còn 41 xã, phường
Về tổ chức bộ máy, đại biểu HĐND của ba địa phương sẽ hợp thành HĐND TP. HCM mới và tiếp tục hoạt động đến hết nhiệm kỳ 2021-2026. Kỳ họp thứ nhất sẽ do một triệu tập viên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định chủ trì, cho đến khi HĐND mới bầu ra Chủ tịch HĐND. Thành phố mới vẫn duy trì 4 ban HĐND như mô hình hiện nay và tiếp tục kiện toàn các chức danh theo quy định.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã sẽ thực hiện theo hướng tinh gọn, giảm khoảng 60-70% tổng số đơn vị hiện nay, bảo đảm phù hợp với chủ trương chung của Trung ương và thực tiễn quản lý địa phương.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh việc đặt tên các đơn vị hành chính mới phải bảo đảm yếu tố lịch sử, văn hóa và truyền thống, ưu tiên giữ lại những tên gọi tiêu biểu đã gắn bó sâu sắc với người dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP. HCM và nhận được sự đồng thuận cao trong cộng đồng.
Ông cũng giao nhiệm vụ cho Đảng ủy UBND TP, các cơ quan Đảng, Ban Tổ chức Thành ủy cùng các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện chi tiết, bảo đảm hoàn tất trước tháng 10/2025.
Được biết, theo định nghĩa và phân loại của Liên Hợp Quốc, một đô thị được công nhận là "siêu đô thị" (megacity) khi có quy mô dân số từ 10 triệu người trở lên. Với phương án sáp nhập cùng Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. HCM sẽ trở thành siêu đô thị đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong tiến trình phát triển đô thị hiện đại của cả nước.
>> Thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam sẽ được tách thành hai đặc khu độc lập