Giá trị đáo hạn trái phiếu của nhóm bất động sản vào năm 2024 là 121.100 tỷ đồng. Áp lực chồng chất khi “cứu cánh” quen thuộc của nhóm này là nguồn tín dụng từ các ngân hàng hiện cũng đang gặp khó.
CTCP Chứng khoán Vietinbank (HOSE: CTS) vừa thông qua Nghị quyết vay vốn tại CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (HOSE: SIP). Số tiền mà công ty chứng khoán này dự kiến vay trong ngắn hạn là 2.000 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản vay đang còn dư nợ). Chi tiết về các thông tin khoản vay không được tiết lộ.
Đáng chú ý, CTS vay SIP giữa bối cảnh toàn ngành bất động sản đang phải chịu áp lực trả nợ lớn bắt đầu bùng nổ từ năm 2022. Thời điểm hiện tại, năm 2023 đã dần đi tới hồi kết, song sức ép trái phiếu đáo hạn vẫn “bóp nghẹt” doanh nghiệp địa ốc. Theo dữ liệu từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng giá trị đáo hạn trái phiếu của nhóm bất động sản 2 tháng cuối năm 2023 và năm 2024, lần lượt đạt 15,6 nghìn tỷ đồng và 121,1 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó là các khoản nợ ngân hàng đến hạn phải trả. Khó khăn chồng chất khi “cứu cánh” quen thuộc của các doanh nghiệp bất động sản là nguồn tín dụng từ các ngân hàng hiện cũng đang gặp khó, các ngân hàng đang ở trong giai đoạn biên lợi nhuận thuần chạm đáy (NIM).
Trước bài toán nợ khó giải, nhiều doanh nghiệp địa ốc phải đàm phán gia hạn thanh toán cùng với việc dùng tài sản khác như bất động sản để gạt nợ, điển hình là ông lớn Novaland (NVL).
>> Góc nhìn về việc dùng bất động sản gạt nợ trái phiếu của Novaland (NVL): Lợi hay hại?
Quay trở lại với SIP, doanh nghiệp này vốn được biết tới là “đại gia” khu công nghiệp có truyền thống trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ cao (năm 2022 mức cổ tức tiền lên đến 45%).
Ghi nhận tại BCTC quý 3/2023, SIP có tổng tài sản hơn 20.333 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm, tròn đó, hơn 3.065 tỷ đồng là tiền gửi ngắn hạn và 354 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn. SIP còn đầu tư hơn 122 tỷ đồng vào cổ phiếu của CTCP Cao su Tây Ninh (HOSE: TRC) và hơn 21 tỷ đồng vào cổ phiếu của CTCP Chứng khoán SSI (HOSE: SSI).
Bên kia bảng cân đối, SIP còn hơn 16,459 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 7% so với đầu năm.
Ngoài ra, SIP có hơn 11.000 tỷ của để dành là các khoản doanh thu chưa thực hiện, trong đó, 61 tỷ đồng ngắn hạn và hơn 11.232 tỷ đồng dài hạn.
Đáng chú ý, tại ngày 30/9/2023 Đầu tư Sài Gòn VRG ghi nhận khoản phải thu cho vay ngắn hạn là gần 715 tỷ đồng. Trong đó, công ty đang cho công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) vay 712 tỷ đồng, gần 3 tỷ đồng cho CTCP Chứng khoán Cao su vay.
Về triển vọng kinh doanh, với việc sở hữu loạt khu công nghiệp có vị trí “đắc địa”, Đầu tư Sài Gòn VRG đang đẩy mạnh phát triển mảng nhà xưởng xây sẵn cho thuê nhằm đáp ứng cơn “khát” nguồn cung phân khúc này.
>> VRG sở hữu quỹ đất lớn gần sân bay Long Thành, SIP được kỳ vọng tăng 40%
Được biết, Đầu tư Sài Gòn VRG hiện là một trong những công ty phát triển khu công nghiệp niêm yết lớn nhất tại khu vực miền Nam với quỹ đất gần 3.200 ha.
Các khu công nghiệp chính hiện nay của Đầu tư Sài Gòn VRG được đặt tại các tỉnh Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Đây đều là các địa phương thu hút lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn, mở ra cơ hội tăng trưởng trong dài hạn đối với Đầu tư Sài Gòn VRG.