Vĩ mô

Người dân Hà Nội sắp có phương tiện mới di chuyển đến ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội

Phúc Lam 17/10/2024 10:30

Tại buổi đối thoại của Chủ tịch UBND TP Hà Nội với thanh niên Thủ đô diễn ra mới đây, vấn đề ùn tắc giao thông, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị nhận được nhiều sự quan tâm từ các đại biểu.

Tại buổi đối thoại, đại biểu Lê Trà My, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân đưa quan điểm về việc thành phố đã đưa vào hoạt động hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội nhưng việc di chuyển của người dân khi tham gia các tuyến đường sắt này còn hạn chế do thiếu sự kết nối giữa các tuyến.

Đại biểu Lê Trà My đặt câu hỏi:“Trong thời gian tới thành phố có dự kiến phát triển và đầu tư các tuyến đường sắt nào khác hay phương tiện nào để nhanh chóng kết nối các tuyến này không?”.

Trả lời câu hỏi này của đại biểu, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, thành phố đang phát triển, tình trạng ùn tắc giao thông là hiện hữu. Tại TP. Hà Nội, trong một năm, tốc độ tăng phương tiện giao thông cá nhân khoảng 4-5%, đặc biệt ô tô tăng 10%. Trong khi đó, hạ tầng giao thông trung bình chỉ tăng 0,28%/năm.

Người dân Hà Nội sắp có phương tiện mới di chuyển đến ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường trả lời câu hỏi của đại biểu - Ảnh: Kinh tế & Đô thị

Ông Thường cho rằng, giải pháp căn cơ nhất hiện nay để giải quyết thực trạng ùn tắc giao thông là đầu tư hệ thống đường sắt đô thị. Ông Thường cho biết, theo quy hoạch giao thông trước đây, thành phố có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417km. Tuy nhiên, thành phố sẽ điều chỉnh lên thành 14 tuyến đường sắt đô thị dài gần 600km thay vì 10 tuyến như trước đây.

Cùng với đó, Giám đốc Sở GTVT chỉ ra những khó khăn khi thực hiện một tuyến đường sắt đô thị. Ông cho biết, cần rất nhiều thời gian và chi phí để thực hiện một tuyến đường sắt đô thị, khoảng 100 triệu USD/km. Như vậy, nếu theo quy hoạch cũ thì cần khoảng 40 tỷ USD để thực làm 417km và khoảng 50 tỷ USD để làm 600km như đề án đang được xây dựng.

Ông Thường cũng cho biết để phát huy hết giá trị thì mạng lưới đường sắt đô thị phải liên thông với nhau nhưng trong điều kiện đầu tư hiện nay, thành phố chỉ có thể đầu tư từng tuyến một. Do vậy, ngành giao thông đưa ra giải pháp sẽ điều chỉnh mạng lưới xe buýt gom hành khách cho các chuyển tàu điện.

“Sắp tới đây, sẽ có thêm xe điện 4 bánh để gom khách từ các khu dân cư ra ga đường sắt đô thị và kết nối giữa ga Láng của tuyến Cát Linh - Hà Đông và ga S8 của tuyến Nhổn - Ga Hà Nội", ông Thường nói.

Trước đó, Sở GTVT cũng đã thực hiện điều chỉnh 33 tuyến xe buýt cho phù hợp khi đoạn trên cao đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đi vào hoạt động. Điều này cũng đã góp phần tạo thành các tuyến kết nối lưu thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc di chuyển và sử dụng đường sắt đô thị.

>>Các nước Đông Nam Á đã có metro từ rất lâu, tại sao 'siêu đô thị' hiện đại bậc nhất Việt Nam vẫn trì trệ?

Đường sắt đô thị: Thiếu dịch vụ thiết yếu tại các nhà ga

9 tháng đầu năm, bình quân mỗi ngày có 29 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nguoi-dan-ha-noi-sap-co-phuong-tien-moi-di-chuyen-den-ga-duong-sat-cat-linh-ha-dong-va-nhon-ga-ha-noi-253893.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Người dân Hà Nội sắp có phương tiện mới di chuyển đến ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội
POWERED BY ONECMS & INTECH