Những 'động năng' nào đưa kinh tế tăng trưởng về đích 8%?
Năm 2025 được dự báo là một năm đầy thách thức nhưng cũng không kém phần cơ hội đối với nền kinh tế Việt Nam.
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao độ khi đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 2025 lên đến 8%... (cao hơn mục tiêu Trung ương, Quốc hội đã quyết nghị là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%) và so với mức 7,09% trong năm 2024.
Đây là một con số đầy tham vọng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Vậy, đâu là những động năng chính thúc đẩy tăng trưởng và liệu có những thách thức nào đang chờ đợi phía trước?
Chính phủ quyết tâm, doanh nghiệp kỳ vọng
Theo đề án, Chính phủ đặt quyết tâm tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Báo cáo Chiến lược tháng 2/2025 của SSI Research cho thấy, Chính phủ chấp nhận mức lạm phát và bội chi ngân sách cao hơn để dồn nguồn lực cho đầu tư phát triển.... Trọng tâm sẽ là các dự án cơ sở hạ tầng, nhằm tạo động lực lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế.
Đầu tư công được kỳ vọng sẽ là một trong những động năng chính của tăng trưởng năm 2025. Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm sẽ giúp giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả tích cực, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng ở nhiều ngành khác.
Chính phủ cũng xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, về xuất khẩu, chủ động triển khai các giải pháp toàn diện, đồng bộ về chính trị, kinh tế, ngoại giao; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững với Mỹ, Trung Quốc và các nước đối tác lớn của Việt Nam. Bên cạnh đó, khai thác hiệu quả cơ hội từ loạt hiệp định tự do thương mại (FTA) đã ký kết, đặc biệt là EVFTA, RCEP, CPTPP...
Gần đây, Ngân hàng UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 7%, từ mức 6,6%, nhờ kỳ vọng vào sự chuyển biến tích cực từ sản xuất, tiêu dùng nội địa và lượng khách du lịch... UOB cũng cho rằng, mục tiêu tham vọng 8% vẫn có những dư địa để đạt được.
Về phía doanh nghiệp, kỳ vọng cũng rất lớn. SSI Research dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) sẽ tiếp tục tăng trưởng. Lợi nhuận của 84 công ty được SSI Research nghiên cứu ước tính tăng 18,6% trong năm 2025, cao hơn mức 11,5% của năm 2024. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang có sự chuẩn bị tốt và kỳ vọng vào một năm kinh doanh khởi sắc.
![GDP2025muctieu 8phantram GM.jpg](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/13/static-images.vnncdn.net-vps_images_publish-000001-000003-2025-2-13-_gdp2025muctieu-8phantram-gm-73886.jpg)
Rủi ro ngoại biên gia tăng, nội lực cần được củng cố
Trong khi trong nước Chính phủ rất quyết tâm, doanh nghiệp kỳ vọng, bên cạnh thách thức bên ngoài rất lớn.
Theo SSI, tốc độ hạ lãi suất chậm lại của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể gây áp lực lên tỷ giá USD/VND và làm giảm sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài....
Các chính sách bảo hộ và khó đoán của Tổng thống Mỹ Donald Trump là "biến số khó lường" cho tăng trưởng xuất khẩu - vốn là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam. Việc áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu có thể làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế.
![tygiaSSI2024.jpg](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/13/static-images.vnncdn.net-vps_images_publish-000001-000003-2025-2-13-_tygiassi2024-73887.jpg)
Hôm 9/2, ông Trump cho biết, ông sẽ công bố áp thuế 25% đối với tất cả mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào nước này và sẽ công bố mức thuế đáp trả đối với mọi quốc gia đã áp hàng rào thuế quan với Mỹ.
Báo cáo của SSI cũng đề cập đến những lo ngại về rủi ro chiến tranh thương mại toàn cầu, đặc biệt sau khi Tổng thống Trump nhậm chức. Điều này có thể gây ra những biến động khó lường cho nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Sức khoẻ nội tại của nền kinh tế cũng có nhiều khó khăn. Trước hết, đó là tiêu dùng nội địa vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng..., cho thấy sức cầu trong nước còn yếu. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của các chính sách kích thích kinh tế và làm chậm quá trình phục hồi của các ngành dịch vụ.
Bên cạnh đó, rủi ro tỷ giá cũng là một yếu tố cần được quan tâm.... Chỉ số DXY (đo lường biến động của đồng bạc xanh so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới) duy trì ở mức cao có thể gây áp lực lên tỷ giá USD/VND, ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu và làm tăng chi phí trả nợ nước ngoài.
![vimo2025SSI.jpg](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/13/static-images.vnncdn.net-vps_images_publish-000001-000003-2025-2-13-_vimo2025ssi-73888.jpg)
Theo SSI, trong bối cảnh rủi ro từ bên ngoài gia tăng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8%, Việt Nam cần tập trung vào các động lực tăng trưởng nội tại như tiêu dùng, đầu tư công và chuyển đổi số...
Cùng với đó, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, giảm thiểu các rào cản đối với doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Các chính sách như triển khai hệ thống giao dịch KRX, áp dụng Luật Chứng khoán sửa đổi và Nghị định 155/2020 sửa đổi sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển thị trường vốn trong trung và dài hạn....
Việc kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá là rất quan trọng, để duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Ngân hàng Nhà nước cần chủ động điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt và hiệu quả.
Đẩy mạnh cải cách thể chế cũng là yếu tố quan trọng. Quá trình cải cách thực thi bắt đầu từ cuối năm 2024 cần được tiếp tục đẩy mạnh, bao gồm tinh gọn bộ máy Chính phủ, giải quyết những vấn đề tồn đọng trong lĩnh vực bất động sản.
Tại cuộc gặp các doanh nghiệp ngày 10/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói rằng các vướng mắc về thể chế đang là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" nhưng cũng là "đột phá của đột phá".
Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng xuất khẩu vẫn là một động lực tăng trưởng quan trọng. Cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng các hiệp định FTA và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Có thể thấy, mục tiêu tăng trưởng 8% cho năm 2025 là một thách thức lớn, đòi hỏi sự nỗ lực và phối hợp đồng bộ của cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Mặc dù có nhiều thách thức và khó khăn nhưng với các giải pháp phù hợp, Việt Nam được kỳ vọng có thể đạt được mục tiêu này, tạo đà cho sự phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.