Những "ông trùm" khét tiếng Trung Quốc từng bị điều tra, bắt giữ
Từng là các doanh nhân lừng lẫy của Trung Quốc, hiện tại các ông trùm này đều vướng vào vào lao lý.
Hứa Gia Ấn - Chủ tịch Tập đoàn Evergrande
Người sáng lập Tập đoàn China Evergrande Hứa Gia Ấn, nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới, đang bị điều tra tình nghi có các hành vi phạm pháp.
Evergrande không cho biết liệu Hứa Gia Ấn có tiếp tục điều hành công ty hay không, hoặc các tội danh mà ông bị điều tra là gì.
Đây là thách thức mới đối với ông trùm bất động sản Trung Quốc và công ty đang gặp phải nhiều khó khăn do bê bối hàng loạt và quá trình tái cơ cấu bị trì hoãn.
Tỷ phú Hứa Gia Ấn từng nằm trong danh sách những người giàu nhất hành tinh khi cổ phiếu Evergrande đạt đỉnh năm 2017. Nhưng 73% số tài sản khổng lồ đó giờ đã bốc hơi và ông có thể mất nhiều hơn nữa khi hàng loạt chủ nợ, nhà cung cấp và người mua nhà bao vây các văn phòng của Evergrande trong tâm trạng hoảng loạn.
Ông là nhà tài phiệt mới nhất bị giám sát chặt chẽ kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012.
Triệu Vệ Quốc - Cựu Chủ tịch Tsinghua Unigroup
Tháng 3/2023, Cơ quan Chống tham nhũng Trung Quốc thông báo tiến hành cuộc điều tra nhằm vào lãnh đạo Tsinghua Unigroup Triệu Vệ Quốc - nhân vật nổi tiếng trong ngành công nghiệp bán dẫn nước này.
Theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ủy ban Giám sát Quốc gia, Triệu Vệ Quốc bị điều tra về cáo buộc phạm tội tham nhũng, thu lợi bất hợp pháp cho người thân, bạn bè, bội tín và phạm tội gây tổn hại đến lợi ích của công ty.
Xuất phát là một chi nhánh của Đại học Thanh Hoa danh tiếng của Trung Quốc, Tsinghua Unigroup do nhà nước hậu thuẫn đã nổi lên trong thập kỷ trước với tư cách là nhà vô địch trong nước đối với ngành công nghiệp chip tụt hậu của Trung Quốc.
Tuy nhiên dưới thời Triệu Vệ Quốc, công ty lại ngập trong nợ nần. Công ty đã chi hàng tỷ đô la cho các thương vụ mua lại liên quan đến chip, nhưng cũng có những hoạt động kinh doanh không liên quan, không sinh lời, từ bất động sản đến cờ bạc trực tuyến. Cuối cùng, Tshinghua Unigroup không thể thanh toán trái phiếu vào cuối năm 2020 và đối mặt với phá sản.
Bao Phàm - Chủ tịch kiêm CEO của ngân hàng China Renaissance
Người sáng lập China Renaissance Holdings đã bị giam giữ vào tháng 2 vừa qua và ngân hàng đầu tư này cho biết rằng ông đang hợp tác với chính quyền Trung Quốc khi các cuộc điều tra được tiếp tục.
Ông Bao - người trước đây làm việc tại Credit Suisse Group và Morgan Stanley, đã được ca ngợi là một trong những chủ ngân hàng có mối quan hệ tốt nhất Trung Quốc. Vị doanh nhân từng tham gia vào các vụ sáp nhập công nghệ lớn, bao gồm cả việc hợp tác giữa các công ty gọi xe Didi và Kuaidi, gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan và Dianping.
Tiêu Kiến Hoa - người sáng lập Tomorrow Holdings
Được biết, Tiêu Kiến Hoa đã không xuất hiện trước công chúng kể từ năm 2017.
Năm 2022, nhà tài phiệt này bị kết án 13 năm tù và tập đoàn Tomorrow của ông bị tòa án Thượng Hải phạt 55,03 tỷ nhân dân tệ (8,1 tỷ USD) vì tội gian lận tài chính. Dẫn đến sự tan rã đầy kịch tính của đế chế tài chính tư nhân lớn nhất Trung Quốc sau một cuộc điều tra kéo dài 5 năm.
Tháng 8/2022, tờ The Global Times đưa tin, nhà tài phiệt Canada gốc Trung Quốc đã biến mất khỏi một khách sạn sang trọng ở Hong Kong vào năm 2017. Ngay sau khi bị kết tội thu tiền bất hợp pháp, sử dụng tài sản ủy thác vi phạm tín nhiệm, sử dụng trái phép tiền và hối lộ. Cá nhân tỷ phú Tiêu cũng bị phạt 6,5 triệu nhân dân tệ.
Tòa án Thượng Hải cho biết khi tuyên án rằng ông Tiêu và tập đoàn đã đưa cổ phiếu, bất động sản, tiền mặt và các tài sản khác cho các quan chức Chính phủ tại đây với tổng trị giá hơn 680 triệu nhân dân tệ trong hai thập kỷ từ 2001 đến 2021, để trốn tránh sự giám sát tài chính và tìm kiếm lợi ích bất hợp pháp.
Chủ tịch Chen Feng và CEO Tan Xiangdong - HNA Group
Chủ tịch Chen Feng và CEO Tan Xiangdong của Tập đoàn HNA Group đã bị bắt giữ do nghi ngờ phạm tội hình sự vào năm 2021, trong bối cảnh Bắc Kinh thực hiện cuộc siết chặt sâu rộng với các doanh nghiệp. Vụ bắt giữ này diễn ra cùng thời điểm Evergrande – tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc đối mặt khủng hoảng nợ.
Trong những năm 2010, Tập đoàn HNA, có hoạt động kinh doanh hàng đầu là Hainan Airlines, đã sử dụng khoản mua lại toàn cầu trị giá 50 tỷ USD, chủ yếu được thúc đẩy bởi nợ, để xây dựng một đế chế cổ phần trong các doanh nghiệp từ Deutsche Bank đến Hilton Worldwide.
Ngô Tiểu Huy - Chủ tịch Tập đoàn bảo hiểm Anbang
Ông Ngô bị truy tố về tội gian lận trong huy động vốn và chiếm đoạt bất hợp pháp tài sản của tập đoàn. Việc bắt giữ ông ta gây chấn động không ít ở Trung Quốc trong thời gian qua bởi tỉ phú họ Ngô được cho là thuộc dạng "tỉ phú đỏ" làm giàu nhờ các quan hệ thân cận với các lãnh đạo trong chính quyền.
Cáo trạng xác định tỉ phú họ Ngô đã bòn rút nhiều tiền của tập đoàn chuyển cho các công ty con do ông ta kiểm soát để đầu tư ra nước ngoài, để trả nợ hoặc chi xài cá nhân.
Ông bị bắt vào tháng 6 năm 2017 trong bối cảnh Bắc Kinh đang thực hiện chiến dịch hạn chế các tập đoàn chi tiêu lớn nhằm trấn áp rủi ro tài chính. Ngô Tiểu Huy bị kết án 18 năm tù vào tháng 5 năm 2018 vì tội lừa đảo và tham ô.
Diệp Giản Minh - người sáng lập Tập đoàn năng lượng CEFC China Energy
Có người cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến CEFC China Energy rơi vào tình trạng nợ nần lớn xuất phát từ việc ông Diệp Giản Minh quyết định “lún sâu” vào thị trường dầu mỏ, nhất là mua cổ phần của Rosneft, công ty dầu khí quốc gia hàng đầu của Nga.
Một năm sau, anh ta bị điều tra vì nghi phạm tội kinh tế và biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng vào tháng 3 năm 2018.
Được biết, vị doanh nhân này từng đứng thứ hai trong danh sách "40 Under 40" của tạp chí Fortune về những người trẻ có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2016.