Siêu cường đụng độ: Tại sao Trung Quốc tin rằng họ đang thắng Mỹ?
Dù Tổng thống Donald Trump tuyên bố đã giành được “thỏa thuận có lợi” trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Bắc Kinh lại nhìn thấy một chiến thắng khác, thầm lặng nhưng sâu sắc. Trung Quốc không chỉ đứng vững trước cơn bão thuế quan mà còn âm thầm chuyển mình, tăng tốc tự cường và chuẩn bị cho một thế trận dài hơi, nơi Mỹ có thể chính là bên phải lùi bước.
Các cuộc đàm phán thương mại gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ) và London (Anh) chỉ mang lại chút hy vọng tạm thời trong cuộc xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bất chấp những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm quảng bá các biện pháp tạm thời như một “thỏa thuận” có lợi cho nước Mỹ, Trung Quốc lại nhìn nhận vấn đề theo một cách khác và họ tin rằng mình đang thắng thế. Từ góc nhìn của Bắc Kinh, “siêu cường” châu Á đã vượt qua “cơn bão”, trở nên tự tin hơn, tự lực hơn và tin tưởng hơn rằng chiến lược dài hạn của mình đang phát huy tác dụng.

Kể từ khi cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Trung Quốc và Mỹ bắt đầu vào năm 2018, Trung Quốc đã xây dựng một chiến lược bao gồm cả phòng thủ lẫn tấn công nhằm giảm thiểu tổn thương từ thuế quan và lệnh trừng phạt của “xứ sở cờ hoa”.
Về mặt phòng thủ, Trung Quốc đã điều chỉnh lại các dòng chảy thương mại, phát triển các biện pháp phòng ngừa trước hệ thống tài chính toàn cầu dựa vào đồng USD và đẩy mạnh đầu tư vào các công nghệ nội địa. Họ cũng nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng trong nước, mặc dù đó không phải là mục tiêu tự thân mà là phương tiện để củng cố các lĩnh vực chiến lược như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ xanh.
Về mặt tấn công, Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát xuất khẩu và thể hiện sự sẵn sàng đáp trả một cách nhanh chóng và có chọn lọc. Phản ứng của Bắc Kinh trước những lời đe dọa và leo thang thuế quan từ chính quyền Mỹ trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump cho thấy sự linh hoạt về chiến thuật và quyết tâm kiên định.
Trong vài tháng gần đây, Trung Quốc đã đáp trả gần như ngay lập tức, giữ lập trường cứng rắn trong đàm phán và nhìn chung không chịu khuất phục. Họ không chỉ đơn thuần phản ứng trước sức ép mà còn đang tái định nghĩa cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung theo điều kiện của chính mình.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Trump có lẽ đã vô tình phơi bày sự phụ thuộc của các ngành công nghiệp Mỹ vào Trung Quốc, đặc biệt là đối với các khoáng sản đất hiếm và các nguyên liệu đầu vào khác. Việc ông Trump áp thuế đã làm gián đoạn thương mại song phương, buộc các nhà sản xuất Mỹ phải vất vả tìm kiếm nguồn cung và chấp nhận giá cao. Khi Trung Quốc áp đặt kiểm soát xuất khẩu đất hiếm vào đầu tháng 4/2025, Bắc Kinh đã phát hiện ra một công cụ hiệu quả để gây tổn hại cho doanh nghiệp Mỹ.
Những động thái thuế quan thất thường của ông Trump đã vô tình mang lại cho Chính phủ Trung Quốc một chiến thắng về mặt tuyên truyền (dù việc phản đối chính sách của ông Trump không thực sự phổ biến ở Trung Quốc như nhiều người ngoài cuộc lầm tưởng) và quan trọng hơn là một lợi thế chiến lược.
Đối với nhiều quốc gia ở Nam bán cầu vốn hoài nghi về mô hình phát triển phương Tây, sự kiên cường của Trung Quốc trước sức ép từ Mỹ càng củng cố cho tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng thế giới đang trải qua những “biến động chưa từng thấy trong một thế kỷ”.

Từ góc nhìn của Chính phủ Trung Quốc, quyết tâm của chính quyền Trump trong việc tách rời hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới bằng mọi giá chính là đỉnh điểm của những nỗ lực từ Mỹ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Về phần mình, dù Trung Quốc không muốn một cuộc chiến thương mại hay sự chia cắt nhưng họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro của một cuộc chiến mà Mỹ có thể sẽ thua và họ thà tách rời còn hơn là phải khuất phục trước ông Trump.
Đó là lý do vì sao các nhà lãnh đạo, doanh nhân và giới khởi nghiệp (startup) Trung Quốc tập trung vào việc xây dựng khả năng phục hồi và tự lực – trước hết là giảm phụ thuộc vào thị trường và công nghệ Mỹ. Dù không gì có thể thay thế nhu cầu tiêu dùng và đổi mới công nghệ từ Mỹ, các doanh nghiệp Trung Quốc hiện nay coi khả năng cạnh tranh tại Mỹ và tiếp cận công nghệ cao của nước này gần như là bằng 0 và họ sẽ hành động phù hợp với thực tế đó.
Sự phục hồi mạnh mẽ của Huawei sau các lệnh trừng phạt từ Mỹ là một minh chứng rõ ràng. Hiện tại, ByteDance cũng đang phải đối mặt với áp lực tương tự, khi ông Trump cố gắng buộc công ty công nghệ Trung Quốc này phải bán TikTok – ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng toàn cầu cho các nhà đầu tư Mỹ.
Tất nhiên, các mức thuế quan của Tổng thống Trump gây tổn thương cho Trung Quốc và các nhà lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới biết rõ điều đó. Chúng đặc biệt ảnh hưởng mạnh tới các ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp như dệt may và giày dép. Tuy nhiên, việc xuất khẩu suy giảm có thể lại mang đến lợi ích cho Trung Quốc bằng cách thúc đẩy hợp nhất công nghiệp, loại bỏ các doanh nghiệp yếu kém và cải thiện hiệu suất.
Quan trọng hơn, Trung Quốc đã từng trải qua thời kỳ tồi tệ hơn khi các cải cách định hướng thị trường và tái cấu trúc từng khiến hơn 76 triệu công nhân bị sa thải trong giai đoạn 1992–2002. Một “làn sóng” sa thải mới khó có thể làm lung lay nền kinh tế quốc gia Đông Á này.
Tác động dài hạn của chính sách thuế quan từ ông Trump được dự báo sẽ còn sâu sắc hơn. Cũng giống như các biện pháp trấn áp Huawei và ZTE đã thúc đẩy tham vọng công nghệ của Trung Quốc, các hạn chế kinh tế - địa chính trị mới càng giúp giới lãnh đạo nước này dễ dàng hơn trong việc huy động người dân chống lại cái mà họ coi là sự sỉ nhục từ nước ngoài. Việc tạm ngưng áp thuế – vốn chỉ đơn thuần mở ra một khoảng thời gian cho các nhà xuất khẩu gấp rút giao hàng, chứ không hề tạo ra nền tảng cho một cuộc hòa giải – cũng không thay đổi tâm lý đó.
Với việc cú sốc thuế quan từ ông Trump trùng hợp với năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách “siêu cường châu Á” đã cố gắng thúc đẩy tiêu dùng trong nước và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ bằng các biện pháp tài khóa và tiền tệ. Tuy nhiên, những biện pháp này không thể khắc phục các điểm yếu mang tính cấu trúc của nền kinh tế – cụ thể là tỷ lệ tiêu dùng hộ gia đình còn thấp. Việc tái cân bằng này có thể sẽ mất nhiều năm.
Trong lúc đó, khi môi trường bên ngoài ngày càng xấu đi, giới lãnh đạo Trung Quốc – vốn chủ yếu xuất thân từ ngành kỹ thuật – cùng các nhà công nghiệp sẽ tiếp tục đổ nguồn lực vào công nghệ tiên tiến, đặc biệt là hệ sinh thái sản xuất tiên tiến dựa trên AI, nhằm tránh rơi vào khủng hoảng năng suất.
Cú đặt cược lớn của Trung Quốc vào tự cường công nghệ - được khởi động khi ông Trump bắt đầu thương chiến năm 2018 - không phải là “canh bạc chắc thắng”. Nhưng khi Mỹ cố dồn Trung Quốc vào chân tường, ít ai thấy được lối thoát nào khác.
Theo Bangkok Post
Cựu Tổng thống Mỹ Obama phá vỡ im lặng về cáo buộc ‘phản quốc’
Video mây đen khổng lồ như tận thế bao trùm thành phố đáng sống nhất Trung Quốc trong bão Wipha