Thỏa thuận trị giá 50 tỷ USD nhượng quyền cho nhà thầu Trung Quốc xây dựng kênh đào nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương đã chính thức bị hủy bỏ.
Mới đây, Quốc hội Nicaragua đã hủy bỏ đạo luật nhượng quyền cho nhà thầu Trung Quốc xây dựng kênh đào xuyên Nicaragua, nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Cụ thể, Nicaragua đã hủy bỏ Đạo luật 840, được thông qua vào năm 2012 nhằm nhượng quyền kinh doanh Công ty Đầu tư Phát triển Kênh HK Nicaragua (HKND) do doanh nhân Trung Quốc Wang Jing sở hữu xây dựng và vận hành kênh đào trong thời gian lên tới 100 năm.
Cải cách được đề xuất bởi Tổng thống Daniel Ortega và được Quốc hội Nicaragua thông qua với số phiếu gần như tuyệt đối.
Dự án kênh đào Nicaragua động thổ vào năm 2014, với tổng chiều dài 278km, cùng mức đầu tư lên đến 50 tỷ USD. Theo kế hoạch, kênh đào Nicaragua dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019.
Phối cảnh dự án kênh đào Nicaragua. Ảnh: Smithsonian |
HKND dự kiến thuê 50.000 nhân công trong 5 năm xây dựng. Theo kế hoạch, kênh đào đi qua hồ Nicaragua, xuyên khu rừng nhiệt đới và ít nhất 40 ngôi làng. Dự án ước tính sẽ làm 30.000 người, phần lớn là nông dân nghèo bản xứ, mất chỗ ở nhưng có thể mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho quốc gia Trung Mỹ này.
Tuy nhiên, dự án kênh đào Nicaragua bị “đóng băng” suốt 10 năm qua vì nhà đầu tư Trung Quốc không đủ nguồn lực để triển khai dự án. Có thời điểm, các nhóm công nhân đã bắt đầu khởi công xây dựng đường vào kênh đào, nhưng việc đào kênh chưa bao giờ thật sự bắt đầu.
Theo The Guardian, kênh đào Nicaragua nếu đi vào hoạt động sẽ là một trong những công trình dân dụng lớn nhất thế giới, lấn át kênh đào Panama. Ngoài ra, một số nhà quan sát cho rằng dự án sẽ phá hủy nguồn dự trữ nước ngọt quan trọng nhất của Nicaragua.
Trong một thập kỷ qua, dự án kênh đào Nicaragua đã vấp phải sự phản đối gay gắt của hàng nghìn nông dân Nicaragua đối với vấn đề thu hồi đất canh tác để xây dựng dự án, theo AP.
Năm 2019, một thẩm phán Nicaragua đã kết án 3 nông dân lãnh đạo phong trào biểu tình phản đối kế hoạch xây dựng kênh đào với mức án lần lượt là 216 năm, 210 năm và 159 năm.
Mặc lời hứa hẹn từ chính quyền Ortega rằng kênh đào sẽ tạo ra hàng chục nghìn việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế, nhiều người vẫn tiếp tục phản đối vì cho rằng dự án này có thể gây ra những rủi ro môi trường, cũng như đe dọa sinh kế của người dân địa phương.
Những người phản đối dự án lập luận rằng Chính phủ đã hành động vội vàng mà không có bất kỳ sự tham vấn nào để đánh giá những hệ lụy có thể xảy ra đối với môi trường.
Đài Firstpost (Ấn Độ) nhận định việc Chính phủ Nicaragua hủy bỏ đạo luật nhượng quyền cho nhà thầu Trung Quốc xây dựng kênh đào Nicaragua chính là sự thừa nhận tính phi thực tế của dự án trong bối cảnh chính quyền Ortega đang đối mặt với những thách thức về tài chính, môi trường và xã hội.