Thành phố đông dân nhất Việt Nam sẽ có đảo elip và cầu vượt gần 2.500 tỷ xóa ‘điểm đen’ kẹt xe phía Tây
Ngã tư Bốn Xã vốn là “điểm đen” kẹt xe ở cửa ngõ phía Tây TP. HCM, đặc biệt vào giờ cao điểm sáng và chiều.
Theo Báo Tuổi Trẻ, Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, thành phố đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị loạt dự án xây cầu vượt nhằm giảm ùn tắc giao thông, tạo thuận lợi cho người dân di chuyển qua các giao lộ đồng mức.
Dự kiến trong quý IV/2025, Sở sẽ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư hai công trình trọng điểm bao gồm cầu vượt thép tại ngã sáu Nguyễn Tri Phương - Ngô Gia Tự và nút giao thông ngã tư Bốn Xã.

Trong đó, ngã tư Bốn Xã vốn là “điểm đen” kẹt xe ở cửa ngõ phía Tây TP. HCM, đặc biệt vào giờ cao điểm sáng và chiều.
Ở giai đoạn đầu, thành phố sẽ xây dựng đảo trung tâm hình elip kết hợp cầu vượt tầng với 4 làn xe trên trục Hòa Bình - Lê Văn Quới. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.464 tỷ đồng.
Tại ngã sáu Nguyễn Tri Phương - Ngô Gia Tự, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM đang nghiên cứu phương án thiết kế cầu vượt với yêu cầu vừa giải quyết ùn tắc tại chỗ, vừa hạn chế ảnh hưởng đến các giao lộ lân cận như Hùng Vương, Ba Tháng Hai, Lý Thái Tổ… Mức đầu tư cụ thể sẽ được xác định sau khi lựa chọn phương án thiết kế tối ưu.
>> Sau sáp nhập, một đoạn đường 'xương sống' 15,3km tại TP. HCM sẽ xây thêm 6 nút giao hầm cầu vượt
Theo kế hoạch, sau khi được phê duyệt chủ trương, các dự án nói trên dự kiến khởi công từ quý II-III/2027, sau khi hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, với thời gian thi công khoảng 12-15 tháng.
Ngoài hai công trình trọng điểm này, TP. HCM cũng lên kế hoạch xây dựng thêm cầu vượt thép tại vòng xoay ngã bảy Điện Biên Phủ, theo hướng trục đường Lý Thái Tổ và các nhánh trên đường Lê Hồng Phong với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 420 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 10/7, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM phối hợp cùng các Sở, ngành và UBND xã Hiệp Phước tổ chức lễ khởi công dự án xây dựng cầu Rạch Tôm, thay thế cây cầu sắt cũ đã xuống cấp.
Theo đó, cây cầu mới có tổng mức đầu tư 497 tỷ đồng bao gồm khoảng 141 tỷ đồng chi phí xây dựng và 226 tỷ đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Cầu được thiết kế dài 174m, rộng 15m với 4 làn xe, kèm hệ thống đường dẫn, chiếu sáng và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Tổng chiều dài toàn bộ dự án (bao gồm cầu và đường) đạt 684m.
Dự kiến công trình sẽ hoàn thành và thông xe vào cuối năm 2026, cùng với cầu Long Kiểng và cầu Rạch Đĩa đã hoàn thành trước đó, góp phần hoàn thiện trục đường Lê Văn Lương, giảm ùn tắc giao thông và tăng cường kết nối TP. HCM với tỉnh Tây Ninh.
Với việc sáp nhập địa giới với hai địa phương lân cận là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. HCM chính thức trở thành thành phố có dân số đông nhất Việt Nam, với khoảng 14 triệu người và diện tích 6.772,59km2. Đây chỉ là sự mở rộng đơn thuần về quy mô, mà còn là bước đi chiến lược để hình thành một “siêu đô thị” đa trung tâm, liên kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ và cảng biển.
Việt Nam sẽ xây thêm 2 cây cầu vượt mới bắc qua đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, vốn đầu tư gần 2.000 tỷ
Sau sáp nhập, một đoạn đường 'xương sống' 15,3km tại TP. HCM sẽ xây thêm 6 nút giao hầm cầu vượt