Thành phố Việt Nam tương lai là siêu đô thị của châu Á sắp đón dự án 1 tỷ USD vốn ngoại
Trong cuộc đua toàn cầu về hạ tầng số, Việt Nam đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn của các “ông lớn” công nghệ với hàng loạt dự án trung tâm dữ liệu quy mô.
Với hàng loạt dự án trung tâm dữ liệu quy mô lớn đang và sắp được triển khai, TP. HCM đang từng bước định vị mình là điểm đến chiến lược cho hạ tầng số tại Đông Nam Á. Không chỉ thu hút các nhà đầu tư trong nước như Viettel, CMC, FPT, thành phố còn là đích ngắm của nhiều tập đoàn công nghệ nước ngoài với những dự án hàng trăm triệu đến cả tỷ USD.
Mới đây, ngày 23/4/2025, Tập đoàn Viettel đã chính thức khởi công trung tâm dữ liệu tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Dự án có tổng công suất lên tới 140MW – quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, và thuộc top 10 trung tâm dữ liệu lớn nhất Đông Nam Á.

Trước đó, tại Khu công nghệ cao TP. HCM, Tập đoàn CMC cũng đã công bố kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu siêu cấp (hyperscale) với tổng mức đầu tư hơn 250 triệu USD. Dự kiến khởi công vào quý II/2026 và đưa vào vận hành giai đoạn đầu trong năm 2027, dự án sẽ gồm 8 tầng, khoảng 3.000 tủ rack, với công suất thiết kế 30MW.
FPT cũng đang đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu (Data Center) quy mô 20MW tại Khu Công nghệ cao TP. HCM, với diện tích 10.000m2 và 3.600 tủ rack. Dự án áp dụng tiêu chuẩn Tier III quốc tế, sử dụng công nghệ DRUPS thân thiện môi trường. Trung tâm này dự kiến vận hành trong năm 2024, góp phần đáp ứng nhu cầu lưu trữ dữ liệu trong nước và thúc đẩy hạ tầng số quốc gia.
Không chỉ có doanh nghiệp nội, các tập đoàn quốc tế cũng đang dồn lực vào TP. HCM. OneHub DC đến từ Singapore cũng phát triển một trung tâm dữ liệu hơn 19 MW, trong khi NTT (Nhật Bản) đã khởi công dự án 6MW từ cuối năm 2024. Trong tháng 6/2025, thành phố dự kiến trao chứng nhận đầu tư cho một dự án trung tâm dữ liệu công suất hơn 30MW của một nhà đầu tư lớn chưa công bố.
Đặc biệt, Tại chương trình "Dân hỏi, chính quyền trả lời" do HĐND TP.HCM phối hợp Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức sáng 17/5, trả lời ý kiến cử tri về các cơ chế chính sách phát triển trung tâm dữ liệu, ông Nguyễn Kỳ Phùng, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP. HCM (SHTP) cho biết, một dự án trung tâm dữ liệu "khủng" với quy mô lên đến 1 tỷ USD cũng đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng, có thể triển khai vào cuối năm nay.
Việt Nam có tiềm năng gì để các "đại bàng" ngoại chọn làm "bến đỗ" cho trung tâm dữ liệu?
Việc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư mạnh mẽ vào các dự án trung tâm dữ liệu tại Việt Nam không chỉ thể hiện niềm tin vào nền kinh tế số đang tăng trưởng nhanh mà còn mở ra nhiều tiềm năng lớn cho đất nước trên bản đồ công nghệ khu vực. Việt Nam đang sở hữu lợi thế cạnh tranh rõ rệt nhờ vị trí địa lý thuận lợi ở trung tâm Đông Nam Á, hệ thống hạ tầng viễn thông ngày càng hiện đại, nguồn nhân lực công nghệ thông tin dồi dào và chi phí vận hành tương đối thấp so với nhiều nước trong khu vực.
Sự tham gia của các tập đoàn công nghệ toàn cầu như AWS, Google, Meta, hay gần đây là các dự án lớn của FPT, NTT, Gaw Capital... đang dần biến Việt Nam thành điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng hạ tầng số toàn cầu.
Để tạo điều kiện cho các trung tâm dữ liệu hoạt động hiệu quả, TP. HCM đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật đi kèm. Thành phố đã quy hoạch tuyến cáp quang quốc tế đi qua vùng biển Cần Giờ, đồng thời phát triển mạnh mạng 5G trong Khu công nghệ cao với 48 trạm phủ sóng. Ngoài ra, vấn đề cung cấp năng lượng – yếu tố sống còn đối với vận hành TTDL – đang được thành phố phối hợp với các bộ ngành xem xét nguồn điện từ năng lượng tái tạo và điện hạt nhân nhỏ trong tương lai.
>> Dự kiến sử dụng trung tâm thương mại làm trụ sở một phường mới ở Thủ đô
Bên cạnh hạ tầng, hành lang pháp lý cũng được hoàn thiện nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Luật Viễn thông sửa đổi năm 2023 cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn tại các dự án trung tâm dữ liệu – điều chưa từng có trước đây. Đây được xem là cú hích quan trọng giúp TP. HCM tăng sức hút trong bản đồ đầu tư hạ tầng số toàn cầu.
Theo kế hoạch, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP. HCM sáp nhập thành một địa phương và lấy tên là TP. HCM, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP. HCM hiện nay. Sau sáp nhập, TP. HCM sẽ trở thành siêu đô thị vùng Đông Nam Bộ với tổng diện tích hơn 6.770km2, dân số gần 13,7 triệu người. Sau khi sáp nhập, TP. HCM sẽ trở thành địa phương có quy mô dân số, kinh tế lớn nhất cả nước, là một siêu đô thị cấp độ châu Á.
Sắp khởi công cầu treo dài nhất thế giới được ví như 'kỳ quan thứ 8', chịu được sức gió 300km/h