Thị xã có nhiều anh hùng liệt sĩ nhất Việt Nam, từng nằm trong vùng chiến trường ác liệt nhất cả nước
Đây cũng là quê hương của mẹ Việt Nam anh hùng huyền thoại có 9 người con là liệt sĩ.
Quê hương của những anh hùng dân tộc
Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam từng được nhận định là nơi khốc liệt nhất, nhì của cả nước trong các cuộc kháng chiến chống Mỹ, kháng chiến chống Pháp,... Hòa chung tinh thần chiến đấu của nhân dân, lắng nghe tiếng gọi của Tổ quốc, lớp lớp các thế hệ thanh niên Điện Bàn lên đường ra trận. Tuy nhiên, không ít trong số đó đã anh dũng hy sinh và mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ.
Theo số liệu thống kê đến năm 2012, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có tất cả 65.000 liệt sĩ hy sinh trong các cuộc chiến tranh (ngoài ra tỉnh còn có hơn 30.000 thương bệnh binh), là tỉnh có nhiều liệt sĩ nhất cả nước. Trong đó, thị xã Điện Bàn từng được công nhân là huyện có số liệt sĩ nhiều nhất Việt Nam với 19.800 liệt sĩ.
Đây cũng là mảnh đất gắn liền với tên tuổi của người con gái Việt Nam anh hùng Trần Thị Lý, anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ với 9 người con hy sinh trong kháng chiến.
Ngàn đời ghi nhớ công ơn cao cả
Sau năm 1975, lãnh đạo Điện Bàn quyết tâm quy hoạch lập một nghĩa trang quy mô làm nơi yên nghỉ của hàng chục nghìn người con quê hương đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Địa điểm được chọn là nghĩa địa của các gia tộc làng Viêm Tây, xã Điện Thắng, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vì vừa thuận lợi về giao thông, lại là vùng đất cao ráo. Địa phương lập tức vận động và nhân dân đồng tình di dời mồ mả người thân xuống chôn cất tại các xã vùng cát đông Điện Bàn mà không đòi hỏi bồi thường, hỗ trợ. Sau khi giải phóng mặt bằng, năm 1978 Điện Bàn khởi công xây nghĩa trang liệt sĩ huyện.
Từ 1981-1983, công tác quy tập được tiến hành đồng loạt. Sau năm 1989, khi kết thúc cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia thì có đợt quy tập lần thứ hai với 125 hài cốt người con Điện Bàn được đưa về. Năm 2004, tiếp tục đưa 35 hài cốt về từ Nghĩa trang Đức Cơ (Gia Lai).
Lúc đầu các mộ chỉ đắp bằng đất và khoảng cách rất chật hẹp. Năm 2002, lần nâng cấp đầu tiên đã làm cho nơi đây có gương mặt mới khang trang. Các khu mộ đều được xây rộng, tôn cao, có phủ đá mài. Từ đó đến nay, hàng chục tỉ đồng của Nhà nước đã được đầu tư cho nghĩa trang.
Hiện nay, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn đã được công nhận là nghĩa trang cấp quốc gia rộng 3ha, nơi yên nghỉ của 5.620 liệt sĩ, trong đó có 37 mộ của các lão thành cách mạng, 125 mộ của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Trong đó có mộ của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ - người có 9 người con đẻ, một con rể và 2 cháu ngoại là Liệt sĩ. Trong khuôn viên của nghĩa trang có Nhà lưu niệm Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi ở vị trí trang trọng.
Bên cạnh đó, trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn còn có một ngôi mộ tập thể vô cùng đặc biệt. Đây là nơi quy tập hài cốt của 11 liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh đồn Bình Long. Ngôi mộ được xây dựng đơn sơ, có đặt một tấm bia nhỏ có ghi tên tuổi quê quán của 11 liệt sĩ, trong đó có 2 đồng chí người Thanh Hóa, số còn lại là quê ở Quảng Phú, Yên Phú, Yên Dương, Thái Bình, Hải Hưng, trong đó hai đồng chí Đỗ Duy Dân và Đại đội trưởng Nguyễn Văn Ước thì không ghi tuổi và quê quán nơi đâu.
Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn là nơi kết nối quá khứ hào hùng với hiện tại tươi đẹp. Nơi đây không chỉ là nơi tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ mà còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Mỗi ngày, nghĩa trang đón nhiều đoàn khách từ khắp mọi miền Tổ quốc đến thăm và dâng hương. Đặc biệt, vào những dịp kỷ niệm quan trọng của đất nước, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn đón nhiều đoàn lãnh đạo của Trung ương, địa phương đến đặt vòng hoa, tưởng nhớ công lao to lớn của bậc tiền bối đi trước đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc.