Tình hình thế giới diễn biến phức tạp: Singapore hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 xuống mức 0-2%, Việt Nam thì sao?
Những diễn biến liên quan đến thuế quan sẽ tác động tiêu cực đáng kể đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) gần đây đã thông báo rằng, GDP của Singapore ghi nhận tăng trưởng ở mức 3,8% trong quý I/2025, chậm hơn mức tăng trưởng 5% trong quý trước.
Bên cạnh đó, MTI cũng thông báo thêm rằng tăng trưởng GDP của Singapore trong năm 2025 được hạ xuống mức 0-2% thay vì 1-3% như trước.
Bộ này cho biết, những diễn biến liên quan đến thuế quan sẽ tác động tiêu cực đáng kể đến thương mại toàn cầu và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh này, MTI đánh giá rằng triển vọng nhu cầu bên ngoài của Singapore trong những tháng còn lại của năm đã suy yếu đáng kể.
Ngành sản xuất có khả năng bị ảnh hưởng tiêu cực do nhu cầu toàn cầu yếu hơn. Sự suy giảm của thương mại toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành thương mại bán buôn. Hơn nữa, việc sụt giảm thương mại toàn cầu cũng sẽ làm giảm nhu cầu đối với các dịch vụ vận tải biển và hàng không, từ đó ảnh hưởng đến ngành vận tải và lưu trữ.
Đồng thời, ngành tài chính và bảo hiểm có thể chứng kiến hoạt động giao dịch yếu hơn do tâm lý né rủi ro; tăng trưởng của các công ty thanh toán có thể chững lại cùng với hoạt động kinh doanh ảm đạm và tiêu dùng suy yếu...
>>GDP bình quân của Việt Nam nhảy vọt 65 bậc sau 33 năm
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Trọng Đức/TTXVN |
Tại Việt Nam, theo số liệu được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2025 ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với quý I các năm trong giai đoạn 2020-2025.
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 10/4/2025 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Nghị quyết nêu rõ, tình hình thế giới dự báo tiếp tục có những biến động lớn, nhanh chóng, phức tạp và khó dự đoán. Trong khi đó, ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi...
Tuy nhiên, Chính phủ đề nghị các thành viên Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền các cấp không bi quan, dao động trước diễn biến phức tạp và khó khăn, tác động từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, tiếp tục tận dụng tối đa thời cơ, thuận lợi, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, nỗ lực vượt qua thách thức, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2025, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng.
Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện hiệu quả 9 nội dung chủ yếu dưới đây:
Ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng cao gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chủ động, linh hoạt, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả với những vấn đề phát sinh, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên.
Khẩn trương hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính gắn với hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung trình Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII và Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội.
Phát triển mạnh mẽ các ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, chất lượng cao; bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia.
Mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu và chuỗi cung ứng; khai thác tối đa thị trường trong nước, thúc đẩy du lịch; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xuất xứ hàng hóa.
Tập trung phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, các ngành, lĩnh vực mới nổi, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia toàn diện; cải cách hành chính mạnh mẽ, thực chất hơn, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thực hiện hiệu quả, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân và chất lượng nguồn nhân lực.
Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; triển khai thực chất, hiệu quả các hoạt động đối ngoại; chuẩn bị tốt các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là truyền thông chính sách, truyền cảm hứng, tạo động lực, niềm tin, đồng thuận xã hội và khí thế mới cho phát triển.
>>Hòn ngọc Viễn Đông: Ký ức bát cơm độn khoai, sắn và hành trình cất cánh vươn xa