Đầu năm 2024, hãng xe Rivian tuyên bố sa thải 10% nhân viên trong tổng số 16.700 lao động của mình. Tưởng chừng đó là dấu hiệu cho một kết cục tồi tệ của startup xe điện. Nhưng tình hình đã nhanh chóng đảo ngược.
Rivian là một nhà sản xuất xe điện khởi nghiệp có mặt trên thị trường Mỹ ngay từ đầu thập niên 2010, từng được xem là đối thủ thách thức trực tiếp Tesla và hiện nay đang được đánh giá là hãng xe điện đắt giá thứ 3 tại Mỹ sau Tesla và Lucid.
Hãng xe điện Rivan |
Tuy nhiên, đầu năm 2024, hãng xe Rivian tuyên bố sa thải 10% nhân viên trong tổng số 16.700 lao động của mình. Đây đã là lần sa thải thứ 3 trong 2 năm qua và tưởng chừng như thông tin này là dấu hiệu cho một kết cục tồi tệ của startup xe điện khi họ đã đốt 9 tỷ USD trong 2 năm với khoản lỗ đến 33.000 USD trên mỗi chiếc xe bán ra.
Nhưng hãng xe điện non trẻ đối đầu Tesla này lại đang có một cuộc vươn mình ngoạn mục kể từ tuyên bố sa thải nhân viên trong tháng 2/2024. Cụ thể, việc ra mắt thành công dòng xe R2 SUV cùng khả năng cắt giảm chi phí mạnh tay đã khiến tổng vốn hóa của Rivian tăng thêm 1,7 tỷ USD để đạt 12,5 tỷ USD.
Cho dù con số này chỉ bằng chưa đến 1/10 so với thời kỳ đỉnh cao 153 tỷ USD năm 2021 nhưng chúng cũng chứng tỏ hướng đi hiện nay của Rivian đang đem lại hiệu quả và được nhà đầu tư ghi nhận.
Chấp nhận lời khuyên từ đối thủ
Nhìn vào báo cáo tài chính đáng thất vọng của Rivian, nhà đầu tư nghi ngờ về khả năng tồn tại của startup xe điện này. Thế nhưng Elon Musk, ông chủ Tesla lại có lời khen ngợi đối thủ khi cho rằng sản phẩm của Rivian thực chất "không hề tệ".
Elon Musk khen ngợi đối thủ khi cho rằng sản phẩm của Rivian thực chất "không hề tệ" |
Tuy nhiên, Elon Musk cho rằng cái Rivian cần khắc phục hiện nay là gia tăng được sản lượng, cắt giảm chi phí để có dòng tiền dương và cố gắng có lợi nhuận sớm nhất để trấn an nhà đầu tư.
Ông chủ Tesla còn dự đoán hãng xe Rivian sẽ phá sản trong vòng 6 quý tới nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ mà cụ thể ở đây là cắt giảm chi phí hết sức có thể.
Trong tuần trước, phía Rivian đã tuyên bố sẵn sàng cắt giảm chi phí hết mức như lời khuyên từ Elon Musk khi bất ngờ dừng kế hoạch xây nhà máy trị giá 5 tỷ USD ở Georgia. Thay vào đó, hãng sẽ sản xuất dòng xe điện mới tại nhà máy hiện có ở Illinois, qua đó tiết kiệm hơn 2,25 tỷ USD chi phí đầu tư.
Tương tự như Tesla, Rivian dự kiến xây siêu nhà máy sản xuất xe điện ở Georgia, qua đó tận dụng các khoản hỗ trợ về thuế từ chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, sự ảm đạm của thị trường xe điện, những bất ổn trong cuộc bầu cử Mỹ dẫn đến khả năng thay đổi chính sách cùng việc các nhà đầu tư bất bình đã khiến Rivian tạm dừng dự án.
Chuyên gia phân tích Emmanuel Rosner của Deutsche Bank nhận định nhà đầu tư đã "nhẹ lòng" hơn khi Rivian cắt giảm chi phí kịch liệt, qua đó có đủ vốn trong tay để tiếp tục sản xuất dòng xe mới R2 thay vì phải tiếp tục gọi vốn đầu tư.
Bất ngờ hơn, Rivian vừa cho ra mắt chiếc R3 giá rẻ, một sản phẩm dự kiến sẽ được đưa vào sản xuất ngay sau chiếc R2 nhằm tận dụng phân khúc cấp thấp trên thị trường.
"Chắc chắn mọi người sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác", CEO Robert Scaringe của Rivian tự hào nói.
Trên trang mạng xã hội Twitter-X, CEO Scaringe cho biết đã có hơn 68.000 đơn hàng đặt mua trước chiếc R2 chỉ trong chưa đầy 1 ngày, với mức giá khởi điểm chỉ 45.000 USD. Hiện các đơn đặt hàng nhiều đến nỗi công ty không phản hồi kịp.
Tình hình không mấy khả quan
Dù đã cắt giảm chi phí, theo Fortune, hãng Rivian vẫn lỗ trên mỗi chiếc xe điện mà họ bán ra và cho tới hiện tại, công ty này vẫn chưa có bất kỳ khoản lợi nhuận nào sau khi đã đốt hàng tỷ USD.
Thị trường xe điện cũng đang bước vào thời kỳ tăng trưởng sụt giảm khi quá nhiều hãng tham gia cuộc chơi còn người tiêu dùng thì chuyển sang ưa chuộng dòng Hybrid.
Sau 2 năm, Rivian đã tiêu hết một nửa trong số tiền mặt trị giá 18 tỷ USD |
Khi Rivian ra mắt thị trường xe điện, những người theo dõi trong ngành kỳ vọng họ sẽ đánh bại các đối thủ trên thị trường và trở thành một Tesla mới trong dòng xe điện SUV.
Các nhà đầu tư đổ xô vào đợt IPO hấp dẫn của công ty vào năm 2021, giúp họ huy động được gần 12 tỷ USD tiền mặt và trở thành đợt IPO lớn nhất của Mỹ suốt nhiều năm qua. Có thời điểm tổng vốn hóa của Rivian còn cao hơn cả Ford Motor và General Motors.
Nhưng sau 2 năm, Rivian đã tiêu hết một nửa trong số tiền mặt trị giá 18 tỷ USD của mình, một phần vì họ phải vật lộn để nắm vững các chi tiết cơ bản của quá trình sản xuất. Trong khi sản lượng hiện đang tăng lên và khoản lỗ đã được thu hẹp, Rivian vẫn thua lỗ từ việc bán xe.
Ngành công nghiệp xe hơi vốn nổi tiếng là có tỷ suất lợi nhuận hẹp và sự cạnh tranh gay gắt nên Rivian đang lâm vào cảnh trả quá nhiều chi phí sản xuất nhưng doanh số thì không đủ để trang trải chi phí.
Bởi vậy CEO Scaringe đang gấp rút cắt giảm chi phí và thu hẹp hoạt động. Ông cho biết đang tập trung vào việc giảm số tiền phải trả cho các nhà cung cấp linh kiện, đơn giản hóa một số khía cạnh của thiết kế và thúc đẩy sản lượng để cố gắng có lợi nhuận.
Khoản lỗ đã được thu hẹp khi Rivian sản xuất nhiều xe hơn, nhưng lượng tiền mặt mà hãng này "đốt" vẫn tiếp tục ở mức hơn 1 tỷ USD mỗi quý.
Để hạn chế thua lỗ, các nhà sản xuất ô tô cố gắng vận hành nhà máy của mình ở tốc độ nhanh nhất có thể. Các công ty phải mất vài năm để thiết kế, chế tạo và thực hành sản xuất các phương tiện mới.
Rivian ưu tiên việc ra mắt dòng xe mới với kỹ thuật tốt hơn là lợi nhuận trước mắt, điều này dẫn đến sản lượng không theo kịp để bù đắp chi phí cũng như sinh lợi nhuận.
Một yếu tố khác làm tăng chi phí là việc công ty thúc đẩy xây dựng các bộ phận dựa trên thiết kế nội bộ, thay vì mua các bộ phận rẻ hơn từ các nhà cung cấp có uy tín.
Theo ước tính từ nhà phân tích Colin Langan của Wells Fargo, tổng cộng, Rivian đang trả 25.000 USD cho mỗi chiếc xe, nhiều hơn giá phụ tùng thông thường trên thị trường.
Mặc dù vậy, có lẽ Rivian đã nhận ra sai lầm sau khi Elon Musk góp ý và mọi chuyện đang dần thay đổi. Tuy vậy liệu hãng xe điện non trẻ này có thoát khỏi cảnh phá sản hoàn toàn như ông chủ Tesla đã dự đoán hay không thì vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.