Quốc tế

Tỷ phú mới nhất của Nhật Bản: Làm sếp bất đắc dĩ nhưng xuất sắc đưa công ty thành đối thủ đe dọa Netflix

Phương Nhi 30/11/2023 11:25

Cổ phiếu của Usen-Next đã tăng mạnh trong năm nay nhờ mức thu nhập kỷ lục, giúp đẩy tài sản của Yasuhide Uno lên hơn 1 tỷ USD vào cuối tuần trước.

Bất đắc dĩ thành sếp, tỷ phú đứng sau
Tỷ phú Nhật Bản Yasuhide Uno

Trước khi trở thành tỷ phú nhờ biến công ty của cha mình thành đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Netflix tại Nhật Bản, Yasuhide Uno từng bày tỏ không muốn liên quan gì đến công việc kinh doanh của gia đình.

Uno chỉ đồng ý tiếp quản công ty khi cha anh hấp hối và người đàn ông này cảm thấy không còn lựa chọn nào khác. “Tôi có mong muốn mãnh liệt trở thành một doanh nhân hoàn toàn khác so với bố tôi,” anh cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg ở Tokyo.

Hơn 20 năm sau, tập đoàn Usen-Next Holdings Co. giờ đây vận hành dịch vụ phát trực tuyến với hơn 4 triệu người đăng ký và hàng chục hoạt động kinh doanh khác, bao gồm từ internet băng thông rộng đến dịch vụ cho cửa hàng.

Được biết, cổ phiếu của Usen-Next đã tăng mạnh trong năm nay nhờ mức thu nhập kỷ lục, giúp đẩy tài sản của Uno lên hơn 1 tỷ USD vào cuối tuần trước, theo Bloomberg Billionaires Index.

Bất đắc dĩ tiếp quản điều hành tập đoàn

Cha anh, ông Mototada sinh ra trong một gia đình người Trung Quốc nhập cư đến Nhật Bản trước Thế chiến thứ hai. Ông thành lập Osaka Usen Broadcasting vào năm 1961, thời điểm nền kinh tế Nhật Bản chứng kiến sự bùng nổ chưa từng có. Công ty gửi nhạc nền thông qua cáp đồng trục đến các cửa hàng, nhà hàng và cơ sở kinh doanh khác. "Usen" trong tiếng Nhật có nghĩa là cáp.

Hơn 40 năm, Mototada đã phát triển công ty tăng trưởng đều đặn. Vào thời điểm ông qua đời vì bệnh ung thư vào năm 1998, Usen đã chiếm khoảng 70% thị phần nhạc cáp tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của ông đã để lộ một lỗ hổng vô cùng lớn. Uno từng giải thích rằng Usen đã sử dụng hàng triệu cột điện thoại thuộc sở hữu của Chính phủ Nhật Bản để làm dây cáp mà không hề được cấp phép. Đó cũng là một trong những lý do khiến Uno không muốn tiếp quản vị trí điều hành công ty.

Thời điểm đó, Uno cũng đang phát triển sự nghiệp riêng của mình. Anh đã thành lập một công ty tư vấn việc làm có tên là Intelligence Co. cùng với ba người bạn và đang có kế hoạch cổ phần hóa. Mẹ anh đã bày tỏ mong muốn Uno hãy tiếp quản Usen. Mặc dù không phải là con trai cả nhưng anh lại là người kế vị được cha mình ưu tiên.

Sau khi Uno tiếp quản, sự sống còn của công ty phụ thuộc vào việc đưa việc sử dụng cột điện thoại vào khuôn khổ pháp luật. Hình ảnh của công ty đang rất xấu khi phớt lờ những yêu cầu và cảnh báo của Chính phủ trong nhiều năm.

Qua một quá trình dài sửa đổi, cuối cùng Chính phủ Nhật Bản đã đồng ý với kế hoạch của Usen nhằm giải quyết vấn đề này. Nhân viên của Usen phải chụp ảnh và và đăng ký các dây cáp nối tới hơn 7 triệu cột điện thoại. Sau một năm, công việc đã hoàn thành và không lâu sau đó Usen niêm yết trên sàn giao dịch Osaka.

Usen lại rơi vào khó khăn trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Thu nhập tồi tệ khiến công ty không thể trả được nợ. Dưới áp lực từ các ngân hàng trong việc giảm tải các hoạt động kinh doanh thua lỗ, Uno đã "bỏ tiền túi" để mua lại dịch vụ phát video trực tuyến của Usen. Anh tin rằng sau này nó sẽ là động cơ tăng trưởng chính của tập đoàn.

Năm 2014, anh niêm yết công ty có tên U-Next tại Tokyo. Chỉ ba năm sau đó, U-Next đã chính thức mua lại Usen.

Cổ phiếu tăng 66%, nâng vốn hóa thị trường lên mức 1,4 tỷ USD

Thời điểm hiện tại, đế chế Usen-Next bao gồm khoảng 25 công ty. Các dây cáp hiện nay cũng trở thành dịch vụ cung cấp Internet băng thông rộng. Hoạt động kinh doanh dịch vụ phát video trực tuyến trở nên phổ biến trong thời kỳ đại dịch, khi người dân phải ở nhà.

Nền tảng đã có thêm 1,2 triệu người dùng mới trong năm tài chính vừa qua, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo công ty nghiên cứu GEM Partners, tập đoàn này hiện đứng vị trí thứ 2 tại Nhật Bản sau Netflix.

Daisuke Aiba, nhà phân tích tại công ty môi giới Iwai Cosmo Securities Co., Usen-Next có tiềm năng vượt qua "gã khổng lồ" Mỹ tại thị trường Nhật Bản vì nó cung cấp nhiều nội dung phù hợp hơn với người dùng tại đây.

Bất chấp sự tăng trưởng trong lĩnh vực phát trực tuyến, hoạt động kinh doanh dịch vụ cửa hàng của Usen-Next, bao gồm nhạc nền và máy POS, vẫn đóng góp nhiều nhất vào lợi nhuận của công ty. Cụ thể, dịch vụ cửa hàng chiếm 46% lợi nhuận hoạt động trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8 vừa qua.

Bất đắc dĩ thành sếp, tỷ phú đứng sau
Cổ phiếu Usen-Next tăng 66% trong năm 2023. Nguồn: Bloomberg

Tính đến tháng 8, Usen-Next đã kiếm được 21,6 tỷ yên (145 triệu USD) lợi nhuận hoạt động trên doanh thu 276 tỷ yên, một con số kỷ lục chưa từng có trước đó. Cổ phiếu của công ty đã tăng 66% trong năm nay, mang lại vốn hóa thị trường khoảng 1,4 tỷ USD.

Sau 25 năm tiếp quản tập đoàn, lâu hơn rất nhiều so với nguyện vọng của cha, anh vẫn chưa hề có ý định từ chức. Uno cho biết giờ đây anh rất kính trọng cha mình vì nghị lực của ông.

Người đàn ông Nhật Bản trở thành tỷ phú nhờ phát hiện “vàng lạ” đầy đường

"Ông trùm" bí mật đứng sau đế chế thời trang đình đám Chanel trở thành tỷ phú giàu nhất Thụy Sĩ

Bill Gates bỏ lỡ cơ hội trở thành “siêu tỷ phú”: Nếu giữ chặt cổ phiếu Microsoft, hiện ông sẽ có bao nhiêu tiền?

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bat-dac-di-thanh-sep-ty-phu-dung-sau-netflix-nhat-ban-xuat-sac-vuc-day-cong-ty-213204.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Tỷ phú mới nhất của Nhật Bản: Làm sếp bất đắc dĩ nhưng xuất sắc đưa công ty thành đối thủ đe dọa Netflix
POWERED BY ONECMS & INTECH