Vụ Trương Mỹ Lan đòi nợ 1.000 tỷ: Dự án Khu đô thị An Phú của địa ốc Thủ Thiêm đang ra sao?
Bà Trương Mỹ Lan đề nghị HĐXX đưa dự án cho bị cáo làm, hoặc 'sếp' địa ốc Thủ Thiêm trả lại 1.000 tỷ đồng cùng tiền lời, vì vay đã nhiều năm.
Phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các bên liên quan đang diễn ra tại TAND TP HCM. Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tiến hành xét hỏi các bị cáo liên quan đến phần dân sự, tài sản kê biên, phong tỏa, trong đó nhiều thông tin quan trọng đã được bà Trương Mỹ Lan tiết lộ.
Trong các lời khai, bà Trương Mỹ Lan đã đề nghị đưa ra loạt cổ phần và tài sản để khắc phục hậu quả vụ án, bao gồm 18% vốn cổ phần tại Vietcombank Bến Thành, 82% vốn góp tại FWD, và 73,04% vốn góp tại Công ty Hợp Thành 1...
Bà Trương Mỹ Lan đòi 'sếp' địa ốc Thủ Thiêm trả 1.000 tỷ đồng và 'thêm tiền lời'
Bà Trương Mỹ Lan còn cho biết về khoản tiền 1.000 tỷ đồng mà bà đã cho ông Nguyễn Văn Liêm, Tổng Giám đốc CTCP Địa ốc Thủ Thiêm vay, hiện chưa được thu hồi.
Bà Lan khai, số tiền này được sử dụng cho dự án và ông Liêm sẽ cho mượn dự án để tái cơ cấu SCB. Bà đề nghị HĐXX nếu đồng ý đưa dự án cho bị cáo làm, thì bà sẽ tìm nhà đầu tư; còn nếu không, ông Liêm cần phải trả lại cùng với tiền lời, vì đã vay nhiều năm.
Bà cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù đây là khoản tiền bà cho mượn, nhưng SCB có trách nhiệm hỗ trợ trong việc đòi lại, pháp lý và giấy tờ dự án SCB sẽ biết.
Ảnh bà Trương Mỹ Lan |
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Lời khai Trương Huệ Vân lộ diện công ty vốn điều lệ 1.600 tỷ 'thuộc về bà nội'
Dự án Khu đô thị phát triển An Phú của Địa ốc Thủ Thiêm đang ra sao?
CTCP Địa ốc Thủ Thiêm, tiền thân là doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi vào tháng 10/2004, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Theo kết luận Thanh tra Sở TN&MT TP HCM, vào năm 2001, UBND TP HCM đã giao hơn 87,3 ha đất tại phường An Phú, quận 2 cho Công ty Dịch vụ phát triển đô thị TP HCM (nay là CTCP Địa ốc Thủ Thiêm) để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị.
Dự án này được thực hiện với sự tham gia của 13 đơn vị đầu tư thứ cấp. Tuy nhiên, đến nay, dự án hạ tầng kỹ thuật chính vẫn chưa hoàn thành.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Huệ Vân hối hận vì 'những chữ ký vội vàng'
Nguyên nhân chậm trễ được cho là do thay đổi tiêu chuẩn kỹ thuật công trình, trượt giá trong chi phí đầu tư xây dựng, và việc xác định lại chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Tổng mức đầu tư của dự án điều chỉnh tăng thêm 3.858.560 tỷ đồng. Nguyên nhân chính việc chậm trễ do:
- Chủ đầu tư dự án thành phần chưa thống nhất với Công ty Địa ốc Thủ Thiêm về kinh phí để tiếp tục thực hiện bồi thường và thi công dự án hạ tầng.
- Việc bồi thường giải phóng mặt bằng gặp khó khăn do tình trạng chuyển nhượng đất, chuyển nhượng giấy tay, người dân yêu cầu bồi thường giá cao so với dự kiến.
- Nguồn vốn của Công ty Cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm không đủ điều kiện để thực hiện dự án. Công ty đã nhiều lần gửi hồ sơ về việc tăng vốn điều lệ, nhưng vẫn không thực hiện được. Nguyên nhân do cần sự đồng ý của cơ quan quản lý phần vốn Nhà nước, nhưng Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn vẫn không thống nhất việc tăng vốn điều lệ.
CTCP Địa ốc Thủ Thiêm đã kiến nghị UBND TP HCM hỗ trợ giải quyết các thủ tục pháp lý liên quan và cam kết sẽ bồi thường GPMB đến tháng 6/2025; thực hiện thi công hạ tầng kỹ thuật đến tháng 6/2026.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Lộ diện 'chủ nhân' đã chi 500 tỷ đồng mua 16 bất động sản tại Phước Kiển
Bà Trương Mỹ Lan: 'Bị cáo xem như đây là định mệnh, là tai nạn'
Vụ Vạn Thịnh Phát: Luật sư của bà Trương Mỹ Lan chỉ ra 180 triệu USD 'là dòng tiền hợp pháp'